Giảng viên đại học trước và sau mùa tuyển sinh

18/04/2019 07:02
Phương Vi
(GDVN) - Quan niệm “Giảng viên chỉ cần dạy học, vững chuyên môn thì sẽ dạy tốt” đã tồn tại trong thời gian khá dài. Với thực thế hiện nay, quan điểm đó đã khác?

LTS: Ở Việt Nam, giáo viên nói chung, giảng viên đại học nói riêng là một trong những nghề được coi trọng đặc biệt. Trước mùa tuyển sinh đang cận kề, các giá trị của nghề nghiệp ấy cần được nhìn nhận như thế nào?

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả bài viết của Giảng viên trẻ Vi Thị Phương, Giảng viên Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên về vấn đề này.

“Mùa nào thức nấy”, mùa tuyển sinh của các cơ sở đại học hiện nay đang bước vào thời kỳ cao điểm.

Bài toán tuyển sinh chính là bài toán sinh tồn cho các trường, nhất là trong giai đoạn… tự chủ đại học.

Để phục vụ công tác tuyển sinh của nhà trường, mỗi giảng viên phải nắm chắc như đinh đóng cột nội dung chuyên ngành, nằm lòng các phương thức xét tuyển đầu vào, các đường dây nóng... để tư vấn kịp thời cho thí sinh và phụ huynh.

Đây dường như vừa là trách nhiệm, vừa là “áp lực” mà người trong nghề phải đối mặt.

Không những thế, sau khi đã xong công tác tuyển sinh thì việc “giữ chân” sinh viên để các em gắn bó với trường cho đến năm cuối là một bài toán không dễ và cho nhiều đáp số.

Không thể phủ nhận rằng, để tạo sức hấp dẫn đối với người học, thu hút thí sinh thì các trường phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng và thương hiệu.

Nhưng chính nguồn lực con người - giảng viên mới là lực lượng quyết định chất lượng sản phẩm được đào tạo của trường đại học.

Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Đại học Khoa Học Thái Nguyên (Ảnh: http://tnus.edu.vn)
Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Đại học Khoa Học Thái Nguyên (Ảnh: http://tnus.edu.vn)

Nhiệm vụ của giảng viên hiện được quy định tại điều 55 Luật giáo dục đại học. Những quy định trong Luật giáo dục đại học và Điều lệ trường Đại học, cho thấy, giảng viên đại học phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong đó có hai nhiệm vụ lớn là dạy học và giáo dục.

Dạy học tức là truyền dạy tri thức kỹ năng, kỹ xảo cho người học và giáo dục họ trở thành những công dân có ích cho xã hội, tuân theo chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Hoạt động giảng dạy của giảng viên đại học rất khác so với giáo viên vì đối tượng giảng dạy của họ là những sinh viên đại học – những người đỗ vào đại học, đang trưởng thành về nhân cách, tương đối độc lập, tự chủ trong nhận thức và cuộc sống.

Giảng viên cung cấp tri thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho sinh viên nhưng đây không phải là mục đích cuối cùng, sản phẩm cuối cùng trong giảng dạy, mà chỉ là sản phẩm quá độ để hướng đến sản phẩm cuối cùng đó chính là sự phát triển nhân cách toàn diện của sinh viên.

Việc giúp sinh viên tiếp thu kỹ năng thuần thục đòi hỏi một sự đào tạo chuyên môn, yêu cầu nhiều thời gian và không thể bù đắp bằng những nỗ lực ngắn hạn.

Quá trình này luôn gặp phải thách thức là môi trường xã hội với những nền tảng khác biệt về kinh tế, văn hóa. Thậm chí có thành phần cá biệt, thích hưởng thụ và “ăn sẵn”.

Giảng viên đại học trước và sau mùa tuyển sinh ảnh 2Tư vấn mùa thi, định hướng nghề nghiệp cho hơn 700 học sinh Quảng Ninh

Nghĩa là dù khó khăn có hay không, tương lai, người thầy phải làm thay đổi cuộc sống nhận thức tinh thần của người học.

Muốn giảng dạy, hướng dẫn và giúp đỡ sinh viên thì người giáo viên cũng buộc phải có nhu cầu học tập, nâng cao trình độ.

Họ cần được quán triệt sâu sắc về tư tưởng, lý luận và cả chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, cần sự sắp xếp có kế hoạch, sự khích lệ của các cấp, để họ thật sự vươn lên tổ chức dìu dắt sinh viên tích cực chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Nếu để tự phát riêng lẻ trong từng cá nhân giáo viên, mà không có cơ chế tổ chức và đúc rút kinh nghiệm từ cấp bộ môn đến cấp khoa, trường và cả nước,… một cách khoa học, thì sẽ dễ dàng dẫn tới chìm lắng và giậm chân tại chỗ, có khi không phát huy mà còn dễ gây ra tâm lý trì trệ, chán nản.

Quan niệm “Giảng viên chỉ cần dạy học, vững chuyên môn thì sẽ dạy tốt” đã tồn tại trong thời gian khá dài.

Nhưng ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục và giảng viên đã nhận ra rằng, điều đó không hoàn toàn đúng.

Đặc biệt, trước những “tiếng tăm” không mấy tốt đẹp khi xã hội nghĩ về ngành giáo dục hiện nay, thì hình ảnh người thầy cũng trở thành một vấn đề với nhiều lý thuyết đa dạng.

Niềm tin của xã hội về cái tâm của nghề giáo thực sự đã tác động lớn vào tâm trí những người trong nghề. 

Người thầy cầm cân nảy mực cần có trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh để thông tỏ biết rằng “vàng hay thau”.

Người thầy càng phải có “con mắt tinh đời” nhiều hơn để biết mình đang đứng ở đâu và có trách nhiệm gì, ngay cả khi có “lệnh” phải chuyển đổi ngành đào tạo, hoặc giải thể, sáp nhập các với các cơ sở khác.. .

Có thể nói, trong tình cảnh “cháy” người học, giảng viên đại học tự thân đã là một giá trị.

Các giá trị trong nghề giáo như sự tận tâm, yêu thương học trò, hết lòng vì học trò, vì sự phát triển thế hệ trẻ cần được cả xã hội đánh giá và nhìn nhận.

Phương Vi