Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lịch sử Nữ tướng Lê Chân để phát triển du lịch

19/07/2024 06:21
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến hay để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lịch sử, phát triển du lịch văn hoá tâm linh - Nữ tướng Lê Chân.

Ngày 18/7, Uỷ ban nhân dân quận Lê Chân (Hải Phòng) phối hợp với Viện phát triển Văn hóa dân tộc tổ chức Diễn đàn “Nữ tướng Lê Chân - Giá trị văn hóa lịch sử và động lực phát triển du lịch văn hóa tâm linh”.

GDVN__1239.JPG
Các tiết mục văn nghệ tái hiện lại giá trị văn hoá lịch sử - Nữ tướng Lê Chân (Ảnh: Lã Tiến)

Phát huy giá trị văn hoá để phát triển du lịch quận Lê Chân

Trong diễn văn khai mạc diễn đàn, ông Trần Văn Nam – Viện trưởng Viện phát triển Văn hóa dân tộc nhấn mạnh: Hải Phòng là địa phương có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, vận mệnh của thành phố biển Hải Phòng từ hàng nghìn năm qua luôn gắn liền với sự phát triển chung của đất nước.

Với bề dày truyền thống góp phần vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hải Phòng qua các giai đoạn lịch sử và đặc biệt là những tháng năm trong thời đại Hồ Chí Minh đã và đang gìn giữ, khai thác một kho tàng văn hóa quý giá của cộng đồng người dân đất Cảng, coi đó là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc, đa dạng và phong phú, cần được khai thác, phát huy phục vụ sự nghiệp phát triển của dân tộc trong điều kiện xã hội đương đại.

Nổi bật trên tiến trình dựng xây môi trường văn hóa mới cho Hải Phòng, cộng đồng người dân cùng chính quyền các cấp đã dồn nhiều tâm trí và sức lực hướng về di sản văn hóa gắn với cuộc đời và sự nghiệp chống quân Nam Hán của Nữ tướng Lê Chân.

GDVN_dien-dan-lc.jpeg
Ông Trần Văn Nam – Viện trưởng Viện phát triển Văn hóa dân tộc đọc diễn văn khai mạc diễn đàn (Ảnh: Lã Tiến)

Thực tế cho thấy, chính các hoạt động tưởng nhớ tri ân người anh hùng Lê Chân tại các di tích phụng thờ bà cùng lễ hội đền Nghè và đình An Biên hàng năm đã trở thành những hoạt động văn hóa tích cực, có ý nghĩa giáo dục lớp người đương đại một cách sinh động, thực chất, khơi dậy các giá trị văn hóa gắn với truyền thống của thành phố biển anh hùng, trở thành điểm sáng về hoạt động văn hóa, thu hút sự chú ý và quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

Từ thực tế đã và đang diễn ra, những năm qua, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định trực tiếp chỉ đạo các hoạt động văn hóa, khai thác giá trị văn hóa đất Cảng Hải Phòng góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành phố biển như một mũi nhọn tiên phong của cả nước.

Cũng từ thực tế đó, khoảng chục năm trở lại đây, cộng đồng và nhà quản lý văn hóa các cấp đã và đang có nhận thức mới về tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và thực hành tín ngưỡng liên quan đến nữ tướng Lê Chân nói riêng với nhiều hình thức nghi lễ và tổ chức lễ hội phù hợp cũng như gia tâm tu bổ, tôn tạo các di tích tín ngưỡng có giá trị như đền Nghè và đình An Biên khang trang như ngày nay.

“Để góp phần quán triệt và triển khai các hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực và phù hợp với chỉ đạo của chính quyền và đội ngũ quản lý văn hóa các cấp cùng nguyện vọng của cộng đồng thành phố Hải Phòng, trong điều kiện phát triển của xã hội hiện nay, việc tiến tới tổ chức các diễn đàn văn hóa sẽ là những hoạt động khoa học xã hội tích cực, một mặt nâng cao ý thức của cộng đồng đối với truyền thống tôn vinh, tri ân các anh hùng dân tộc, mặt khác góp phần bồi đắp ý thức và tình cảm đối với di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc, khẳng định thêm các giá trị văn hóa Việt Nam trong điều kiện đương đại và hòa nhập quốc tế.

Viện Phát triển Văn hóa dân tộc phối kết hợp với chính quyền và đội ngũ các nhà quản lý văn hóa thành phố Hải Phòng, quận Lê Chân tổ chức diễn đàn: “Nữ tướng Lê Chân – Giá trị văn hóa lịch sử và động lực phát triển du lịch văn hóa tâm linh” nhằm góp phần cụ thể vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của quận Lê Chân nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung, trong sự chấn hưng văn hóa dân tộc hiện nay”, ông Trần Văn Nam nói.

GDVN__1249.JPG
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lê Chân phát biểu chào mừng diễn đàn (Ảnh: Lã Tiến)

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lê Chân thông tin, trên địa bàn quận hiện nay có 18 di tích, trong đó có 9 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 8 di tích xếp hạng cấp thành phố; 4 di tích thuộc danh mục kiểm kê của thành phố.

Bên cạnh các di tích lịch sử gắn liền với nữ tướng Lê Chân như đền Nghè, đình An Biên, quận Lê Chân còn có những điểm di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật được Trung ương và thành phố xếp hạng như: đình Hàng Kênh, chùa Dư Hàng, đình Dư Hàng, đình Niệm Nghĩa… Đặc biệt, quận có một di sản văn hoá được ghi vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia – Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân.

“Trong định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025, quận Lê Chân xác định: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển quận với tốc độ cao, bền vững; tập trung phát triển các nhóm ngành dịch vụ thương mại cao cấp là trung tâm tài chính, thương mại, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá du lịch của thành phố.

Trong những năm qua, kinh tế của quận Lê Chân không ngừng tăng trưởng, có sự chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng. Năm 2020, tỷ trọng ngành dịch vụ thương mại chiếm 67,66%, đến năm 2022 đã tăng lên 72,26%. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế này có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực văn hoá và du lịch.

Việc tổ chức diễn đàn “Nữ tướng Lê Chân - Giá trị văn hóa lịch sử và động lực phát triển du lịch văn hóa tâm linh” tại quận Lê Chân hôm nay là cơ hội để quận thu nhận những ý kiến quan trọng của các chuyên gia, các nhà khoa học trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá cho phát triển kinh tế xã hội; đem đến một cái nhìn thấu đáo hơn, toàn diện hơn về vai trò của văn hoá với du lịch, xây dựng môi trường du lịch với văn hoá – văn hoá với du lịch phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội của quận”, ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.

GDVN__1253.JPG
Lãnh đạo quận Lê Chân tặng hoa chúc mừng diễn đàn (Ảnh: Lã Tiến)

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tham luận về một số nội dung như: Du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong điều kiện phát triển của thành phố Hải Phòng hiện nay; Khai thác kho tàng di sản văn hóa của Hải Phòng để phát triển du lịch bền vững; Quản lý văn hóa ở quận Lê Chân với nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa những năm gần đây; Nữ tướng Lê Chân: Cuộc đời và sự nghiệp; Thực hành tín ngưỡng tại đình An Biên - Phụng thờ nữ tướng Lê Chân; Di tích và lễ hội tri ân Nữ tướng Lê Chân với sự phát triển du lịch thành phố Hải Phòng...

GDVN_dien-dan-le-chan-1.jpeg
Ban tổ chức trao tặng Giấy khen cho các nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng và các nhà tài trợ (Ảnh: LT)

Nhân dịp này, Viện phát triển Văn hóa Dân tộc trao tặng Chứng nhận không gian văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt cho 02 đền; trao tặng Giấy khen cho 15 nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng và các nhà tài trợ đã có đóng góp tích cực cho Diễn đàn “Nữ tướng Lê Chân - Giá trị văn hóa lịch sử và động lực phát triển du lịch văn hóa tâm linh”.

GDVN_dien-dan-lc-3.jpg
Các đại biểu tham dự diễn đàn chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: LT)

Người đưa ca trù vào trường học

Tại diễn đàn, cô giáo Nguyễn Thị Thắm – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù An Biên đã trình bày tham luận “Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong nhà trường”.

GDVN__1218.JPG
Tiết mục hát Ca trù tại diễn đàn (Ảnh: Lã Tiến)

Theo cô giáo Thắm, với mục đích bảo tồn, quảng bá, phát huy và phát triển di sản văn hóa văn nghệ dân gian, di sản văn hóa phi vật thể của Nhân loại trong lĩnh vực hát Ả đào (ca trù), phần nào gợi nhớ đến nét đẹp văn hóa của người Hải Phòng năm xưa, tháng 9/2015, trên cương vị Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, cô Thắm đã đưa ca trù vào trường, thành lập câu lạc bộ Ca trù, tiền thân của câu lạc bộ Ca trù Xứ Đông, bao gồm các học viên là các em học sinh của trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ và nhiều học sinh ở các ngôi trường khác cùng tham gia.

Cứ vào sáng thứ bảy hàng tuần, từ đình Hàng Kênh lại vang lên câu hát, nhịp phách quen thuộc. Trong không gian nơi cửa đình, hơn 10 cô cậu học trò say sưa học hát, gõ trống, gõ phách với Nghệ nhân ưu tú Đỗ Quyên - chủ nhiệm giáo phường Ca trù Hải Phòng cùng Nghệ nhân ưu tú Thu Hằng và nhiều thành viên khác của giáo phường ca trù Hải Phòng.

Không chỉ dạy hát, cô Đỗ Quyên, cô Thu Hằng, kép đàn Tô Tuyên, ca nương Hải Phượng còn giải thích về các lối hát Ca trù, kể những tích truyện trong các tác phẩm dạy cho các em, giúp các em hiểu hơn, yêu hơn Ca trù. Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu Ca trù với học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, các em trong lớp Ca trù khóa I đã đưa Ca trù đến với khán giả mọi lứa tuổi trong quận với tiết mục Đây An Biên, Hoa phong lan, Đào Hồng Đào Tuyết tham gia “Liên hoan dân ca cấp Tiểu học” và nhiều chương trình biểu diễn tại địa phương, tại các chương trình của Câu lạc bộ Ca trù Hội Văn nghệ dân gian thành phố.

GDVN__1217.JPG
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (đứng giữa) là người đưa Ca trù vào trường học đầu tiên ở quận Lê Chân (Ảnh: Lã Tiến)

Cô giáo Thắm chia sẻ: “Ai cũng ngỡ rằng thế hệ trẻ ngày nay chỉ thích những bản nhạc sôi động, những giai điệu rộn rã, tươi vui nhưng khi chứng kiến sự thích thú, say mê tìm hiểu, học tập, biểu diễn ca trù của các học trò nhỏ, các nghệ nhân và các thế hệ đi trước vô cùng xúc động và tin tưởng rằng: Ca trù luôn sống mãi, trường tồn cùng dân tộc.

Ca trù dù kén người nghe, người hát nhưng vẫn đến được với các em học sinh còn bé bỏng để rồi càng hiểu Ca trù, các em càng yêu, càng say, càng đắm,… Mới chập chững làm quen với Ca trù, dù còn nhiều non nớt nhưng khi các em đắm mình vào canh hát, lời ca vẫn thanh, cao; tay phách vẫn chắc, giòn.

Tình yêu, niềm đam mê toát ra từ ánh mắt, nét mặt. Các em rất thích hát Ca trù. Tham gia câu lạc bộ, các em được các nghệ nhân truyền dạy rất tận tình. Lúc đầu, nhiều em thấy khó nhưng chỉ sau thời gian ngắn, khi hiểu hơn về Ca trù, các em càng thêm yêu thích hơn.

Đến với Ca trù, các em được bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, yêu những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, từ đó các em sẽ thấy tự hào với kho tàng di sản vô giá mà cha ông ta để lại.

Các phụ huynh có con tham gia lớp Ca trù cũng rất ủng hộ khi được sự động viên của các thầy cô, phấn khởi cho con tham gia học tập. Chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình các em đã bày tỏ sự biết ơn các thầy cô vì sự tiến bộ của con về mọi mặt. Các con kiên trì ngồi tập gõ phách và hát, tính tình điềm đạm, chững chạc lên rất nhiều.

Họ cũng rất thấu hiểu ý nghĩa của việc truyền dạy Ca trù cho các con là việc làm thiết thực và quan trọng đặc biệt trong việc bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

GDVN__1231.JPG
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố say sưa đưa ca trù vào trường học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lịch sử - Nữ tướng Lê Chân (Ảnh: Lã Tiến)

Sau khi được luân chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Thắm tiếp tục đưa văn hoá nghệ thuật truyền thống, trong đó có Ca trù đến với các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố.

Được sự ủng hộ và tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo thành phố, quận Lê Chân và phường An Biên, lớp truyền dạy Ca trù và Hát dân ca Khoá I của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đã ra đời với tên gọi Câu lạc bộ Ca trù An Biên gồm đông đảo các em học sinh lớp Ca Trù và hát dân ca của trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố với mục đích giáo dục đạo đức lối sống, ý thức bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong trường học tại quận Lê Chân.

Và thật ý nghĩa khi Câu lạc bộ Ca trù An Biên được phối hợp hoạt động cùng Câu lạc bộ Ca trù Xứ Đông quận Lê Chân, góp phần tri ân công đức lớn lao của Nữ tướng Lê Chân – vị nữ tướng kiệt xuất có công đầu tiên lập nên trang An Biên, đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng ngày nay.

Các em học sinh trong Câu lạc bộ được học Ca trù lâu dài theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và sinh hoạt nghệ thuật, biểu diễn cùng các nghệ nhân trong Hội Văn hoá nghệ thuật dân gian thành phố Hải Phòng, đảm bảo cho khát khao và đam mê nghệ thuật của các em được nuôi dưỡng và cất cánh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thắm cho biết thêm, sau hơn 9 năm đưa Ca trù vào trong trường học, Câu lạc bộ Ca trù An Biên, Câu lạc bộ Ca trù Xứ Đông quận Lê Chân đã gặt hái được nhiều thành công. Các em học sinh có nhiều cơ hội được giao lưu, được đưa bộ môn nghệ thuật mà các em yêu thích giới thiệu với nhiều tầng lớp khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Tên tuổi của các ca nương nhí như Thiên Thảo, Kim Huệ, Thanh Trúc, Gia Hân, Thu Hường, Hồng Loan, Minh An, Minh Dương, Trọng Nhất, Mai Anh… đã trở nên quen thuộc trong các buổi biểu diễn nghệ thuật dân gian của thành phố Cảng. Và ca trù đã đến với đông đảo nhân dân Hải Phòng nhờ sự bén rễ, nảy mầm từ các chồi non như thế.

Vào các tối mùng 1 hay 15 (âm lịch) hàng tháng, được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo, với sự tổ chức của Ban giám hiệu nhà trường, các em học sinh cùng các nghệ nhân trong Câu lạc bộ Ca trù An Biên và Câu lạc bộ Ca trù xứ Đông lại biểu diễn tại Đình An Biên, cùng cống hiến cung đàn giọng hát cho những người đam mê âm nhạc dân tộc, sành nghệ thuật trong thành phố và du khách thập phương tụ hội về ngôi đình cổ kính, linh thiêng, nơi thờ Nữ tướng quốc - Thánh mẫu Lê Chân, thưởng thức một canh hát cửa đình đặc sắc và được trải nghiệm không gian tâm linh thiêng liêng nơi này.

Ngôi đình vốn trầm mặc bỗng bừng lên nét tươi trẻ bởi có những tiếng cười nói trong trẻo, hồn nhiên và những gương mặt non nớt, đáng yêu. Nơi đây đã đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình truyền dạy nghệ thuật truyền thống cho các em học sinh trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố nói riêng và các em học sinh tại Hải Phòng nói chung.

LÃ TIẾN