Trợ lý Thủ tướng Nhật: Biển Đông liên quan đến sự tồn vong của Nhật Bản

31/10/2015 14:50
Việt Dũng
(GDVN) - "Đồng minh trăng mật" Nhật-Mỹ có thể cùng giám sát Biển Đông, trong tương lai Nhật Bản có thể tham gia tác chiến với Mỹ, điều lực lượng đến Biển Đông.

Tờ “Đa chiều” tiếng Trung ngày 29 tháng 10 đưa tin, ngày 27 tháng 10, tàu khu trục USS Lassen Hải quân Mỹ đã tuần tra vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở Biển Đông, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ, làm cho tình hình Biển Đông bất ngờ vô cùng căng thẳng.

Nhật Bản cũng rất quan tâm đến Biển Đông
Nhật Bản cũng rất quan tâm đến Biển Đông

Vào thời điểm này, Nhật Bản cũng đang nghiên cứu hợp tác với Mỹ cùng giám sát Biển Đông, điều này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters Anh, trên Đài truyền hình Nhật Bản đêm ngày 28 tháng 10, trợ lý của Thủ tướng Nhật Bản, ông Masahiko Shibata cho biết, ở dinh thự Thủ tướng Nhật Bản đang thảo luận vấn đề “cùng Mỹ giám sát Biển Đông”.

Khi nói về khả năng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng Quân đội Mỹ tiến hành hoạt động giám sát đối với Biển Đông, Masahiko Shibata cho biết: “Khu vực này là khu vực liên quan đến sự tồn vong của Nhật Bản, vì vậy, chúng tôi sẽ thận trọng đánh giá nguy cơ lợi ích của Nhật Bản bị xâm phạm”.

Ông Masahiko Shibata còn cho biết: “Dinh thự Thủ tướng đang thảo luận về vấn đề này, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc các loại ảnh hưởng khi Nhật Bản tham gia giám sát, quản lý Biển Đông”.

Tàu khu trục lớp Akizuki Nhật Bản theo Quân đội Mỹ đi khắp nơi "chinh chiến"
Tàu khu trục lớp Akizuki Nhật Bản theo Quân đội Mỹ đi khắp nơi "chinh chiến"

Trên đài truyền hình, Masahiko Shibata cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe đã bày tỏ lập trường ủng hộ Mỹ. Năm 2015, khi phát biểu ở Mỹ, Thủ tướng đã nhấn mạnh, không cho phép đơn phương làm thay đổi hiện trạng. Thủ tướng ủng hộ Mỹ về cơ bản là chính xác, nhưng cũng phải bình tĩnh ứng xử đối với một loạt vấn đề này.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 28 tháng 10 phân tích cho rằng, chính quyền Barack Obama Mỹ điều tàu khu trục đi vào 12 hải lý của đảo nhân tạo mà Trung Quốc đòi hỏi “lãnh hải” (bất hợp pháp) ở Biển Đông cũng có ý dựa vào đồng minh Nhật-Mỹ vững chắc để tiến hành kiềm chế đối với Trung Quốc.

Nhưng, có phân tích cho rằng, hợp tác với Lực lượng Phòng vệ sẽ gây phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc. Do mối lo ngại này, Mỹ tạm thời sẽ không yêu cầu Nhật Bản thông qua các phương thức như điều tàu chiến để tiến hành hợp tác.

Mặt khác, nếu Luật bảo đảm an ninh của Nhật Bản được thực hiện trước cuối tháng 3 năm 2016, trong thời bình sẽ có thể cung cấp bảo vệ cho tàu chiến Mỹ.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận chung ở Biển Đông (ảnh tư liệu, nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận chung ở Biển Đông (ảnh tư liệu, nguồn mạng sina Trung Quốc)

Vì vậy, cũng có khả năng tham gia tác chiến với Quân đội Mỹ, thông qua huấn luyện liên hợp với Quân đội Mỹ để điều tàu hộ vệ và máy bay trinh sát của Lực lượng Phòng vệ Biển đến Biển Đông.

Tờ nguyệt san “Sekai” Nhật Bản tháng 10 đăng bài viết “Kế hoạch tác chiến quân sự của Lực lượng Phòng vệ - văn kiện nội bộ của Bộ tham mưu liên quân có nghĩa gì?” cho biết, “Văn kiện nội bộ” của Bộ Tham mưu liên quân Lực lượng Phòng vệ ngày 11 tháng 8 được nghị sĩ Đảng Cộng sản Nhật Bản là Akira Koike tiết lộ ở Ủy ban đặc biệt pháp chế bảo đảm an ninh-Thượng viện.

Không còn nghi ngờ gì nữa, văn kiện nội bộ này thuộc loại hình “Kế hoạch tác chiến quân sự”. Bên trong cũng liên quan đến xây dựng kế hoạch can thiệp Biển Đông.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận chung ở Biển Đông (ảnh tư liệu, nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận chung ở Biển Đông (ảnh tư liệu, nguồn mạng sina Trung Quốc)
Việt Dũng