Chương trình phổ thông mới muốn nhào nặn ra học sinh có phẩm chất, năng lực gì?

01/10/2015 07:41
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) - Với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, liệu những phẩm chất và năng lực của học sinh như dự thảo đưa ra đã phù hợp với hiện tại?

LTS: "Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể" được Bộ GD&ĐT xây dựng, đang lấy ý kiến đóng góp của những người quan tâm.

Bài viết này chúng tôi luận bàn, trao đổi ý kiến về 2 vấn đề với PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), đó là "Phẩm chất chủ yếu" và "Năng lực chung của học sinh".

Cần ba thành tố tạo nên cốt lõi tính cách học sinh

Trao đổi về nội dung này, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nêu 3 yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu của học sinh, đó là "Sống yêu thương; Sống tự chủ; Sống trách nhiệm", đồng thời cũng chỉ ra 6 biểu hiện chủ yếu của những phẩm chất đó. 

PGS. Hào lấy ví dụ, điển hình như trong dự thảo có nói về phẩm chất sống yêu thương có các biểu hiện: "a) Yêu Tổ quốc; b) Giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình Việt Nam; c) Giữ gìn phát huy giá trị các di sản văn hóa của quê hương đất nước; d) Tôn trọng các nền văn hóa trên thế giới; đ) Nhân ái, khoan dung; g) Yêu thiên nhiên. 

Mỗi biểu hiện được cụ thể hóa theo chiều hướng phát triển từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông. Như, biều hiện a) Yêu Tổ quốc, ở cấp tiểu học yêu cầu;

"Yêu quý, không xâm hại các cảnh, vật, công trình của quê hương, đất nước; quan tâm đến những sự kiện thời sự nổi bật ở địa phương; cấp trung học cơ sở: "Có ý thức tìm hiểu và gìn giữ các truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; quan tâm đến những sự kiện chính trị, thời sự nổi bật ở địa phương, trong nước và quốc tế".

Cấp trung học phổ thông như: "Sẵn sàng bảo vệ tổ quốc; quan tâm đến sự phát triển của quê hương, đất nước; có ý thức tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động góp phần xây dựng quê hương đất nước".

Theo PGS. Hào, những biểu hiện về phẩm chất yêu thương ở các cấp học được nêu cụ thể và trình bày theo lôgic phát triển từ thấp đến cao kiểu như quy luật phát triển của quá trình nhận thức nhận thức. 

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

“Phẩm chất sống yêu thương thuộc lĩnh vực tình cảm, mà tình cảm con người có quy luật hình thành, phát triển riêng. Ba phẩm chất chủ yếu được nêu trong dự thảo chương trình tổng thể, theo tôi, vừa chưa đủ độ khái quát vừa còn thiếu điều gì đó” PGS. Nguyễn Kế Hào cho biết. 
                                   
Cũng theo nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, nếu cần nêu về những phẩm chất cần hình thành cho học sinh phổ thông, nên là các phẩm chất: Lý trí, Tình cảm, Ý chí. 

Vì đây là ba thành tố tạo nên cốt lõi nhân cách học sinh nói riêng, con người nói chung. Để có “Lý trí” con người cần học, học trong trường học, học trong trường đời, học suốt đời để phát triển tư duy và những phẩm chất nhân cách rồi để có hành động lý trí. 

Để có “Tình cảm” mà là tình cảm đẹp, con người biết yêu, biết ghét, biết sống phải đạo làm người trong xã hội con người cũng cần được học, cần được giáo dục suốt đời. Để có “Ý chí” con người cần được rèn luyện, cần được trải nghiệm trong thực tiễn. 

Mỗi phẩm chất nhân cách tạo lập bởi tổ hợp nhiều phẩm chất người. Những phẩm chất người được hình thành, phát triển trong đời sống mỗi người bằng con đường học tập, học trong trường học học ở trường đời. Con người phát triển, hoàn thiện nhờ được học, được giáo dục đến tự học, tự giáo dục.

Năng lực chung của học sinh

Theo nhận định của PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, các tác giả thiết kế "Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể" cho rằng điểm mới căn bản của công cuộc đổi mới giáo dục lần này là "chuyển từ cung cấp kiến thức đến hình thành năng lực học sinh"), nhưng theo PGS. Hào, đó chỉ là một cách diễn đạt của quy định cũ đã trở thành luật. 

Hình thành phẩm chất, năng lực học sinh đã được quy định trong Luật Giáo dục. Vì điều này chưa được thực hiện tốt trong giáo dục phổ thông, là vấn đề cần thực hiện nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu nên trong công cuộc đổi mới lần này cần được quan tâm thỏa đáng hơn. 

Văn bản dự thảo có đưa ra 8 năng lực chung của học sinh, có năng lực bao hàm cả một lĩnh vực giáo dục. Nền giáo dục của nước nhà từ Nhà nước Việt Nam mới theo đường hướng giáo dục toàn diện: Đức, Trí, Thể, Mỹ. 

Các nhà thiết kế chương trình tổng thể cũng theo hướng giáo dục toàn diện và đi xa hơn bằng việc đưa ra những quy định về những biểu hiện năng lực chung, ví dụ như "Năng lực thẩm mỹ" với 3 biểu hiện theo từng cấp học.

PGS. Nguyễn Kế Hào cho rằng, năng lực chung với ba cấp là tiểu học, THCS và THPT là nhận ra cái đẹp. Đối với tiểu học là “Có cảm xúc và bày tổ cảm xúctrước cái đẹp trong cuộc sống”. Đối với THCS là “Có cảm xúc và chính kiến cá nhân trước hiện tượng trong tự nhiên, đời sống xã hội và nghệ thuật”.

Đối với THPT là “Đánh giá được giá trị cơ bản, phổ biến của văn hóa, truyền thống và đạo đức Việt Nam, giá trị nhân văn của nhân loại”.

Tiếp theo, năng lực chung của ba cấp là “Diễn tả, giao lưu thẩm mỹ”. Cụ thể, với tiểu học là “Mô tả được cái đẹp, tiếp nhận được thông tin trao đổi về biểu hiện ở bên ngoài của các sự vật, hiện tượng thể giới xung quanh ở mức độ đơn giản”.

Với THCS là “Giới thiệu được, tiếp nhận có chọn lọc thông tin trao đổi về biểu hiện của cái đẹp trong tự nhiên, trong đời sống xã hội, trong nghệ thuật và trong tác phẩm của mình, của người khác”.

Với THPT là “Phân tích, đánh giá được tính thẩm mỹ, giá trị vật liệu, giá trị văn hóa của các sự vật, hiện tượng, quá trình trong tự nhiên, đời sống xã hội và nghệ thuật”.

Năng lực chung tiếp theo ở cả ba cấp mà theo PGS. Nguyễn Kế Hào, đó là “Tạo ra cái đẹp”. Cụ thể, ở tiểu học phải “Tái hiện được trong sáng tác của mình những cái đẹp trong tự nhiên, trong đời sống xã hội bằng phương tiện phù hợp”.

Ở cấp THCS phải “Diễn tả được ý tượng của mình theo chủ đề sáng tác, sử dụng công cụ, kỹ thuật và vật liệu sáng tác phù hợp trong sáng tác mỹ thuật”. Ở cấp THPT phải “Đề xuất được ý tưởng, sáng tạo được các sản phẩm có tính thẩm mỹ mang dấu ấn cá nhân”.

Còn nữa…

Xuân Trung (ghi)