Bị cắt chế độ hỗ trợ, nhiều giáo viên ở Kon Tum nghỉ việc

26/01/2023 06:29
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều năm công tác ở các điểm trường xa xôi nhưng khi xã vừa lên chuẩn nông thôn mới thì hầu hết giáo viên đều bị cắt chế độ hỗ trợ khiến họ gặp nhiều khó khăn.

Ngày 17/1, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Chánh Văn phòng (phụ trách) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, ngành giáo dục tỉnh này vừa có báo cáo gửi Bộ giáo dục và Đào tạo về “thực trạng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghỉ việc”.

Ba năm có 161 giáo viên nghỉ việc

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum thì từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 161 giáo viên nghỉ việc (gồm 104 giáo viên mầm non, 30 giáo viên tiểu học, 19 giáo viên trung học cơ sở và 8 giáo viên trung học phổ thông).

Nhiều giáo viên ở các vùng khó khăn bị cắt chế độ trợ cấp khi xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: AN

Nhiều giáo viên ở các vùng khó khăn bị cắt chế độ trợ cấp khi xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: AN

Trong đó, năm 2020 có 61 giáo viên nghỉ việc (gồm 45 giáo viên mầm non, 7 giáo viên tiểu học, 4 giáo viên trung học cơ sở và 5 giáo viên trung học phổ thông);

Năm 2021 có 37 giáo viên nghỉ việc (gồm 18 giáo viên mầm non, 13 giáo viên tiểu học, 5 giáo viên trung học cơ sở và 1 giáo viên trung học phổ thông); Năm 2022 có 63 giáo viên nghỉ việc (gồm 41 giáo viên mầm non, 10 giáo viên tiểu học, 10 giáo viên trung học cơ sở và 2 giáo viên trung học phổ thông).

Trong báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Lê Thị Trung – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghỉ việc, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như: sức khỏe không đảm bảo để tiếp công tác; về quê sinh sống; theo chồng công tác ở tỉnh khác…

“Một số giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khi có cơ hội sẽ nghỉ việc để làm các công việc khác gần ở vùng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, có nhiều giáo viên mầm non ngoài công lập nghỉ việc do thu nhập thấp, công việc không ổn định trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”, bà Trung cho biết.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cũng đưa ra những giải pháp hạn chế tình trạng giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc.

Đó là nâng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, góp phần hỗ trợ nâng cao thu nhập và bảo đảm điều kiện cần thiết để nhà giáo có cuộc sống ổn định, yên tâm công tác.

Nhất là các nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học (đề xuất: Giáo viên nữ nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi, giáo viên nam nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi).

Bên cạnh đó, thủ trưởng các đơn vị trường học cũng cần thường xuyên quan tâm, trao đổi tâm tư, nguyện vọng, bố trí sắp xếp công việc phù hợp, tạo điều kiện trong công tác và cuộc sống cho đội ngũ giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý”, bà Trung nêu trong báo cáo gửi Bộ.

Giáo viên nghỉ việc vì bất cập chính sách

Theo tìm hiểu của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một trong những huyện có nhiều giáo viên nghỉ việc trong ba năm qua tại Kon Tum là huyện Kon Plông. Ngoài những khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, các điểm trường đóng ở các vùng rừng núi xa xôi thì những bất cập trong chính sách đã khiến nhiều giáo viên ở đây xin nghỉ việc.

Theo đó, khi các xã của huyện Kon Plông đạt chuẩn nông thôn mới, học sinh sẽ bị ngắt chế độ hỗ trợ bán trú theo Nghị định 116 của Chính phủ, đồng thời chế độ dành cho giáo viên cũng bị cắt theo.

Nếu như trước đây, giáo viên ở các vùng khó khăn có mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng, nay bị cắt giảm chỉ còn 4-5 triệu đồng/tháng. Nhiều khoản phụ cấp về xăng xe, đi lại cũng bị cắt.

Ông Nguyễn Minh Cường – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông (Kon Tum) cho hay, chỉ tính riêng trong hai năm 2021 - 2022, khi huyện có 3 xã lên nông thôn mới thì có đến 12 giáo viên ở các khu vực này có đơn xin nghỉ việc gửi về phòng Giáo dục.

“Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên thì chúng tôi cũng thấu hiểu được phần nào sự khó khăn của các giáo viên. Chúng tôi cũng đã động viên, khuyến khích các thầy cô cố gắng bám trường bám lớp, ở lại truyền dạy con chữ cho các em. Nhưng nhiều người không thay đổi quyết định nên Phòng đã đồng ý cho 10 giáo viên nghỉ việc”, ông Cường nói.

Từng có nhiều năm gắn bó với học trò vùng cao nhưng cô giáo NTH. (giáo viên Trường tiểu học Pờ Ê, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, Kon Tum) cũng đã có đơn xin nghỉ dạy với lý do “điều kiện gia đình có người đau ốm, phải đi lại công tác xa nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống”.

Vào thời điểm, cô H. xin nghỉ (năm học 2021-2022) thì có đến 5 giáo viên khác của Trường tiểu học Pờ Ê cũng có đơn xin nghỉ dạy với nhiều lý do khác nhau. Qua tìm hiểu thì từ tháng 5/2020, khi xã Pờ Ê được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì nhiều chế độ phụ cấp dành cho giáo viên đang giảng dạy, công tác tại khu vực này bị cắt.

Mặc dù là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng điều kiện kinh tế - xã hội ở đây còn rất nhiều khó khăn. Học trò phần lớn là con em đồng bào dân tộc nên cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn đủ bề.

Khi các em bị cắt các chế độ trợ cấp, thương học trò, chúng tôi phải bỏ tiền túi ra để lo bữa cơm cho các em. Đồng lương của giáo viên vốn đã eo hẹp, nay còn bị cắt giảm gần hết các chế độ thì chúng tôi không còn khả năng trang trải cuộc sống”, cô H. chia sẻ.

Ngày 8/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Văn bản số 5886/BGDĐT-NGCBQLGD về báo cáo thực trạng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghỉ việc. Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương báo cáo về thực trạng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nghỉ việc ra khỏi ngành. Nêu rõ nguyên nhân cũng như những giải pháp để ngăn chặn thực trạng này.

AN NGUYÊN