Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định có báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó có những đánh giá thực tế triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại địa phương này.
Chương trình phù hợp với đa số học sinh
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, mục tiêu đổi mới của chương trình là phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Các giáo viên ở Bình Định tham gia tập huấn về thực hành xây dựng kế hoạch bài học/hoạt động trải nghiệm có lồng ghép giới đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: CTV |
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp.
Qua đó, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã khắc phục tình trạng quá tải của chương trình cũ. Tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống, bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.
Cũng theo báo cáo này, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục, điều kiện của địa phương, của nhà trường.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, chính quyền địa phương các cấp.
“Để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học;
Thực hiện đổi mới về chuyên môn, dạy học sinh theo hướng tiếp cận năng lực, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh; Tăng cường tập huấn cho giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tập huấn về nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dạy học;
Chỉ đạo các trường lựa chọn sách; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn...
Việc đa dạng hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh cho thấy học sinh mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm của mình và có nhiều kỹ năng vượt trội.
Nhất là chủ động tiếp nhận nhiệm vụ của giáo viên, khả năng làm việc nhóm, phân công nhiệm vụ trong nhóm được cải thiện cho thấy chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với đa số học sinh”, báo cáo của tỉnh Bình Định nêu.
Quá trình bắt tay thực hiện, ngành giáo dục tỉnh Bình Định cũng đã nhận thấy những mặt tích cực do chương trình mới mang lại.
Cụ thể, đối với việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, đa số các nhà trường đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học.
Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh; thực hiện tốt việc kiểm tra phân loại đối tượng học sinh theo năng lực nhận thức để tổ chức dạy học sát đối tượng.
Thực hiện bàn giao kết quả giáo dục cuối năm học một cách nghiêm túc, phù hợp với từng nhóm đối tượng, kiên quyết không để học sinh “ngồi nhầm lớp”; thực hiện khen thưởng học sinh thực chất, đúng quy định.
Chương trình mới cũng đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách. Từ đó, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.
Thúc đẩy đổi mới về quản trị của cơ sở giáo dục, công tác quản lý, quản trị trường học trong tỉnh được chú trọng đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường.
Thiếu phòng học cho chương trình mới
Trong báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho hay, công tác chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình mới đã được tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai sớm.
Bảng báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về thiết bị dạy học cơ sở giáo dục phổ thông công lập cho thấy nhiều trường vẫn đang thiếu thiết bị day học cho Chương trình mới. Ảnh: AN |
Bắt đầu từ khâu rà soát, sắp xếp, sáp nhập trường có quy mô nhỏ; dồn dịch điểm trường lẻ gần điểm chính, đi lại thuận tiện do đó mạng lưới trường lớp ngày càng tinh gọn, hiệu quả trong việc bố trí, sử dụng nguồn lực.
Ngoài ra, đội ngũ giáo viên đã được bổ sung về số lượng, trong tuyển dụng đã quan tâm nhiều đến cơ cấu và chất lượng.
Công tác bồi dưỡng được thực hiện một cách chủ động, nội dung bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả. Do đó, khi thực hiện chương trình mới giáo viên hoàn toàn chủ động xử lý các vấn đề mới phát sinh, không bỡ ngỡ, lúng túng.
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
"Cơ sở vật chất một số đơn vị chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số trường còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng; đồ dùng, trang thiết bị đã xuống cấp.
Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa chủ động trong việc tự nghiên cứu, tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học còn gặp khó khăn nhất định.
Nhà trường chưa thực hiện được quyền tự chủ cho tổ bộ môn sắp xếp lại nội dung, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh ở trường mình", ông Giang nêu trong báo cáo.