Lãnh đạo nhà trường hội đủ tâm - tài hãy tính đến bỏ biên chế giáo viên

03/06/2017 06:45
Nhật Duy
(GDVN) - Bỏ biên chế giáo dục, nói thì rất dễ nhưng làm sẽ vướng mắc rất nhiều khâu, liên quan đến hệ thống pháp lí hiện hành cũng như lợi ích của nhiều người.

LTS: Phản ánh những tâm tư của giáo viên trước thông tin bỏ biên chế trong ngành giáo dục, thầy giáo Nhật Duy cho rằng thông tin trên khiến các giáo viên rất hoang mang.

Bởi thực tế, khi Hiệu trưởng còn có những quyền hành rất lớn, bổ nhiệm không qua thi tuyển cùng với những mưu đồ bất chính ở một số người thì việc bỏ biên chế giáo viên sẽ gây ra nhiều thiệt thòi cho giáo viên.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều bài phân tích, bình luận về việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục.

Mặc dù Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói sẽ làm thí điểm và làm theo lộ trình nhưng vẫn gây hoang mang cho nhiều giáo viên. Vì thế, đến trường nào cũng được nghe giáo viên bàn luận về vấn đề này một cách sôi nổi.

Làm sao để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả mà nâng cao được chất lượng giáo dục là điều mà người thầy đang quan tâm nhiều nhất.

Xét đến cùng thì những bất cập của ngành giáo dục hiện nay có một phần nguyên nhân từ các lãnh đạo của ngành mà trực tiếp là Ban giám hiệu các nhà trường.   

Lâu nay, các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường đều do Chủ tịch Uỷ ban tỉnh (huyện) bổ nhiệm (tùy cấp học).

Vì thế, khi lãnh đạo phân công Ban giám hiệu của các trường thì giáo viên không được biết và chỉ có một việc là chấp hành ý kiến chỉ đạo cấp trên.

Bổ nhiệm Hiệu trưởng còn nhiều vấn đề bất cập thì việc bỏ biên chế sẽ gây thiệt thòi cho giáo viên. (Ảnh minh hoạ: VOV2)
Bổ nhiệm Hiệu trưởng còn nhiều vấn đề bất cập thì việc bỏ biên chế sẽ gây thiệt thòi cho giáo viên. (Ảnh minh hoạ: VOV2)

Là người lãnh đạo trực tiếp của mình nhưng giáo viên không được giới thiệu hay bầu chọn nên trong quá trình công tác với nhau nảy sinh nhiều bất cập.

Cũng chính vì vậy mà khi được phân công, điều động về các trường thì việc đầu tiên là Hiệu trưởng nhà trường phải xây dựng được một ê kíp cho riêng mình.

Một hai năm đầu ngoài việc lo hoạt động chung cho nhà trường thì các Hiệu trưởng cũng âm thầm tìm cho mình những trợ thủ trung thành. Vô hình trung tạo cơ hội cho những kẻ cơ hội, xu nịnh.

Việc không thi tuyển các Ban giám hiệu và nhất là Hiệu trưởng nhà trường cũng khiến một số trường phải chịu sự lãnh đạo của một Hiệu trưởng yếu năng lực chuyên môn, thiếu quan tâm sâu sát với đồng nghiệp nhưng lại thừa mưu mô, thủ đoạn để gây khó dễ cho giáo viên nào dám đối đầu hay có chính kiến khác với mình.

Dù không phải là tất cả nhưng ở một số địa phương, việc bổ nhiệm Hiệu trưởng các trường chưa hẳn là vì có năng lực.

Mỗi khi có một Hiệu trưởng về hưu là có nhiều người tìm “mọi cách” để được ngồi vào vị trí đó.

Nhiều vị lãnh đạo nhà trường có một mối quan hệ cực kì “thân thiết” với lãnh đạo địa phương. Nên, khi đã ngồi vào ghế lãnh đạo nhà trường bao giờ họ cũng được che chắn kĩ càng từ những người nâng đỡ của mình.

Lãnh đạo nhà trường hội đủ tâm - tài hãy tính đến bỏ biên chế giáo viên ảnh 2

Bỏ biên chế, thận trọng kẻo tạo thuận lợi cho kẻ cơ hội

(GDVN) - Giáo viên biên chế đã chẳng dám phản kháng dù lãnh đạo làm sai. Còn giáo viên hợp đồng thì sao? Chắc chắn họ cũng chẳng bao giờ dám lên tiếng.

Khi đã yên vị, củng cố được vị trí của mình là một số Hiệu trưởng nhà trường tìm mọi cách để thu hồi lại những khoản mà mình đã đầu tư trước đó.

Từ chuyện tờ giấy thi của học trò, chuyện tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên về trường đến việc đầu tư cơ sở vật chất hay tu sửa hàng năm… Cái gì có thể sinh lợi cho bản thân là họ đều làm được hết.

Nhiều Hiệu trưởng và các thành viên Ban giám hiệu còn bình thản đến mức nhẫn tâm là nhận phong bì, quà cáp của giáo viên trong trường trong dịp lễ tết.

Đồng nghiệp cấp dưới của mình mà không đến trong những ngày này luôn được “chăm sóc” kĩ càng trong những ngày sau đó. 

Tiến tới đây, khi mà ngành giáo dục áp dụng chính sách bỏ biên chế giáo viên để chuyển sang chế độ hợp đồng “có vào, có ra” chắc chắn sẽ tạo thêm uy quyền cho Hiệu trưởng và các thành viên Ban giám hiệu.

Cho dù cấp nào đứng ra tuyển dụng, kí hợp đồng thì Hiệu trưởng nhà trường vẫn có một vai trò cực kì quan trọng.

Nếu cấp trên tuyển dụng thì Hiệu trưởng là người tiếp nhận và quản lí trực tiếp trong quá trình giảng dạy.

Nếu khi tiếp nhận mà giáo viên về trường không thể hiện “tấm lòng” biết ơn với Hiệu trưởng thì việc gây khó dễ sau này rất dễ xảy ra.

Nếu Hiệu trưởng là người đứng ra tuyển dụng và kí hợp đồng thì mặc nhiên trở thành một người quyền uy vô cùng.

Hợp đồng 1 năm hay vài năm, nếu làm trái ý Hiệu trưởng thì việc kí hợp đồng lần sau của giáo viên trở nên mờ mịt. Đừng nói là có chuyên môn thì không bao giờ sợ như một số ý kiến giáo viên đang trao đổi.

Không phải bỗng dưng mà cách đây hơn 30 năm tác giả trẻ Phạm Thị Xuân Khải đã làm bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” gửi cho đồng chí Lê Đức Thọ để nói lên sự nghiệt ngã của cuộc đời để đến bây giờ chúng ta đọc lại vẫn còn day dứt:

“...Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt/ Có học hành, lại phải sống cầu an/ Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”/ Bởi lẽ đấu tranh - tránh đâu cho được?/ Đồng chí không bằng đồng tiền/ Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp…”.

Giỏi chuyên môn là một chuyện nhưng ai công nhận cho giỏi lại là chuyện khác.   

Lãnh đạo nhà trường hội đủ tâm - tài hãy tính đến bỏ biên chế giáo viên ảnh 3

Thầy giáo hiến kế bỏ công chức, viên chức giáo viên

(GDVN) - Một khi ngành giáo dục không được tuyển dụng con người thì cũng đồng nghĩa những tiêu cực xảy ra và khó tuyển được người có đúng khả năng cho từng vị trí.

Muốn việc bỏ biên chế để chuyển sang hợp đồng ở ngành giáo dục thì việc đầu tiên là Bộ giáo dục phải tham mưu để bỏ cơ chế bổ nhiệm Hiệu trưởng cũng như những thành viên của Ban giám hiệu nhà trường.

Chỉ khi nào tổ chức thi tuyển thì ngành giáo dục mới có những Hiệu trưởng hội tụ đủ năng lực, trách nhiệm với công việc chung.

Hàng năm, các Ban giám hiệu được lấy phiếu tín nhiệm từ giáo viên trong trường. Mỗi nhiệm kì có thể 4-5 năm, sau mỗi nhiệm kì thì nên tổ chức thi tuyển lại.

Ai được tín nhiệm, ai có khả năng cáng đáng được công việc thì bổ nhiệm, ai không đủ khả năng lãnh đạo thì chuyển sang vị trí công việc khác.

Còn cứ theo cơ chế hiện nay, khi đã bổ nhiệm là cứ ngồi mãi một vị trí sẽ phát sinh rất nhiều tiêu cực mà rất khó thay đổi được chất lượng của ngành.

Bỏ biên chế giáo dục, nói thì rất dễ nhưng làm sẽ vướng mắc rất nhiều khâu, liên quan đến hệ thống pháp lí hiện hành cũng như lợi ích của nhiều người.

Vì thế, nếu Bộ thí điểm theo lộ trình thì việc đầu tiên thí điểm nên làm là Hiệu trưởng các trường học.

Chỉ khi xây dựng được một đội ngũ lãnh đạo nhà trường làm nòng cốt cho sự đổi mới thì mới tính việc thay đổi được bản chất của ngành giáo dục hiện nay.

Nhật Duy