Xếp hạng giáo dục: Không nên tuyệt đối hóa một kết quả nghiên cứu nào

15/05/2015 07:08
Phương Thảo
(GDVN) - Quan điểm của ông Phạm Hiệp, một nghiên cứu sinh về thương mại hoá giáo dục (Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan) khi bàn về thứ hạng 12 của giáo dục Việt Nam.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới (OECD) công bố bảng xếp hạng chất lượng Giáo dục toàn cầu, theo đó, Việt Nam lọt vào top có thứ hạng cao, đứng thứ 12/76 quốc gia.

Thông tin này ngay lập tức đến tai các chuyên gia, các nhà giáo dục và họ phản ứng với một tâm thế rất vừa giật mình nhưng cũng rất bình thường.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nghe qua thông tin Việt Nam xếp thứ 12 về chất lượng giáo dục có vẻ rất vui.

Tuy nhiên, xét lại cụ thể ở tình hình thực tế thì giáo dục chúng ta còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề cần giải quyết.

Xếp hạng giáo dục: Không nên tuyệt đối hóa một kết quả nghiên cứu nào ảnh 1

Thực tế giáo dục Việt Nam đang đứng ở vị trí nào chắc hẳn nhiều người biết. Ảnh minh họa Xuân Trung

“Câu chuyện thực tế của nền giáo dục khiến tôi chưa có thể tin vào kết quả này. Có thể ở một khía cạnh nào đó toán hay khoa học chúng ta giỏi hơn các nước, vì chúng ta hay luyện kiểu “gà nòi” thì chuyện hơn này là bình thường.

Tôi không thấy thỏa mãn lắm, vì nếu xét về một nền giáo dục thì còn phải xét về chương trình giáo dục của nước đó, chứ không phải là ở một khía cạnh nào. Kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo” ông Nhĩ nhấn mạnh.

Ông Phạm Hiệp, một nghiên cứu sinh về thương mại hoá giáo dục tại Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan cho rằng, có thái cực nghĩ rằng kết quả như OECD công bố Việt Nam đứng thứ 12 về chất lượng giáo dục cũng không hoàn toàn vui lắm, đó là cực đoan.

Xếp hạng giáo dục: Không nên tuyệt đối hóa một kết quả nghiên cứu nào ảnh 2

Thông tư 30 dần gây khó dễ cho công tác khuyến học

(GDVN) - Nội dung khen thưởng học sinh tiểu học theo thông tư 30 của Bộ GD&ĐT sẽ gây khó khăn cho các tổ chức khuyến học khi xây dựng quy chế khen thưởng.

Nhưng ông Hiệp cho biết, ông hoàn toàn hoan nghênh việc làm này của OECD khi đã đưa ra được chỉ số như vậy.

Cũng có thể trong lúc làm để có được thông tin còn vấn đề này, vấn đề khác, cũng có thể quá trình để đưa ra đánh giá này đâu đó con số không được tin cậy đối với quốc gia đó, bởi tiêu chí đưa ra chỉ hạn hẹp trong ngành toán và khoa học.

“Tuy nhiên, Việt Nam rất nên quan tâm tới kết quả này và tỉnh táo khi sử dụng nó như một yếu tố đầu vào để hoạch định chính sách trong tương lai.

Cũng không nên quá sung sướng khi chúng ta đứng ở vị trí thứ 12, vì đây cũng chỉ là báo cáo của một tổ chức. Mà theo tôi, nên sử dụng dữ liệu đó để tiếp tục phân tích như các chỉ số đầu vào trong các nghiên cứu sâu hơn của chúng ta” ông Hiệp cho hay.

Ông Hiệp lấy ví dụ, có thể dựa vào kết quả này để nghiên cứu đa dạng hơn như tham gia vào các tổ chức xếp hạng.

Cũng có thể một phạm vi nghiên cứu về toán và khoa học không thể đại diện cho cả nước nhưng cũng nên tham gia nếu có tổ chức khác nghiên cứu sâu rộng hơn, chứ nhất thiết không nên coi kết quả này là chúng ta đang đứng thứ 12.

Cũng theo ông Hiệp, xếp thứ 12 đây chỉ là trong một phạm vi giáo dục chứ không thể đại diện cho cả giáo dục Việt Nam. 

Liên hệ với quá khứ, ông Hiệp cho rằng trước đây chúng ta làm chính sách thường không có dữ liệu, không có nghiên cứu bài bản, không có các chỉ số tin cậy đầu vào cho chính sách, do đó có thể triết lí đường hướng đúng nhưng khi triển khai sẽ bị vướng.

“Tôi được biết nghiên cứu này đã chạm vào 76 nước, tính bao trùm cũng lớn, do đó cần sử dụng dữ liệu này để phát triển nghiên cứu sâu hơn. 

Tổ chức OECD là uy tín, chính tôi cũng hay đọc bài trên này, tôi không tin OECD lại đưa ra những nghiên cứu có chất lượng thấp, thậm chí họ (OECD) sẽ đưa ra được phạm vi nghiên cứu, phương pháp, điểm yếu –mạnh trong nghiên cứu này như là một lời tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách của các nước sử dụng kết quả này như thế nào” ông Phạm Hiệp nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiệp, không có một nghiên cứu nào là hoàn hảo và cũng không nên tuyệt đối hóa một kết quả nghiên cứu nào. 

Chênh lệch 66 bậc so với xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới

Chỉ ít ngày sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp hạng giáo dục các quốc gia dựa trên điểm thi hai môn toán và khoa học của học sinh ở độ tuổi 15 (Việt Nam xếp thứ 12 trên thế giới) thì Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã công bố báo cáo về "nguồn vốn con người" năm 2015.

Theo đó, kết quả của Diễn đàn Kinh tế thế giới không chỉ quan tâm đến những chỉ số tuyển sinh và trình độ từ sơ cấp đến đại học, dạy nghề của người dân ở các quốc gia mà còn phân tích cả những tiêu chuẩn như học hỏi ở nơi làm việc, tình trạng thất nghiệp hay những kỹ năng không tương xứng.

Theo kết quả nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhóm dưới 15 tuổi của Việt Nam xếp thứ 78 trong báo cáo "Nguồn vốn con người" của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tức chênh nhau tới 66 bậc so với vị trí thứ 12 của OECD). 

Phương Thảo