Nhà giáo, chiến sĩ - Hai vai của một cuộc đời

19/11/2018 06:20
Nguyễn Văn Thu
(GDVN) - Bằng vốn kiến thức, kinh nghiệm sống, lại là người kinh qua trong quân đội, trực tiếp chiến đấu nên những buổi nói chuyện truyền thống của Thầy rất sinh động.

LTS: Trong đội ngũ nhà giáo không ít những người từng là những chiến sỹ quả cảm trên mặt trận chống quân thù.

Trường Trung học cơ sở Đồng Hiệp, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cũng vinh dự có được những thầy giáo, nhân viên nhà trường từng là những chiến sỹ sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc, chiến đấu dũng cảm để bảo vệ nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), thầy giáo Nguyễn Văn Thu trân trọng giới thiệu với quý độc giả “Nhà giáo - Chiến sỹ” Võ Văn Hà.

Người chiến sỹ dũng cảm

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy đau thương vừa kết thúc, đất nước trọn niềm vui. Hòa bình, thống nhất; dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, nhân dân ta chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình thì bọn phản động Pol Pot (Campuchia) lại gây chiến trên khắp tuyến biên giới Tây Nam của chúng ta.

Chúng xâm chiếm lãnh thổ, giết hại hàng ngàn người dân vô tội.

Nhân dân ta lại phải bước vào một cuộc hành trình đau thương mới; cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ Quốc tế tại Campuchia.

Lúc này, chàng thanh niên Võ Văn Hà đang học năm cuối của chương trình phổ thông, với biết bao ước mơ, hoài bảo và dự định đang ở phía trước.

Nhà giáo, chiến sĩ - Hai vai của một cuộc đời ảnh 1Những “thầy giáo quân hàm xanh” đã trở thành hình ảnh đẹp nơi biên giới

Nhưng đất nước lâm nguy, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm 1977, chàng thanh niên trẻ Võ Văn Hà rời quê hương Phù Mỹ, Bình Định lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. 

“Rời cây bút để cấm cây súng nặng

Rời bảng đen để nhìn bia ngăm”

Nhập ngũ, anh được biên chế vào đơn vị trinh sát, một nhiệm vụ đơn độc, thầm lặng mà vô cùng nguy hiểm.

Anh kể lại: Lúc đầu thì sợ lắm, sợ tiếng súng, sợ bom mìn, sợ chết chốc … nhưng khi tiến sâu vào chiến trường, chứng kiến cảnh bọn Pol Pot giết hại đồng bào ta và nhân dân Campuchia một cách vô cùng dã man tàn bạo thì tình yêu nhân dân, yêu đồng loại trào dâng, lòng căm thù giặc trở nên sâu sắc.

Lúc này anh không còn nghĩ đến chuyện riêng tư, không biết sợ nữa mà chỉ biết chiến đấu quên mình để tiêu diệt kẻ thù.

Chiến sỹ Võ Văn Hà xông pha trên khắp các chiến trường, với nhiều trận đánh ác liệt và nhiều chiến công hiểm hách. 

Chiến sỹ Võ Văn Hà luôn tâm đắc với câu nói của Lê Mã Lương “Cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận chống quân thù” đây cũng là lẽ sống để anh tiếp tục sống và chiến đấu.

Khi mà những cuộc chiến đấu ở chiến trường Campuchia đang tiếp tục diễn ra hết sức ác liệt thì ngày 17/2/1979, Trung Quốc tiến đánh nước ta trên khắp tuyến Biên giới phía Bắc.

Chúng huy động hàng vạn quân với nhiều vũ khí hiện đại tràn vào nước ta, tàn phá đất nước, giết hại người dân.

Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân giao phó.

Tháng 3 năm 1979, chiến sỹ Võ Văn Hà cùng đơn vị được lệnh hành quân thần tốc từ Campuchia về chi viện cho bộ đội địa phương sáu tỉnh biên giới phía Bắc, chặn đánh và đẩy lùi thế tiến công của quân xâm lược Trung Quốc.

Trung Quốc huy động một lực lượng lớn quân đội và vũ khí, nhằm đè bẹp mọi sự phản kháng của chúng ta. Nhưng chúng đã không thực hiện được ý đồ đó.

Nhà giáo, chiến sĩ - Hai vai của một cuộc đời ảnh 2Hành trình đến với lớp học tình thương của “thầy giáo” 9X

Quân ta ít nhưng tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, lực lượng chủ lực từ chiến trường Campuchia nhanh chống rút về hỗ trợ cho bộ đội địa phương nên chỉ trong một thời gian ngắn, quân ta đã đẩy lùi và đập tan quân xâm lược Trung Quốc.

Bảo vệ toàn tuyến biên giới phía Bắc. Tháng 8 năm 1979, theo yêu cầu của nhiệm vụ, ở biên giới phía bắc đã được tạm ổn, Võ Văn Hà cùng đơn vị lại phải quay trở lại chiến trường Campuchia tiếp tục chiến đấu làm nghĩa vụ Quốc tế, giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Pol Pot.

Trở lại chiến đấu ở chiến trường Campuchia thêm một thời gian, do nhiệm vụ đòi hỏi củng cố lực lượng phòng thủ ở Biên giới phía Bắc, ngày 27/3/1982, chiến sỹ Võ Văn Hà cùng đơn vị trở lại biên giới phía Bắc lần hai, đến năm 1984 anh được đơn vị cho phục viên.

Võ Văn Hà trở về với cuộc sống đời thường, về với quê mẹ Phù Mỹ – Bình Định yêu thương. 

Sau những tháng năm vào sinh ra tử, đánh Nam dẹp Bắc, làm nghĩa vụ Quốc tế ở Campuchia, Võ Văn Hà là một chiến sỹ chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

Với nhiều chiến công hiển hách, anh được phong tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quân” (năm 1982) và nhiều huân huy chương khác, đây một vinh dự lớn của người lính. 

Một nhà giáo đáng kính

 Sau khi rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường vào thời điểm đất nước hết sức khó khăn, thầy Võ Văn Hà phải bôn ba khắp nơi để kiếm sống.

Thầy kể lại, ngày đó, Thầy đi làm làm mía, kéo che nấu đường tại xã Phú Điền. Một công việc vô cùng nặng nhọc nhưng rất ngọt ngào.

Tình cờ một hôm, có một cô giáo dạy mầm non đến chỗ Thầy làm để mua đường, lúc đầu thì Thầy bán nhưng sau thì cho.

Không biết đường ngọt hay tấm lòng thầy ngọt mà hai người yêu thương nhau, nên vợ thành chồng và gắn bó với mảnh đất Phú Điền.

Có vợ, những đứa con yêu lần lượt ra đời. Cuộc sống vẫn đấy rẫy những khó khăn, Thầy làm trăm nghề kiếm sống nhưng cũng chẳng có nghề nào ổn định.

Thầy Võ Văn Hà nói chuyện truyền thống với học sinh. Ảnh do tác giả cung cấp
Thầy Võ Văn Hà nói chuyện truyền thống với học sinh. Ảnh do tác giả cung cấp

Cuối cùng Thầy quyết định thử sức với nghề nhà giáo, một nghề rất cao quý nhưng cũng rất khó.

Thầy đến với nghề dạy học gần như con số không, chưa qua đào tạo, chưa bằng cấp và chưa có kinh nghiệm.

Thầy chỉ có chút vốn tiếng Anh khá khá của thời còn học phổ thông.

Cũng may là vào thời điểm đó, Trường Trung học cơ sở Đồng Hiệp thiếu giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Thầy mạnh dạn đến gặp Hiệu trưởng để xin dạy hợp đồng.

Nhà trường có nhu cầu nên thầy Hiệu trưởng nhận lời nhưng với điều kiện là phải dạy thử một thời gian để giáo viên chuyên môn dự giờ đánh giá; nếu đạt mới ký hợp đồng chính thức.

Nhà giáo, chiến sĩ - Hai vai của một cuộc đời ảnh 456 năm miệt mài không nghỉ, ươm hạt giống cho đời

Đời không cho ai tất cả nhưng cũng không lấy đi tất cả cơ hội của người nào. Thầy đã rất cố gắng và cơ duyên đã đưa thầy đến với nghề dạy học.

Được nhận dạy hợp đồng môn tiếng Anh, được Ban giám hiệu tạo điều kiên cho đi học các lớp chuẩn hóa về bằng cấp, được vào biên chế.

Trở thành một thầy giáo chính quy, Thầy tiếp tục cố gắng thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực tham gia các hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp ngành và đã đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng.

Nhiều năm thầy đạt giáo viên giỏi cấp ngành, giải thưởng viên phấn vàng …Hơn hết Thầy luôn được học trò và đồng nghiệp quý mến.

Các con thầy lớn lên cũng được thầy định hướng theo nghề giáo của mình.

Dù trong hoàn cảnh nào, Thầy vẫn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của nhà trường.

Đặc biệt trong các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh thì thầy là người thực hiện có hiệu quả nhất.

Bằng vốn kiến thức, kinh nghiệm sống, lại là người kinh qua trong quân đội, trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường nên những buổi nói chuyện truyền thống của Thầy rất sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn người nghe, đạt hiệu quả giáo dục rất cao.

Giờ đây chỉ còn một mùa Hội giảng nữa là Thầy về hưu rồi, kết thúc cuộc hành trình của người chiến sỹ và người thầy giáo để về với cuộc sống đời thường.

Viết bài này tôi cũng chỉ mong lưu lại một chút thông tin về người đồng nghiệp quý mến và để các em học sinh hiểu hơn về người thầy đáng kính của mình.

Nguyễn Văn Thu