Lãnh đạo ngành du lịch sao lại mất cảnh giác đến vậy?

21/05/2018 09:30
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Với những người công tác trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, ý thức cảnh giác bảo vệ chủ quyền quốc gia là một yêu cầu bắt buộc phải có.

Theo xác nhận của Công an cửa khẩu Sân bay Cam Ranh, khoảng 23h20 ngày 13/5/2018, một đoàn khách Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), mặc áo in hình bản đồ nước này kèm ranh giới đường “lưỡi bò” chín đoạn bao trùm cả các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam…(1)

Hành vi trên đây của nhóm “khách du lịch” Trung Quốc đã bị báo chí và cộng đồng mạng Việt Nam phê phán và lên án gay gắt. 

Một số du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình lưỡi bò nhập cảnh tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tối 13/5 bị lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện và xử lý. Ảnh: Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình lưỡi bò nhập cảnh tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh tối 13/5 bị lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện và xử lý. Ảnh: Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Chúng ta không chấp nhận việc một nhóm người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam rồi cởi áo khoác ngoài ra mới thấy áo phông bên trong có in hình 'đường lưỡi bò'. Đây chắc chắn là hoạt động có tổ chức, sắp xếp chứ không phải vô tình” (2)

Ấy vậy mà tại buổi làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (ngày 18/5/2018), ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khi đề cập nhóm hơn 10 “khách du lịch” Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò" nhập cảnh Việt Nam đã cho rằng việc này cần xử lý kịp thời nhưng "phải mềm mỏng".

Ông Tuấn cho rằng "không để những sự cố nhỏ như thế ảnh hưởng tới đại cục", ảnh hưởng tới hợp tác du lịch giữa Việt Nam với Trung Quốc. (3)

Lãnh đạo ngành du lịch sao lại mất cảnh giác đến vậy? ảnh 2

Trung Quốc nuôi “lưỡi bò” bằng thủ đoạn lộng giả thành chân

Không hiểu nhận thức của người đứng đầu ngành Du lịch Việt Nam như thế nào, mà trước hành vi vi phạm trắng trợ chủ quyền quốc gia của nhóm “khách du lịch” Trung Quốc thì ông này lại cho rằng đó chỉ là một "sự cố nhỏ"!

Ông Tổng cục trưởng nên nhớ rằng, để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc luôn dùng mọi một hành vi, thủ đoạn thâm độc để “nuôi dưỡng” cái “lưỡi bò”.

Họ đã áp dụng kế sách tuyên truyền kiểu “biến hư thành thực”, “đổi trắng thay đen”, theo cái cách tuyên truyền nhắc đi nhắc lại những điều không phải là sự thật để hòng biến thành sự thật.

Để thực hiện thủ đoạn này, Trung Quốc đã in hình bản đồ hình “lưỡi bò” lên hầu hết các các ấn phẩm, sách vở, báo chí, các loại hàng hóa sản xuất, tiêu dùng, thậm chí cả đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ con...

Năm 2016, tại các điểm du lịch ở Đà Nẵng, Phú Quốc “khách du lịch” Trung Quốc cũng đã từng mang hộ chiếu kiểu mới, trong đó in đường “lưỡi bò”.

Lãnh đạo ngành du lịch sao lại mất cảnh giác đến vậy? ảnh 3Hoàn Cầu nói gì về vụ du khách Trung Quốc mặc áo in lưỡi bò đến Cam Ranh?

Năm nay, “khách du lịch” Trung Quốc lại lặp lại thủ đoạn đó bằng cách in đường “lưỡi bò” lên áo phông mặc trên người khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.

Những hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên đây của “khách du lịch” Trung Quốc phải được xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam.  

Người viết bài thiết nghĩ, đã là người dân của một quốc gia đứng trước nguy cơ thường trực bị quốc gia khác tìm cách thôn tính lãnh thổ thì không thể không có ý thức cảnh giác bảo vệ chủ quyền quốc gia, ý thức tự tôn dân tộc và kiến thức về lịch sử của dân tộc mình. 

Còn với những người công tác trong lĩnh vực văn hoá, du lịch thì ý thức cảnh giác bảo vệ chủ quyền quốc gia và kiến thức lịch sử dân tộc là một phần kiến thức ngành nghề bắt buộc phải có; với lãnh đạo của ngành này thì lại càng đòi hỏi phải có ý thức và kiến thức sâu sắc về lĩnh vực này.

Bởi vậy, xin đề nghị lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phải tỉnh táo, cảnh giác hơn với những hành vi, thủ đoạn lộng giả thành chân để thôn tính hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Mặt khác, cũng xin đề nghị quý Bộ khi báo chí và dư luận phản ánh, phê phán một vấn đề gì thì cần cẩn trọng xem xét trước khi lên tiếng để tránh những phát ngôn “để đời”.

Thực tiễn cuộc sống đã dạy, nếu dùng sai lầm này để biện minh che đậy sai lầm khác thì lại càng phạm sai lầm nghiêm trọng, và tất nhiên sẽ không bao giờ trưởng thành, tiến bộ được.

Tài liệu tham khảo:

(1).https://tuoitre.vn/nhom-du-khach-trung-quoc-mac-ao-hinh-luoi-bo-nhap-canh-cam-ranh-20180514143304919.htm

(2).https://tuoitre.vn/khach-trung-quoc-mac-ao-luoi-bo-vao-viet-nam-la-hanh-vi-co-to-chuc-2018051815593277.htm

(3).https://nld.com.vn/thoi-su/khong-the-la-su-co-nho-20180519224546483.htm

NGUYỄN HUY VIỆN