Nhiều năm qua, câu chuyện hồ sơ sổ sách của giáo viên đã được phản ánh khá nhiều nhưng nhìn chung đến nay vẫn chẳng thấy giảm mà ngày càng nặng nề hơn, nhất khi ngành giáo dục triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hồ sơ sổ sách của giáo viên không hề giảm đi mà ngày càng được yêu cầu phải thực hiện nhiều hơn, in ấn nhiều hơn. Đặc biệt, chỉ riêng việc nhận xét kết quả học tập của học sinh vào giai đoạn cuối mỗi học kỳ cũng khiến cho nhiều giáo viên cảm thấy áp lực.
Bởi, những giáo viên dạy các môn học có số ít tiết/tuần phải nhận xét hàng ngàn học sinh. Vì thế, áp lực về hồ sơ sổ sách không chỉ là việc quản lý theo kiểu lạc hậu ở các nhà trường mà ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những yêu cầu bắt buộc làm tăng thêm nỗi vất vả cho giáo viên.
Chỉ riêng việc đánh giá bằng nhận xét cho học sinh trên cả sổ điểm cá nhân và phần mềm điểm điện tử cho thấy áp lực hồ sơ sổ sách của giáo viên hiện nay không hề giảm tải mà ngày càng áp lực nhiều hơn.
Chỉ riêng việc đánh giá bằng nhận xét cả sổ điểm cá nhân và phần mềm cũng tạo rất nhiều áp lực cho giáo viên (Ảnh minh họa: Kim Oanh) |
Nỗi sợ mang tên “đánh giá bằng nhận xét” mà giáo viên đang thực hiện
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tổ chuyên môn, hồ sơ quy định gồm: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học); sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.
Hồ sơ quy định với giáo viên gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh; sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Với hướng dẫn như thế này, nhìn qua thấy rất gọn gàng bởi giáo viên bộ môn có 3 loại sổ sách; giáo viên chủ nhiệm 4 loại và tổ trưởng chuyên môn 6 loại nhưng thực tế quá trình thực hiện mới thấy đáng sợ- nhất là những thầy cô dạy những môn học mỗi tuần chỉ có 1 tiết.
Một giáo viên môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở chia sẻ với chúng tôi rằng giáo viên không chỉ nặng về hồ sơ, sổ sách mà ngay cả chuyện nhận xét quá trình học tập của học sinh cũng khiến cho giáo viên cảm thấy áp lực kinh khủng vào thời điểm cuối học kỳ.
Giáo viên này chia sẻ: theo định mức giảng dạy của cấp Trung học cơ sở hiện nay là 19 tiết/ tuần nhưng chương trình 2018 có thêm nhiều môn học mới. Trong đó có môn Nội dung giáo dục địa phương.
Vì thế, cô được phân công chủ nhiệm 1 lớp (4 tiết/ tuần); dạy Hoạt động trải nghiệm (1 tiết/ tuần); dạy môn Công nghệ 6 (11 tiết/ lớp/tuần); dạy phân môn Ngữ văn trong môn Nội dung giáo dục địa phương 6 ở học kỳ I (108 tiết/11 lớp).
Như vậy, vào những tuần dạy Nội dung giáo dục địa phương- mỗi tuần, ngoài việc phải thực hiện một số hồ sơ sổ sách, kế hoạch, báo cáo công tác chủ nhiệm cho nhà trường, cô phải chuẩn 4 Kế hoạch bài dạy (giáo án): giáo án chủ nhiệm; Hoạt động trải nghiệm; Công nghệ; Ngữ văn địa phương.
Cuối học kỳ, khi phải hoàn thiện việc vào điểm ở sổ điểm cá nhân, nhận xét ở sổ điểm cá nhân thì cô phải thực hiện việc vào điểm và đánh giá bằng nhận xét trên phần mềm cho gần 1.000 học sinh.
Bởi lẽ, mỗi lớp học có sĩ số dao động từ 42-45 học sinh. Cô dạy 11 lớp Công nghệ 6 với gần 500 học sinh; 1 lớp dạy Hoạt động trải nghiệm 45 học sinh; cô dạy phân môn Ngữ văn ở môn Nội dung giáo dục địa phương cho 11 lớp 6 nhưng vì dạy chung với phân môn Lịch sử và Địa lý nên cô được phân công vào điểm, nhận xét cho 6 lớp, tương đương gần 300 học sinh.
Trên vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cuối năm còn phải nhận xét hạnh kiểm cho học trò của lớp mình. Vì thế, chỉ riêng chuyện đánh giá bằng nhận xét ở học kỳ I này, cô phải nhận xét (2 lần) cho gần 1.000 học sinh (cả trên sổ điểm cá nhân (viết tay) và nhập trên phần mềm điện tử).
Việc nhận xét cho cả gần một ngàn học sinh không chỉ đối với giáo viên dạy Công nghệ như chúng tôi đã đề cập ở trên mà những giáo viên dạy Âm nhạc; Mĩ thuật; Giáo dục công dân dân cũng vậy. Bởi lẽ, các môn học này chỉ có 1 tiết/ tuần/ lớp nên về cơ bản giáo viên phải dạy tương đương với 19 lớp học.
Chúng ta thử hình dung, cho dù mỗi học sinh chỉ cần nhận xét 10 chữ về năng lực, phẩm chất thì việc giáo viên ngồi viết nhận xét vào sổ điểm cá nhân, sau đó lại tiếp tục nhận xét vào phần mềm điểm điện tử sẽ chiếm mất bao nhiêu thời gian của giáo viên đứng lớp?
Trong khi, việc đánh giá bằng nhận xét chỉ là một trong những phần việc rất nhỏ trong gánh nặng hồ sơ sổ sách của giáo viên ở các nhà trường phổ thông hiện nay mà thôi.
Giáo viên dạy môn nào cũng có những áp lực riêng
Hiện nay, việc thực hiện hồ sơ sổ sách của giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông theo hướng dẫn của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhiều kế hoạch giáo dục của giáo viên quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT sẽ thực hiện theo các hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT.
Đối với những giáo viên dạy những môn nhiều tiết/ tuần như: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ (3-5 tiết/ lớp/ tuần)…thì việc nhận xét ở cuối học kỳ ít hơn nhưng phần phải soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) nhiều hơn, có giáo viên phải soạn đến chục tiết giáo án.
Những giáo viên dạy các môn: Công nghệ; Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân phần giáo án phải soạn giáo án ít hơn (mỗi tuần 1 tiết/ lớp) nhưng áp lực vào điểm, nhận xét cuối năm lại rất vất vả vì có nhiều giáo viên phải nhận xét lên đến gần 1.000 học trò.
Trong khi đó, các Kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay đang bắt buộc với những lớp thực hiện chương trình 2018 và khuyến khích đối với những lớp đang thực hiện chương trình 2006.
Riêng việc đánh giá, nhận xét kết quả học tập của học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT (những lớp thực hiện chương trình hiện hành) và Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT (những lớp thực hiện chương trình 2018).
Vì thế, dạy chương trình 2006 hay chương trình 2018 thì giáo viên cũng phải kết hợp đánh giá kết quả học sinh bằng điểm số với nhận xét.
Vì thế, lãnh đạo cấp Sở, cấp Phòng, Hội đồng bộ môn khi đi kiểm tra chuyên môn ở các nhà trường đều rất quan tâm đến việc cấp nhật điểm số và nhận xét trong sổ điểm cá nhân và phần mềm điểm điện tử của mỗi giáo viên.
Vậy nên, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên phải thực hiện cả trên sổ điểm cá nhân và nhập trên phần mềm điểm điện tử rất chu đáo, cẩn thận qua mỗi học kỳ.
Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên nào cũng phải dạy ít nhất từ 2 môn hoặc 2 khối lớp trở lên bởi ngoài môn học của mình, giáo viên còn phải dạy thêm một số môn liên quan như Nội dung giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm nên số lớp rất nhiều.
Cũng chính vì thế mà áp lực nhận xét kết quả học tập cho học sinh vào thời điểm cuối học kỳ rất lớn. Vậy nên, áp lực về hồ sơ sổ sách của giáo viên hiện nay không hề giảm đi mà ngày càng nhiều hơn.
Ngoài những việc viết, nhập nhận xét kết quả học tập của học trò, cùng với việc soạn các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT cũng đang khiến cho nhiều giáo viên cảm thấy rất mệt mỏi, áp lực.
Hy vọng, lãnh đạo Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thấu cảm những áp lực về hồ sơ sổ sách dưới cơ sở để có những thay đổi nhằm giảm những áp lực không cần thiết cho giáo viên thì mới mong việc đổi mới thành công.
Nếu vẫn còn nặng về hồ sơ, sổ sách như hiện nay khiến cho giáo viên phải tập trung quá nhiều cho các công việc này, rất khó có thời gian để đầu tư cho việc giảng dạy, trau dồi chuyên môn của mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.