Thi giáo viên giỏi - thầy cô không muốn tham gia cũng khó

07/10/2018 07:14
Nhật Duy
(GDVN) - Thời điểm này, các trường, các địa phương lại đang phát động tham gia Hội thi giáo viên giỏi các cấp. Bởi, đây là một hoạt động thường niên của các trường học.

LTS: Phản ánh về hội thi giáo viên giỏi, thầy giáo Nhật Duy cho rằng nhiều thầy cô giáo không muốn tham gia những để từ chối tham dự cũng rất khó.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong các phong trào thi đua ở các trường phổ thông hiện nay, có lẽ Hội thi giáo viên giỏi các cấp là phải trải qua nhiều vòng thi nhất.

Giáo viên tham dự không chỉ phải trải qua nhiều vòng thi mà còn đối mặt với rất nhiều thử thách khi “đem chuông đi đánh xứ người” nhưng dù nếu đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh thì thành tích vẫn đứng sau giáo viên đạt sáng kiến kinh nghiệm.

Chính vì áp lực và cách tính tiêu chí như vậy khi xét thi đua nên phần nhiều các giáo viên tham dự thi giáo viên giỏi từ cấp huyện trở lên là bị…ép đi chứ thực lòng đa phần các thầy cô không muốn tham dự.

Theo hướng dẫn hiện hành, khi giáo viên tham gia Hội thi giáo viên giỏi từ cấp trường trở lên đều phải trải qua 3 bước.

Không phải giáo viên nào cũng thích thú với việc đi thi giáo viên giỏi. Ảnh mang tính minh họa: http://kontum.edu.vn
Không phải giáo viên nào cũng thích thú với việc đi thi giáo viên giỏi. Ảnh mang tính minh họa: http://kontum.edu.vn

Quy định này được thể hiện rõ trong Điều 6: Nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi của Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 20/7/2010 như sau:

1. Nội dung thi

a) Báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được đánh giá trong thời gian 4 năm học gần nhất năm tổ chức Hội thi;

b) Một bài kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chuyên môn hoặc nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm liên quan đến phạm vi chương trình giáo dục của cấp học mà giáo viên giảng dạy, hoặc những hiểu biết về chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và các nội dung chỉ đạo của ngành (gọi tắt là bài thi kiểm tra năng lực);

c) Thực hành giảng dạy 2 tiết trong chương trình giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi, trong đó có 1 tiết do giáo viên tự chọn và 1 tiết do Ban tổ chức xác định bằng hình thức bốc thăm.

Thi giáo viên giỏi - thầy cô không muốn tham gia cũng khó ảnh 2Các thầy cô chú ý, bắt đầu đua...Sáng kiến kinh nghiệm

2. Hình thức thi

a) Giáo viên nộp cho Ban Tổ chức Hội thi văn bản báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng có kèm theo nhận xét, đánh giá và xếp loại của nhà trường hoặc của phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo;

b) Bài thi kiểm tra năng lực là bài thi viết, hoặc thực hành (ví dụ sử dụng máy vi tính, sử dụng đồ dùng dạy học…).

Thời gian thi do Trưởng ban tổ chức Hội thi quy định. Nếu là thi viết, có thể bằng hình thức tự luận, trắc nghiệm khách quan hoặc kết hợp cả 2 hình thức trên;

c) Thực hành giảng dạy được tổ chức tại lớp học. Tiết học tham gia thi giảng là tiết học lần đầu tiên được giảng cho học sinh tại lớp học đó.

Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết giảng trong thời gian ít nhất là 1 tuần trước thời điểm thi giảng.

Như vậy, khi tham dự Hội thi thì giáo viên bắt buộc phải có một sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, cùng với một bài thi năng lực và phải dạy thực hành hai tiết, một tiết tự chọn và một tiết bốc thăm hoặc ban tổ chức tự xếp.

Với nhiều vòng thi như vậy nên dù thi cấp nào thì giáo viên cũng phải tập trung và đầu tư rất nhiều thời gian mới mong đạt giải.

Với một khối lượng công việc hàng ngày trên lớp của giáo viên hiện nay rất nhiều, rồi hồ sơ sổ sách, hội họp, vận động học sinh bỏ học, bồi dưỡng chuyên môn.

Tối về lo giáo án, chấm bài… tối mắt, tối mũi nên đa phần giáo viên chỉ đăng ký thi giáo viên giỏi cấp trường.

Thi cấp này dễ đỗ, các thủ tục có phần nhẹ hơn, áp lực cũng ít hơn. Bởi, giám khảo trường mình, học sinh của mình nên dễ thực hiện các bước.

Phần lớn là thi cấp trường thì ai thi cũng đỗ, chỉ có những giáo viên quá yếu mới không đạt giáo viên giỏi cấp trường. Như vậy, cũng đủ 1 trong các tiêu chí để xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

Thế nhưng, khi thi cấp huyện thì khó khăn hơn rất nhiều. Giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn bội phần. Bởi thi cấp huyện thì mọi thứ đều khó khăn.

Giám khảo chủ yếu là chuyên Phòng, Sở giáo dục (theo cấp tổ chức) và thành viên Hội đồng bộ môn. Vì thế, ngay từ vòng đầu là thi sáng kiến kinh nghiệm đã có nhiều người trượt.

Khi thi kiểm tra năng lực cũng vô cùng khó khăn bởi giám thị có 2 người họ giám sát rất kĩ, giáo viên cũng rất khó có thể trao đổi những câu hỏi khó. Nhất là phòng thi họ xếp giáo viên các môn của các trường với nhau nên đa phần là xa lạ.

Thi giáo viên giỏi - thầy cô không muốn tham gia cũng khó ảnh 33 người trượt thi đua, lại là những người giỏi nhất!

Sau khi thi xong 2 vòng đầu, giáo viên phải đợi chờ một thời gian ngắn để Phòng, Sở chấm bài thi. Nếu đỗ mới tham gia vào vòng thực hành. Nhưng, thường qua vòng lý thuyết là có mấy chục phần trăm giáo viên…trượt.

Những giáo viên đỗ lý thuyết sẽ thực hiện dạy 1 tiết tự chọn và 1 tiết bốc để dạy thực hành.

Đây là khâu được xem là khó khăn và căng thẳng nhất. Bởi, giáo viên phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng bài giảng của mình, phải đến làm quen trước với lớp mình dạy ở một đơn vị khác.

Khi dạy, tất cả hoàn toàn mới lạ, học sinh trong lớp chẳng biết được em nào học được, em nào học kém.

Nếu gọi học sinh xây dựng bài vào những em học tốt thì bài giảng kết thúc như dự kiến. Không may, gọi toàn vào những em học kém coi như tiết dạy rất khó thành công.

Đặc biệt, những tình huống như vậy đòi hỏi nghiệp vụ sư phạm, cách ứng xử của giáo viên phải phù hợp. Bởi đây cũng là những chi tiết mà các giám khảo ngồi dưới dễ soi nhất.

Sau 2 tiết thực hành là đến việc góp ý của ban giám khảo. Đây là nấc thang cuối cùng nhưng cũng hồi hộp và căng thẳng nhất.

Việc góp ý tất nhiên có khen, có chê nhưng khen hay chê mà đỗ thì mọi chuyện sẽ êm xuôi và coi như trút được gánh nặng để trở về trường.

Nếu không may bị góp ý mà chê nhiều hơn khen xem như là đã trượt. Tâm tư nặng nề bởi đầu tư nhiều công sức mà kết quả không được như mong muốn. Về trường, không chỉ bị chê trách mà còn chịu nhiều những lời dè bỉu, thị phi.

Chính vì nhiều những bước khó khăn phải trải qua khi tham gia Hội thi giáo viên giỏi nên lúc giáo viên bị nhà trường “điểm mặt” để đi thi giáo viên giỏi cấp huyện hay cấp tỉnh thì ai cũng sợ và ngại tham gia.

Bởi, đi thi cũng đồng nghĩa những công việc ở trường dồn ứ lại mà áp lực khi tham gia rất lớn.

Trong khi, nhiều địa phương hiện nay chưa chú trọng công tác động viên và khen thưởng cho giáo viên.

Khi đi thi thì bị Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn “ép” đi để nhà trường, tổ chuyên môn có thành tích. Nhưng, khi thi đỗ rồi thì việc khen thưởng nơi có, nơi không.

Có địa phương hào phóng thì thưởng cho một vài trăm nghìn, cộng thêm cái giấy khen xem như an ủi. Nhưng, cũng có địa phương chỉ gửi email thông báo giáo viên nào “đạt”, giáo viên nào “không đạt” rồi thôi, như vậy là tổng kết hội thi của địa phương mình.

Về trường cũng ít khi được khen thưởng, khi xét thi đua thì thua sáng kiến kinh nghiệm đạt giải nên nhiều giáo viên người ta không muốn tham gia cũng là điều hoàn toàn có lý.

Và, thời điểm này, các trường, các địa phương lại đang phát động tham gia Hội thi giáo viên giỏi các cấp. Bởi, đây là một hoạt động thường niên của các đơn vị trường học. Cấp trường thì năm nào cũng tổ chức thi, cấp huyện 2 năm tổ chức 1 lần, cấp tỉnh thì 4 năm…

Vì thế, khi những chỉ tiêu của nhà trường đã đưa ra, đã “chỉ định” giáo viên tham dự thì giáo viên không muốn đi cũng khó.            

Nhật Duy