Nhà xuất bản Giáo dục giải thích thế nào khi sách giáo khoa đã tăng giá?

16/03/2019 07:15
THANH AN
(GDVN) - Phải chăng, Nhà xuất bản Giáo dục đã “qua mặt” Bộ Giáo dục- cơ quan chủ quản của mình và đẩy “khách hàng” vào sự đã rồi?

Những ngày đầu năm 2019, Nhà xuất bản Giáo dục đã rục rịch chuyện tăng giá sách giáo khoa cho năm học 2019-2020. Sau đó, Bộ Giáo dục đã “tuýt còi” chưa cho tăng giá trong năm học tới.

Thế nhưng, theo thông tin của Báo Thanh niên phản ánh thì Nhà xuất bản Giáo dục đã in giá tăng trên bìa sách mới và nộp lưu chiểu vào cuối tháng 1 năm 2019- trước khi có thông tin dự kiến là sẽ tăng giá.

Phải chăng, Nhà xuất bản Giáo dục đã “qua mặt” Bộ Giáo dục- cơ quan chủ quản của mình và đẩy “khách hàng” vào sự đã rồi?

Sách giáo khoa cho năm học 2019-2020 đã có mặt ở một số nhà sách và có giá cao hơn hiện nay (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Sách giáo khoa cho năm học 2019-2020 đã có mặt ở một số nhà sách và có giá cao hơn hiện nay (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục đang là đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều này cũng đồng nghĩa một kế hoạch lớn, có ảnh hưởng đến hàng chục triệu phụ huynh như chuyện tăng giá sách giáo khoa thì phải báo cho cơ quan chủ quản biết trước khi thực hiện kế hoạch của mình.

Tuy nhiên, hình như Nhà xuất bản Giáo dục đã không làm vậy. Cho nên, họ đã âm thầm tăng giá và cho xuất bản trước khi báo cáo?

Việc làm này rõ ràng đẩy Bộ Giáo dục vào thế bí và khó ăn nói với dư luận xã hội trong thời gian tới.

Bởi, Bộ vừa mới phát ra thông điệp là không cho phép tăng giá trong năm học tới nhưng thực tế thì sách đã in rồi. Bây giờ, Bộ sẽ giải thích như thế nào với dư luận khi: “bát cơm đã trót chan canh mất rồi”?

Theo kế hoạch, để chuẩn bị cho năm học 2019-2020 thì Nhà xuất bản Giáo dục sẽ xuất bản 108 triệu bản sách giáo khoa cung cấp ra thị trường.

Trong khi, sách giáo khoa phổ thông gồm 158 cuốn từ lớp 1 đến lớp 12.

Và, theo “dự kiến” của Nhà xuất bản Giáo dục thì chỉ có 22 cuốn tăng dưới 10% so với giá bìa hiện hành.

Những cuốn còn lại đều tăng từ 10 - 40%. Bộ sách mà tỷ lệ tăng ít nhất là sách giáo khoa lớp 4 (9 cuốn) cũng đã tăng 12%.

 Nhà xuất bản Giáo dục giải thích thế nào khi sách giáo khoa đã tăng giá? ảnh 2Nhà xuất bản xin, Bộ Giáo dục không cho tăng giá sách giáo khoa

Như vậy, (nếu như) sách giáo khoa cho năm học mới được bán với giá đã in trên bìa thì năm học tới đây nguồn thu của Nhà xuất bản Giáo dục sẽ tăng lên đáng kể.

Bởi, tất cả sách giáo khoa đã in cho năm học 2019-2020 đều tăng so với giá hiện hành.

Nếu chúng ta tính trung bình cho các loại sách đều tăng 20% thì 108 triệu bản sách giáo khoa khi bán ra thị trường, lợi nhuận cho Nhà xuất bản Giáo dục sẽ tương đối lớn.

Đây thực sự là con số đáng kể cho một đơn vị nhà nước dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2018, khi mà dư luận lên tiếng mỗi năm, phụ huynh phải bỏ ra 1000 tỉ đồng mua sách giáo khoa rồi phải bỏ đi vào năm học sau gây lãng phí cho xã hội.

Lúc đó, ông Hoàng Lê Bách, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết:

Nhà xuất bản đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành sách giáo khoa mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng”.

Chính vì thế, nếu như mọi chuyện êm xuôi, sách được bán theo giá bìa đã in thì năm học tới đây chắc chắn Nhà xuất bản Giáo dục sẽ “không lỗ” mà sẽ có khoản lãi hơn rất nhiều so với các năm trước.

Vẫn biết, khi chúng ta đang vận động theo nền kinh tế thị trường thì chuyện tăng giá sách giáo khoa không phải là điều gì quá lớn lao. Ai cũng biết, bộ sách giáo khoa hiện nay không phải là quá cao.

Sách Tiểu học thì khoảng trên dưới 100 ngàn đồng, sách Trung học cơ sở hay Trung học phổ thông thì có giá trên dưới 200 ngàn đồng.

 Nhà xuất bản Giáo dục giải thích thế nào khi sách giáo khoa đã tăng giá? ảnh 3Giá sách giáo khoa 8 năm đứng im, nếu không tăng giá lỗ bao nhiêu, ai chịu?

Số tiền ấy không phải là quá nhiều và phụ huynh vẫn có thể chấp nhận được.

Nhất là trong ngày 12/3, tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có phát biểu:

Tôi có trao đổi với Bộ Tài chính, 8 năm qua, giá sách giáo khoa“đứng im” mặc dù các khoản chi phí tăng liên tục.

Tiền lương tối thiểu vùng tăng 3 lần, lương cơ sở tăng 1,8 lần. Giấy in tăng 20%, điện tăng 41% nhưng sách giáo khoa vẫn như 8 năm về trước”.

Thế nhưng, điều mà dư luận phản đối có lẽ không phải sách giáo khoa mà là một số sách bài tập, sách bổ trợ hiện nay đang có giá rất cao. Trong khi sách bài tập thường được thiết kế dùng trong một năm rồi bỏ.

Chính sự nhập nhèm giữa sách bài tập và sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục khiến cho dư luận hoài nghi về tính minh bạch trong việc công bố "lỗ" và "lãi".

Trong khi, sách giáo khoa là loại mặt hàng đặc thù, đang được nhà nước trợ giá.

Bây giờ, câu chuyện tréo ngoe xảy ra, không biết Bộ Giáo dục và Nhà xuất bản Giáo dục sẽ phải giải thích như thế. Bởi vì Bộ không cho tăng giá nhưng Nhà xuất bản đã tăng giá sách giáo khoa?

Phải chăng chính sự “độc quyền” của mình mà Nhà xuất bản Giáo dục đã làm điều trái khoáy như thế này?

Tài liệu tham khảo:

https://thanhnien.vn/giao-duc/quy-trach-nhiem-xu-ly-theo-quy-dinh-1059706.html

https://thanhnien.vn/giao-duc/da-in-sgk-tang-gia-ai-phai-chiu-trach-nhiem-1059708.html

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Gia-sach-giao-khoa-8-nam-dung-im-neu-khong-tang-gia-lo-bao-nhieu-ai-chiu-post196429.gd

THANH AN