Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc "lách luật"?

11/11/2017 09:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Sách giáo khoa và các loại tài liệu "sử dụng như sách giáo khoa", sách tham khảo, thiết bị dạy học từ lâu đã trở thành mảnh đất màu mỡ mà nhiều người nhòm ngó.

Sau khi Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết kết quả thẩm định tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, chúng tôi đã có bài phân tích ban đầu:

Bộ Giáo dục thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ vì thầy Hồ Ngọc Đại hay học sinh?

Nhận thấy đằng sau kết quả thẩm định này còn nhiều chuyện bất thường làm cho chính sách giáo dục nước nhà trở nên méo mó, chúng tôi xin tiếp tục phân tích để làm rõ vấn đề.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã đặt vấn đề mâu thuẫn trong căn cứ thẩm định Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và hàng loạt câu hỏi về việc tại sao Hội đồng quốc gia thẩm định ngay từ đầu đã né tránh việc xác định căn cứ pháp lý triển khai đại trà tài liệu này vào nhà trường "như sách giáo khoa".

Chúng tôi nhận thấy, dường như đằng sau vụ việc này còn là cả một thực tiễn đáng báo động về tình trạng chính một số quyết sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tự vô hiệu hóa Luật Giáo dục hiện hành.

Lách Nghị quyết 40 của Quốc hội bằng từ "thí điểm"

Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã nhiều lần khẳng định về sự thất bại của chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa hiện hành, cũng như trách nhiệm của những người làm ra nó.

Đã qua lâu rồi thời một bộ sách giáo khoa được truyền nhau học năm này qua năm khác. Tiền sách, tiền trường đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít phụ huynh mỗi khi bước vào năm học mới. Ảnh minh họa, nguồn: Internet / Chưa rõ tác giả.
Đã qua lâu rồi thời một bộ sách giáo khoa được truyền nhau học năm này qua năm khác. Tiền sách, tiền trường đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít phụ huynh mỗi khi bước vào năm học mới. Ảnh minh họa, nguồn: Internet / Chưa rõ tác giả.

Thầy Đại cũng khuyên ông Lê Tiến Thành, ông Phạm Vũ Luận (khi còn là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đừng nhận mình là tác giả của chương trình 2000.

Và chính thầy Đại khẳng định Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi còn đương chức đã giúp ông "lách luật" (lần thứ nhất).

"Năm vừa rồi (2011), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra quyết định chính thức đưa phương án của công nghệ giáo dục về địa phương.

Nhưng vì Quốc hội ra Nghị quyết số 40 chỉ có một bộ sách toàn quốc nên buộc phải dùng từ “thí điểm”. Nhưng mà “thí điểm” hiện nay có 16 tỉnh và có 50.000 học sinh… 

Chỉ cần, nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1.000 là đáng tin cậy.

Giải pháp đưa ra là giải pháp, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo thì xuống chủ tịch ủy ban nhân dân quận ra quyết định.

Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định nên làm việc ngon hẳn. Rất ngon! Tôi chưa bao giờ làm việc thuận lợi như năm vừa rồi. 

...Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật. 

Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi." [1]

Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc "lách luật"? ảnh 2

Một vài tâm tư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo mãi tới tháng 5 năm nay mới thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục sau khi tài liệu này đã vào gần 8 ngàn trường với gần 700 ngàn học sinh sử dụng nói lên điều gì?

Đó là mãi tới bây giờ do áp lực từ dư luậnyêu cầu của một vị Đại biểu Quốc hội bám sát tình hình giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới thẩm định, nhưng chỉ làm cho có, cái cần thẩm định thì loại ngay từ đầu.

Kết quả thẩm định này phải chăng không chỉ là động thái hợp pháp hóa chuyện "lách luật" của ông Phạm Vũ Luận, ông Nguyễn Vinh Hiển mà chính thầy Đại tiết lộ, mà còn chuẩn bị cho bước "lách luật" lần 2?

Lách Nghị quyết 88 của Quốc hội về chủ trương một chương trình - nhiều sách giáo khoa?

Chúng tôi hoài nghi kết quả thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục không chỉ là động thái làm cho qua chuyện;

Mà nhiều khả năng đây còn là màn ảo thuật để biến bộ sách công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành 1 trong 4 bộ sách giáo khoa phổ thông mới.

Điều này thể hiện ngay trong kết luận và khuyến nghị của Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu này:

"Trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” có hiệu lực."

Các phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo tham gia hội đồng này đã đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới, không hề có trong Luật Giáo dục hiện hành, nhưng lại tồn tại phổ biến trong đời sống giáo dục: “tài liệu sử dụng như sách giáo khoa”.

Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc "lách luật"? ảnh 3

Tiền đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao?

Cũng không thể hoàn toàn trách được các vị được giao nhiệm vụ hợp thức hóa các quyết định trái luật của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi một khi đã là "chủ trương" của lãnh đạo Bộ thì họ cũng khó.

Chúng tôi chỉ buồn khi nhiều vị trong hội đồng cũng sẽ tham gia làm chương trình, sách giáo khoa mới. Nếu cứ thế này, liệu có khả năng chương trình mới chỉ để hợp thức hóa sách cũ VNEN và công nghệ giáo dục?

Trong lĩnh vực xây dựng chúng ta đã quá quen với việc "phạt cho tồn tại" dẫn đến nhờn luật. Trong giáo dục, cái trái luật không những không bị phạt, mà còn được tìm cách hợp pháp hóa dưới nhiều hình thức.

Điển hình như bộ sách VNEN được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đại trà trên 63 tỉnh thành của cả nước từ năm học 2012-2013, nhưng mãi đến ngày 7/7/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có:

Quyết định số 2263/QĐ-BGDĐT về tổ chức đánh giá, thẩm định khách quan tài liệu Mô hình Trường học mới. [2]

Vậy là hàng trăm ngàn học sinh trên cả nước sử dụng chán chê tài liệu của các nhà dự án VNEN được sao chép một cách cẩu thả sách giáo khoa hiện hành vốn đã nặng trịch kiến thức hàn lâm suốt 5 năm trời, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức thẩm định.

Phải chăng cũng giống như việc thẩm định Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, quyết định số 2263/QĐ-BGDĐT cũng chỉ nhằm hợp thức hóa một văn bản trái luật khác, đó là công văn số 1296/BGDĐT-GDTH ngày 30/6/2016.

Công văn này được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký đúng 3 tháng trước khi về hưu, thông báo với các sở giáo dục và đào tạo rằng, bộ sách VNEN sẽ được chỉnh sửa thành một trong các bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới, khi chương trình chưa có.

Nhưng so với việc "thẩm định khách quan" tài liệu mô hình trường học mới (VNEN), thì thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục dường như lộ rõ tính chất "làm phép" nhiều hơn.

Bởi lẽ các tài liệu công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa vào trường học đâu chỉ có Tiếng Việt lớp 1?

Trang congnghegiaoduc.vn của Trung tâm Công nghệ giáo dục mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thành lập tháng 9/2012 cho thầy Đại triển khai các tài liệu này vào nhà trường, cho biết:

Hiện tại công nghệ giáo dục có tất cả 9 môn học: Tiếng Việt, Văn, Toán, Đất nước học, Giáo dục nghệ thuật, Giáo dục lối sống, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất và công nghệ thông tin.

Theo bản dự kiến lịch tổng kết và tập huấn năm 2016 của Trung tâm Công nghệ giáo dục thì hiện nay họ đã thí điểm 7 môn đến 4 khối lớp:

Toán 1, Toán 2, Toán 3, Toán 4; Tiếng Việt 2, Tiếng Việt 3, Tiếng Việt 4; Văn 2, Văn 3, Văn 4; Giáo dục lối sống 1, Giáo dục lối sống 2; Tiếng Anh 2, Tiếng Anh 3; Mỹ thuật 1-2-3; Cuộc sống quanh ta 1. [3]

Vậy việc "thí điểm" các tài liệu nói trên có phù hợp với Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành? Hay chỉ cần thẩm định Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là đủ?

Cơ sở nào để Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng ngân sách nhà nước hoặc tiền lãi kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng đội ngũ cán bộ, chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học phục vụ thầy Đại "thí điểm" các tài liệu này? Thí điểm đến bao giờ? Phạm vi đến đâu?

Có nên để Điều 29 tồn tại trong Luật Giáo dục khi bị vô hiệu hóa với người này, rào cản với người khác?

Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Quốc hội chỉnh sửa bổ sung 7 vấn đề của Luật Giáo dục hiện hành và đã được Quốc hội chấp thuận, đưa vào chương trình sửa luật năm 2018.

Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc "lách luật"? ảnh 4

Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa

Chúng tôi không rõ trong 7 vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập, có Điều 29 quy định về chương trình và sách giáo khoa hay không.

Mọi hiện tượng độc quyền và lộng hành của các nhà dự án, soạn sách giáo khoa hiện nay đối với môi trường giáo dục, có lẽ đều bắt nguồn từ cơ chế Bộ Giáo dục và Đào tạo độc quyền làm sách giáo khoa quy định tại Điều 29.

Điều 29 có từ Luật Giáo dục 1998, giữ nguyên trong Luật Giáo dục 2005 và được siết chặt thêm trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, năm 2009.

Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng có công thư đề nghị thanh tra Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bỏ cơ chế độc quyền xuất bản sách giáo khoa.

Thanh tra cũng đã kết luận các sai phạm và kiến nghị xóa bỏ cơ chế độc quyền xuất bản sách giáo khoa, nhưng không hiểu sao tình trạng độc quyền lại phát triển mạnh thêm những năm sau đó. 

Độc quyền trong in ấn phát hành đã đành, còn độc quyền trong việc bán sách; không chỉ độc quyền sách giáo khoa, mà còn các loại sách tham khảo của chính các vị viết sách giáo khoa, thậm chí là sách hướng dẫn ôn tập của quan chức chỉ đạo thi tốt nghiệp...

Với cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay trong việc biên soạn, triển khai đại trà rồi mới quay lại thẩm định sau cả năm năm, chục năm trời như VNEN, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, phải chăng Bộ đã tự tay "phế bỏ" Điều 29?

Hay Điều 29 bị "miễn nhiễm" với 2 nhóm làm sách giáo khoa VNEN và công nghệ giáo dục?

Sở dĩ chúng tôi đặt câu hỏi này là vì, nhóm Cánh Buồm và nhà giáo Phạm Toàn cũng vì sốt ruột với cung cách đổi mới giáo dục mà ông thấy chẳng có gì mới, cũng như những đổi mới nơi cửa miệng, họ đã tự tập hợp nhau lại để viết sách cho trẻ em.

Cánh Buồm và thầy Phạm Toàn không dùng đến một đồng nào của ngân sách nhà nước, cũng không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngược lại, ngay từ khi mới ra đời, bộ sách Chào lớp 1 của Cánh Buồm đã lập tức vấp phải sự phản đối của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, năm 2010. [4]

Có thể nói thầy Thuyết nắm rất chắc Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành. Về lý mà nói, khó bắt bẻ được ông về việc tại sao Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề:

"Đến nay, bộ sách "Chào lớp Một" đã được đưa vào dạy ở một trường tiểu học ở Hà Nội nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có ý kiến gì. 

Trách nhiệm quản lý nhà nước đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức thẩm định để chỉ đạo việc sử dụng bộ sách, vì đưa sách vào trường chưa qua thẩm định không khác gì cho trẻ uống hoặc tiêm thuốc chưa qua thẩm định của Bộ Y tế. 

Thẩm định cũng là một cách giúp nhóm Cánh buồm hoàn thiện bộ sách của mình."

Nhưng điều này càng khiến chúng tôi không hiểu nổi:

Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc "lách luật"? ảnh 5

Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại và sự im lặng khó hiểu của giới chuyên môn

Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục công khai lách luật"thí điểm" tới gần 8 ngàn trường, gần 700 ngàn học sinh thì không thấy thầy Thuyết có ý kiến vì về cách làm và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Kể cả trên vai trò Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dường như ông cũng né điều này và chỉ trả lời về mặt nguyên tắc.

Việc thẩm định chạy theo như Bộ Giáo dục và Đào tạo mới làm, có lẽ là một câu trả lời. Với bộ sách VNEN thì sao?

Chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã có bài viết tường thuật khá đầy đủ về cách chép sách giáo khoa hiện hành thành tài liệu "hướng dẫn học" của mô hình này, VNEN: Rằng hay cũng lắm điều hay...

Bản thân thầy Thuyết cũng thấy:

"Thông thường, một chương trình thí điểm, nhất là thí điểm trong giáo dục phải được tiến hành hết sức bài bản, cẩn trọng.

Trước hết, cần thí điểm trên một diện rất hẹp và đo lường tỉ mỉ; sau đó, nếu có kết quả khả quan mới cho nhân rộng dần."

Nhưng trước cách làm ồ ạt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không thấy Giáo sư góp ý ngay từ đầu, cho dù là với tư cách một nhà giáo quan tâm đến giáo dục, hay chủ biên của sách Tiếng Việt và Ngữ Văn lớp 2 đến lớp 9 trong chương trình hiện hành.

Bởi lẽ chính thầy cũng cho biết, các nhà dự án VNEN chép sách giáo khoa hiện hành khá tùy tiện, môn Tiếng Việt và Ngữ Văn của thầy "hễ sửa là không đúng".

Nay với cương vị Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, trước kết luận thẩm định Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có quá nhiều điểm không bình thường, nhưng cũng không thấy Giáo sư Tổng chủ biên lên tiếng.

Điều này khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn:

Phải chăng Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành miễn nhiễm với một số nhóm này, nhưng có thể trở thành công cụ để vô hiệu hóa nhóm khác?

Oái oăm hơn, những nhóm viết sách giáo khoa được "miễn nhiễm" với Điều 29 Luật Giáo dục lại còn được sử dụng tiền ngân sách, tiền viện trợ và cả bộ máy quản lý ngành dọc trong giáo dục hỗ trợ;

Còn nhóm không dùng tiền ngân sách và cũng chẳng được cơ quan nào hỗ trợ thì lại trở thành đối tượng "cần xử lý" của Điều 29 Luật Giáo dục?

Bởi lẽ sách giáo khoa và các loại tài liệu "sử dụng như sách giáo khoa", sách tham khảo, thiết bị dạy học từ lâu đã trở thành mảnh đất màu mỡ mà nhiều người nhòm ngó.

Chúng tôi sẽ xin phân tích kỹ hơn ngọn nguồn vấn đề trong những bài tới, ngõ hầu góp tiếng nói thấy đúng thực trạng, để tìm giải pháp phù hợp cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có chương trình và sách giáo khoa.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73075/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet.html

[2]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/luon-dong-hanh-cung-vnen-3625148.html

[3]http://congnghegiaoduc.vn/van-ban/ke-hoach-trien-khai/152-2016-07-21-02-58-25.html

[4]http://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-sach-chao-lop-mot-khong-phai-la-sach-giao-khoa-1287263855.htm

Hồng Thủy