Ban Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án số 16-ĐA/TU về sắp xếp tổ chức bộ máy một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022-2025. Cụ thể, Đề án 16 tập trung tổ chức sắp xếp lại một số cơ quan đảng, đoàn thể và cơ quan hành chính khối chính quyền cấp tỉnh, huyện; đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, huyện; các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước.
Các đơn vị nằm trên địa bàn nằm trong kế hoạch được tổ chức, sắp xếp lại trong thời gian tới gồm: 3 trường cao đẳng của tỉnh và một số trường trung học phổ thông tại các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên, Vĩnh Tường cùng một số cơ sở giáo dục từ mầm non, liên cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 39 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 9 trường cao đẳng. Ngoài 6 trường cao đẳng của Trung ương đóng trên địa bàn, có 3 trường thuộc tỉnh là (1) Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, (2) Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc, (3) Cao đẳng Vĩnh Phúc.
Theo Đề án 16, dự kiến 3 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được sáp nhập lại chỉ còn 1 đầu mối đào tạo nghề công lập. Ảnh: DN |
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu cơ sở pháp lý và thực tiễn để đề xuất việc sáp nhập các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh theo hướng chỉ còn 1 đầu mối đào tạo nghề công lập như tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương.
Đối với các trường trung học phổ thông:
Tại huyện Lập Thạch, theo kế hoạch sẽ tách trường trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn thành 2 trường: trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn và trung học phổ thông Văn Quán.
Tại huyện Sông Lô, theo kế hoạch dự kiến sẽ tách trường trung học phổ thông Sáng Sơn thành 2 trường trung học phổ thông Sáng Sơn và trung học phổ thông Sông Lô.
Tại huyện Bình Xuyên, tách trường trung học phổ thông Quang Hà thành 2 trường trung học phổ thông Quang Hà và trung học phổ thông Nguyễn Duy Thì.
Và tại huyện Vĩnh Tường, theo kế hoạch tại Đề án 16, sẽ nghiên cứu đề xuất thêm 1 trường trung học phổ thông mới phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Đối với khối trung học cơ sở: dự kiến chuyển đổi trường trung học cơ sở Dân tộc Nội trú Tam Đảo thành trường trung học cơ sở công lập sau khi kết thúc năm học 2023-2024.
Đối với khối mầm non, trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở: thực hiện việc sáp nhập các trường trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, cụ thể: sáp nhập cấp tiểu học của trường Tiểu học và Trung học cơ sở học cơ sở Phú Thịnh và trường Tiểu học và Trung học cơ sở học cơ sở Nguyễn Kiến thành trường Tiểu học Tân Phú.
Sáp nhập cấp trung học cơ sở của trường Tiểu học và Trung học cơ sở học cơ sở Phú Thịnh và trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Kiến thành trường trung học cơ sở Tân Phú.
Sáp nhập trường Mầm non Phú Thịnh và trường Mầm non Tân Cương thành trường Mầm non Tân Phú.
Theo tính toán, tổng cộng toàn tỉnh sau khi thực hiện Đề án 16 dự kiến giảm 46 đầu mối gồm 03 phòng thuộc sở, 32 đơn vị sự nghiệp công lập, 02 công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy lợi; 09 đơn vị thuộc cơ quan của Đảng, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh. Đề án được thực hiện từ năm 2022-2025, trong đó tập trung quyết liệt thực hiện trong năm 2023.