Thông tin cho biết dự án khu du lịch này trực tiếp do Công ty cổ phần Thế Diệu (thuộc World Shine Hong Kong) đăng ký đầu tư tại Thừa Thiên - Huế từ tháng 10/2013. Diện tích toàn bộ dự án khoảng 200ha, tại khu vực mũi Cửa Khẻm, nơi núi Hải Vân đâm ra biển, thời gian hoạt động là 50 năm, quá trình triển khai xây dựng trong 10 năm (2013-2023), tổng vốn đầu tư 250 triệu USD.
Được biết tại khu vực Lăng Cô, Thừa Thiên Huế đã có khu du lịch phức hợp 5 sao Laguna Lăng Cô do Tập đoàn Banyan Tree (Thái Lan) đầu tư. Tại chính khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế này, ngày 6/9/2014 ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế đã giành hạng nhì giải golf Laguna Park Lăng Cô Classic trên sân golf 18 lỗ.
Không khó để nhận thấy, dự án mà chủ đầu tư Trung Quốc (TQ) thực hiện nằm rất gần hầm đường bộ Hải Vân, trạm phát sóng viba, quay mặt về phía vịnh Đà Nẵng.
Vị trí khu nghỉ mát có thể theo dõi tàu bè ra vào vịnh Đà Nẵng (ảnh Google Earth) |
Như đã biết, cảng Đà Nẵng là căn cứ quân sự của Hải quân Việt Nam và là nơi đón tiếp khá nhiều tàu quân sự nước ngoài ghé thăm, sân bay Đà Nẵng là sân bay lưỡng dụng dùng cho cả quân sự và dân sự, nếu đặt một hệ thống theo dõi tại vị trí khu nghỉ mát mà World Shine lựa chọn thì có thể theo dõi toàn bộ hoạt động khu vực hết sức quan trọng này. Chưa kể khi có biến động chỉ cần một lực lượng rất nhỏ cũng có thể nhanh chóng triển khai khống chế cửa phía nam hầm Hải Vân, cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam.
Báo Công an nhân dân số ra ngày 26/10/2012 đưa tin, Tổng thống Obama “đã ngăn chặn Công ty Ralls Corp của Trung Quốc lắp đặt các tuốc bin điện gió gần căn cứ hải quân của Mỹ tại Boardman, tiểu bang Oregon, với lý do "giao dịch có thể làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ". [1]
Báo Infornet.vn ngày 7/11/2014 nêu câu hỏi: “Vị trí của dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân trọng yếu như thế nào?” và câu trả lời rất rõ ràng: “dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân nắm ở vị trí “yết hầu” có thể chia cắt đất nước, khống chế toàn bộ vịnh Đà Nẵng” (Đại tá Thái Thanh Hùng, nguyên Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng).
Người TQ từng xâm nhập nuôi cá ở vùng cảng Cam Ranh và bán đảo Sơn Trà, sau khi bị phát hiện đã bỏ chạy và nay họ đang hợp thức hóa điểm dừng chân ở rất gần các căn cứ quân sự tại miền Trung.
Trong chính sách quay lại châu Á, Mỹ đã cùng đồng minh hình thành nên hệ thống căn cứ quân sự trên chuỗi đảo thứ nhất kéo dài từ Nhật Bản qua Đài Loan – Philippines xuống đến Malaysia. Tại Việt Nam, các cơ sở mà TQ thuê dưới danh nghĩa dân sự trải dài từ sân golf Trà Cổ (Quảng Ninh) qua Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là đối diện trực tiếp với chuỗi đảo này. TQ đã đầu tư xây dựng con đường quốc lộ chạy từ biên giới bắc Lào xuống nam Lào, ngang khu vực miền trung Việt Nam. Các cơ sở mà người TQ đứng chân từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế, đặc biệt là khu Vũng Áng, theo đường 7, đường 8 sang Lào chỉ vẻn vẹn chưa đến 50km, phải chăng họ chỉ nhằm mục đích kinh tế thuần túy?
Không thể nói rằng những người hoạch định chính sách không nhận ra nhiều điều ẩn chứa trong các công trình của TQ, vấn đề là vì sao nó vẫn được tiến hành?
Chủ quyền quốc gia, lãnh đạo bận họp và âm mưu ác độc của loài Tu hú
(GDVN) - Dù ra đời nhờ tổ chim chích, nhưng khi vừa mới nở, Tu hú đã dùng sức mạnh đẩy chim chích non, những quả trứng còn lại rơi xuống đất, để nó độc chiếm cái tổ...
Có điều kỳ lạ là ngay từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn 6278/NC chỉ đạo: “Trong khi chờ xem xét và giải quyết đường địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng tại khu vực đèo Hải Vân, để tránh tình hình phức tạp xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo chặt chẽ các ngành chức năng của địa phương và chính quyền các quận, huyện vùng giáp ranh không thực hiện những hoạt động làm phức tạp tình hình và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại khu vực này”. [2]
Phải chằng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế không biết công văn này? Hay đã có các thỏa thuận khác cho phép họ vượt qua ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng với lý do công khai là toàn bộ diện tích thực hiện dự án này nằm trong quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (do Thủ tướng phê duyệt).
Đất nước Việt Nam ngày nay do công sức, xương máu của bao thế hệ người Việt gìn giữ bảo vệ, không phải của riêng một nhóm người nào, chính quyền địa phương không được phép coi địa bàn tỉnh, thành phố là độc lập, thoát khỏi sự quản lý của nhà nước.
Tại sao người giỏi chơi golf như ông Nguyễn Ngọc Thiện lại không hiểu đạo lý đó trong khi muốn đưa trái golf bằng quả trứng vào đúng lỗ, người ta phải tập nhìn rất xa?
Địa phương nào quản lý mảnh đất trên đèo Hải Vân không phải là chuyện đáng bàn cãi, quy hoạch Thủ tướng đã duyệt cũng không phải là lý do để biện minh, quan trọng là ai, người nước nào sẽ sử dụng mảnh đất đó trong suốt nửa thế kỷ sắp tới?
Nên nhớ rằng Tuốc bin điện gió mà TQ đặt gần căn cứ hải quân Mỹ chỉ là hệ thống kỹ thuật không có người ở, nó khác xa với một tổ hợp công trình mà nếu đi vào hoạt động sẽ có hàng loạt người TQ được quyền lưu trú lâu dài, và liệu ai có thể vào đó kiểm tra hết các trang thiết bị mà người ta sẽ lắp đặt. Chẳng lẽ chuyện cơ quan chức năng Hà Tĩnh muốn vào kiểm tra khu Formosa phải thông báo trước cho chủ đầu tư không phải là bài học cho quan chức Thừa Thiên – Huế?
(GDVN) - Cổ nhân có câu “ba anh thợ da hợp lại bằng một ông Gia cát”, mới điểm qua sơ sơ đã có hơn ba ông “thợ da đầu tỉnh” vậy thì đất nước sẽ có bao nhiêu “Ra cát”?
Tại những địa bàn chiến lược, liên quan đến an ninh quốc gia, ngay cả người Việt đầu tư xây dựng cũng phải được lựa chọn kỹ càng chứ không phải là bất kỳ người nước ngoài nào, đặc biệt là những kẻ đã cậy tàu to súng lớn đánh chiếm Hoàng Sa, huyện đảo của Đà Nẵng mấy chục năm trước.
Cổ nhân dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chưa biết dự án này có mang lại lợi ích gì cho nhân dân Thừa Thiên – Huế, mà cho dù có mang lại thực sự chăng nữa thì có nên đánh đổi an ninh quốc gia vì lợi ích cục bộ một địa phương? Liệu đây có phải là biểu hiện mới của “lợi ích nhóm”?
Người dân muốn biết vì sao một số lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế lại nhiệt tình đến vậy với dự án trên đèo Hải Vân? Họ thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa đủ kinh nghiệm xử thế trong các hoạt động đối ngoại hay còn vì nguyên nhân nào khác?
Khi mà xu thế du lịch “bụi”, du lịch sinh thái phát triển mạnh thì các quần thể 5 sao này không phải là địa điểm thu hút du khách bình dân, có chăng chúng chỉ dành cho người giàu. Vậy phải chăng người TQ không biết kinh doanh hay họ không thể bỏ “món hời” mà chính quyền Thừa Thiên – Huế hai tay trao cho họ. Chẳng lẽ toàn bộ hệ thống chính trị Thừa Thiên – Huế không ai biết chuyện Tổng thống Mỹ cấm xây tuốc bin gió gần căn cứ hải quân của mình? Phải chăng với một số quan chức đầu tỉnh Thừa Thiên – Huế căn cứ quân sự là thuộc Đà Nẵng, người Đà Nẵng phải lo, còn với họ có thêm “phương tiện” tập chơi golf quan trọng hơn an ninh quốc gia?
Thế kỷ 16, khi mà triều chính nhiễu loạn, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khuyên chúa Nguyễn “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Dãy Hoành Sơn chỉ kéo dài từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, liệu có chăng một số người cho rằng ngày nay dãy Hoành Sơn đã kéo dài vào đến Thừa Thiên – Huế, đó là nơi mà họ có thể “vạn đại dung thân”?
Một quốc gia muốn vững mạnh thì quyền lực phải được trao vào tay những người tài giỏi, hết lòng vì tổ quốc. Sự phân quyền như thời “loạn 12 sứ quân” sẽ chỉ làm quốc gia yếu đi, tạo thời cơ thuận lợi cho ngoại bang tìm cách đô hộ đất nước. Điều này người dân thường cũng biết, vì sao lãnh đạo Thừa Thiên - Huế lại không biết?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://antg.cand.com.vn/vivn/tulieu/2012/9/79325.cand