An Giang kiến nghị giãn thời gian đưa giáo viên vào diện tinh giản biên chế

19/11/2023 06:34
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sau 10 năm thực hiện NQ29, An Giang bước đầu đạt thành tựu đáng kể trong PCGD theo hướng bình đẳng; từng bước tạo tiền đề triển khai đào tạo nguồn nhân lực CLC.

Ngày 04/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 29).

Một số kết quả nổi bật

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang đã đạt được một số kết quả nổi bật như:

Một là, tỉnh đã đạt được thành tựu đáng kể trong phổ cập giáo dục theo hướng bình đẳng, mở rộng tiếp cận giáo dục nền tảng đến mọi cộng đồng dân cư trên khắp địa bàn; tỉ lệ nhập học các cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học - cao đẳng tăng theo từng năm; các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập, đào tạo lao động có tay nghề, và tạo điều kiện học tập cho nhiều đối tượng. Đây là một khởi đầu thuận lợi, yếu tố tiền đề quan trọng để triển khai mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục và đào tạo An Giang đã đạt được một số kết quả nổi bật. Ảnh: Sở GDĐT cung cấp.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục và đào tạo An Giang đã đạt được một số kết quả nổi bật. Ảnh: Sở GDĐT cung cấp.

Hai là, tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo từ nội dung, phương pháp, cách đánh giá nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, thể chất và kỹ năng sống của học sinh; kiện toàn và tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo viên, giảng viên, và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Và tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh giao quyền tự chủ về tổ chức, tài chính, chuyên môn cho các trường học đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm định, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp phân luồng đào tạo nghề sau trung học; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Ba là, duy trì và nâng cao chất lượng huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mầm non và đạt phổ cập mẫu giáo trẻ 5 tuổi; đạt được phổ cập giáo dục tiểu học. Giữ vững và nâng cao kết quả xóa mù chữ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục. Tiếp tục đầu tư bổ sung phòng tin học, phòng học có ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Dành nguồn vốn đầu tư cho hoạt động giảng dạy - học ngoại ngữ và các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, chú trọng phương pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực và hình thành nhân cách của trẻ. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ, xây dựng môi trường giáo dục mầm non thân thiện.

Học sinh tham gia cuộc thi thư pháp mừng ngày 20/11. Ảnh: Sở GDĐT An Giang cung cấp.

Học sinh tham gia cuộc thi thư pháp mừng ngày 20/11. Ảnh: Sở GDĐT An Giang cung cấp.

Còn có sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng

Bên cạnh những kết quả nổi bật, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang cũng đối mặt với một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Khó khăn đầu tiên, mặc dù cơ sở vật chất của ngành giáo dục đã được bổ sung đáng kể, nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy và học. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, đặc biệt là bậc mầm non còn thiếu cơ sở để mở thêm lớp; phương tiện dạy học, sân chơi, bãi tập ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu, tỉ lệ phòng học xuống cấp còn cao. Một số điểm trường, vùng khó khăn thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn, trong khi nguồn ngân sách được cấp cho ngành còn hạn hẹp, thiếu kinh phí đầu tư thiết bị dạy học, xây dựng trường, lớp theo kế hoạch. Tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia còn thấp và tốc độ tăng khá chậm.

Đối với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Tỉnh An Giang đã hoàn tất việc thực hiện công tác khảo sát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học toàn tỉnh; đồng thời đã khái toán kinh phí dự kiến phân kỳ thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 theo lộ trình thực hiện đổi mới khoảng 7.201 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu kinh phí lớn, tỉnh khó có thể cân đối được nên sau khi rà soát các công trình bức xúc, buộc phải đầu tư nhằm đáp ứng cơ bản được các yêu cầu theo lộ trình đổi mới tổng kinh phí khoảng 996,3 tỷ đồng.

Một điểm nữa, chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch so với vùng có điều kiện thuận lợi, khu vực đô thị.

Mặt khác, một số ít cán bộ quản lý, giáo viên do tập trung cho công tác chuyên môn nên có lúc, có nơi còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Mô hình thư viện lưu động của tỉnh An Giang. Ảnh: Sở GDĐT An Giang cung cấp.

Mô hình thư viện lưu động của tỉnh An Giang. Ảnh: Sở GDĐT An Giang cung cấp.

Từ những khó khăn, vướng mắc được đặt ra trong thực tiễn, tỉnh An Giang đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận số 51-KL/TW; các quan điểm, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, khảo sát việc tổ chức thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo đối với các chi bộ, đảng bộ trong trường học.

Thứ hai, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng ngành giáo dục và đào tạo thực hiện công tác đổi mới giáo dục địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý của ngành và cơ sở giáo dục và đào tạo; sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng dạy học đồng bộ với kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục ở các cấp học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo cùng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho học sinh, sinh viên; khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; gắn với giáo dục kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ - tin học; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.

Kiến nghị chậm đưa giáo viên vào diện tinh giản biên chế, khuyến khích xã hội hóa

Tính đến nay, Nghị quyết 29-NQ/TW đã qua 10 năm thực hiện. Với tình hình chuyển đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế - xã hội đồng thời dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0; tỉnh An Giang đề xuất Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Ban đảng Trung ương tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổng kết, đánh giá lại nghị quyết và ban hành các chủ trương chỉ đạo mới với những mục tiêu, giải pháp thiết thực, phù hợp với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” để các địa phương có cơ sở thực hiện.

Đối với Chính phủ: Một là, sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Hai là, hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện chương trình bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg, ngày 19/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích công tác xã hội hóa giáo dục. Ban hành các quy định về huy động vốn vay, vốn liên doanh, liên kết từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội hóa giáo dục. Thể chế hóa việc huy động nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp cho giáo dục mầm non, phổ thông bằng cách ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ mầm non, phổ thông thông qua ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tiếp tục thu hút đầu tư của khu vực tư nhân cho các bậc học.

Bốn là, kiến nghị Chính phủ quan tâm việc chậm đưa giáo viên vào diện tinh giản biên chế cho đến khi hoàn thiện các cơ chế, giải pháp ổn định cho việc triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo để đảm bảo bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” từ tình hình thực tế của nhiều địa phương. Thực tế, tại tỉnh An Giang, cùng với nhiều thách thức trong lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng còn nhiều khó khăn trong việc xã hội hóa, đặc biệt là việc xã hội hóa cho giáo dục. Vì thế, khó khăn trong thực hiện cơ chế thỉnh giảng/hợp đồng; chưa thể thực hiện được việc thu đúng, thu đủ để lấy thu bù chi đối với giáo dục phổ thông (tinh thần Nghị định 81/2021/NĐ-CP) nên đơn vị chưa thể tự chủ trả lương cho số giáo viên đứng lớp ngoài biên chế được giao (dùng ngân sách để trả lương); hiện tại, nhiều đơn vị trường nhỏ vẫn không có đủ nguồn tài chính (sau trả lương) để đảm bảo các hoạt động.

Cô Đồng Thị Anh Thi - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Thoại Ngọc Hầu trao laptop mini mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng nhân chuyến công tác tại An Giang cho các em học sinh. Ảnh: Sở GDĐT An Giang cung cấp.

Cô Đồng Thị Anh Thi - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Thoại Ngọc Hầu trao laptop mini mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng nhân chuyến công tác tại An Giang cho các em học sinh. Ảnh: Sở GDĐT An Giang cung cấp.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giao nhiệm vụ và hướng dẫn việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có cho các địa phương thực hiện để đảm bảo giảng dạy hiệu quả các môn học theo chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là các môn tích hợp, các môn mới phát sinh.

Tham mưu trình Chính phủ quyết định điều chỉnh Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để có cơ sở quy định mức học phí cho năm học 2023- 2024.

Ngân Chi