Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới để lấy ý kiến góp ý.
Được biết, chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc trung học phổ thông.
Trả lời câu hỏi “Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khắc phục tình trạng học sinh sợ và chán học môn Lịch sử như thế nào?” của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong cuộc họp báo, Giáo sư Phạm Hồng Tung - Tổng Chủ biên chương trình môn Lịch sử cho hay:
"Trong chương trình giáo dục phổ thông mới Ban soạn thảo đặt ra 3 nhiệm vụ đối với giáo viên giảng dạy môn Lịch sử.
Thứ nhất, đảm bảo cho học sinh yêu thích, say mê môn Lịch sử.
Hai là, dạy môn Lịch sử phải đúng nghĩa là dạy một môn khoa học.
Thứ ba, giáo viên phải phân tích được cho học sinh hiểu học lịch sử vận dụng vào đâu và làm gì”.
Trong dự thảo, về phân phối chương trình đề ra 105 tiết nhưng giáo viên cộng lại thì chỉ có 100 tiết! (Ảnh minh họa: VTV) |
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, qua tìm hiểu, theo ý kiến của các giáo viên tổ Lịch sử của một trường Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội có một vài băn khoăn về dự thảo chương trình môn Lịch sử.
Theo một giáo viên đề nghị giấu tên: “Trong dự thảo, về phân phối chương trình đề ra 105 tiết nhưng chúng tôi cộng lại thì chỉ có 100 tiết!
Còn 35 tiết chuyên đề thì phân vào đâu hay tùy trường bố trí ngoài giờ? Vậy những trường không có kinh phí trả cho giáo viên thì chắc không thể tiến hành được!
Muốn thực hiện chương trình thì việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn sẽ tiến hành như thế nào?”.
Bởi lẽ theo đánh giá của các giáo viên này, ngay trung tâm Thủ đô nhưng chất lượng bồi dưỡng chuyên môn của bộ môn sử khoảng dăm năm nay hiệu quả rất thấp, giáo viên không thỏa mãn.
Đội ngũ giáo viên lớn tuổi nếu không có ý thức tự bồi dưỡng thì kiến thức lạc hậu (nhất là về công nghệ thông tin);
Còn đội ngũ giáo viên trẻ được đào tạo công nghệ thông tin trong trường đại học, có kinh nghiệm trình chiếu nhưng trình độ chuyên môn hầu hết còn yếu do kiến thức cuộc sống và thiếu thực tế, phương pháp giảng dạy nặng về truyền thụ mà lại không được bồi dưỡng thường xuyên.
Ngoài ra, các giáo viên tổ Lịch sử của trường Trung học phổ thông này cũng nhận thấy rằng, nếu chương trình hiện hành nặng về kiến thức nhưng lại phân rõ theo thời gian cổ, trung, cận, hiện đại còn chương trình mới gần như làm theo chuyên đề, khối 10 và 11 đều học về cổ, trung, cận, hiện đại còn khối 12 học phần quan hệ đối ngoại Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại!
Lúc này, họ đặt câu hỏi: “Cách bố trí chương trình như vậy có trùng với các cuộc kháng chiến đã học ở lớp dưới hay không?”.
Ngoài ra, khi xem nội dung chương trình môn Lịch sử, các giáo viên nhận thấy, chương trình lớp 10 vẫn nặng như trước.
Chương trình hiện hành thì dài, học sinh phải học cả nguyên thủy, cổ, trung và nửa cận đại;
Còn chương trình mới thì lại quả khó vì lí luận cao đối với các em độ tuổi 14, 15!
Hơn nữa, việc Bộ đưa ra phương án kết hợp với phụ huynh trong giảng dạy môn Lịch sử đó là: “Cha mẹ lắng nghe con kể chuyện lịch sử” rồi “cùng con khám phá lịch sử địa phương”, theo các giáo viên Lịch sử cho rằng đó là viễn tưởng.
Bởi đối với tình hình xã hội hiện nay, nhiều gia đình cuộc sống mưu sinh không cho phép họ làm được điều đó, giáo viên cũng chẳng có thời gian gần phụ huynh để vận động họ tham gia!