Bỏ đấu thầu nâng chuẩn giáo viên: Cả thầy cô và nhà trường đều thuận lợi

18/02/2025 09:03
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Những điều chỉnh tại dự thảo sửa đổi Nghị định 71/2020/NĐ-CP được đánh giá là giải pháp hợp lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong công tác nâng chuẩn giáo viên. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ, quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là đề xuất bỏ phương thức đấu thầu, thay vào đó chỉ áp dụng phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt. Đồng thời, giáo viên sẽ được quyền chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo công lập khi ngành hoặc chuyên ngành mà giáo viên đăng ký đào tạo không đủ điều kiện để địa phương mở lớp theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.

Những điều chỉnh này được đánh giá là giúp đơn giản hóa quy trình, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên cũng như các cơ sở đào tạo, nhận được sự đồng thuận lớn từ phía các đơn vị tham gia đào tạo nâng chuẩn.

Bất cập trong áp dụng đấu thầu đối với đào tạo nâng chuẩn giáo viên

Tiến sĩ Trần Đức Mạnh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: UED
Tiến sĩ Trần Đức Mạnh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: UED

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đức Mạnh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho hay, trong những năm vừa qua, việc triển khai phương thức đấu thầu đối với công tác đào tạo bồi dưỡng nói chung và công tác đào tạo nâng trình độ chuẩn nói riêng đã được các địa phương triển khai rộng rãi. Việc triển khai đấu thầu đã có những hiệu quả nhất định, đảm bảo tính khách quan và trung thực khi thực hiện hệ thống đấu thầu quốc gia.

Tuy nhiên, theo thầy Mạnh, phương thức này cũng bộc lộ những hạn chế khi áp dụng trong lĩnh vực đào tạo nâng chuẩn. Trong đó, một số ngành đào tạo mang tính đặc thù, không phải cơ sở giáo dục nào cũng đủ điều kiện đáp ứng, dẫn đến số lượng nhà thầu tham gia bị hạn chế. Ngoài ra, sự phân bổ không đồng đều về số lượng giáo viên cần nâng chuẩn giữa các ngành, cũng như một số ngành có quá ít người học khiến chi phí đào tạo không đảm bảo, dẫn đến tình trạng nhiều gói thầu không có đơn vị tham gia. Đặc biệt, việc cạnh tranh về giá trong đấu thầu có thể khiến những đơn vị đào tạo có năng lực tốt nhưng không cạnh tranh được về chi phí bị loại, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Trong những năm qua, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cũng đã từng tham gia nhiều gói thầu về đào tạo bồi dưỡng, trong đó có đào tạo nâng chuẩn giáo viên. Tuy nhiên, số lượng đào tạo nâng chuẩn còn hạn chế do gặp phải những khó khăn kể trên. Nhiều địa phương có nhu cầu đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên nhưng vướng mắc về số lượng tối thiểu để mở lớp, trong khi một số ngành đặc thù lại gặp khó khăn khi các cơ sở đào tạo uy tín không thể cạnh tranh về giá trong đấu thầu, dẫn đến tình trạng triển khai chưa đầy đủ hoặc không đồng bộ.

Trước những bất cập đó, Tiến sĩ Trần Đức Mạnh đánh giá cao đề xuất bỏ phương thức đấu thầu trong dự thảo sửa đổi Nghị định 71/2020/NĐ-CP. Theo thầy Mạnh, quy định này sẽ giúp các địa phương và cơ sở đào tạo thực hiện công tác nâng chuẩn thuận lợi, linh hoạt hơn.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: UED
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: UED

Cụ thể, các địa phương có thể căn cứ vào nhu cầu thực tế để yêu cầu cơ sở giáo dục cung cấp hồ sơ năng lực, từ đó lựa chọn đơn vị đào tạo phù hợp cả về chất lượng và kinh phí. Đối với các ngành đặc thù hoặc số lượng giáo viên cần đào tạo ít, giáo viên có thể tự đăng ký học tại các cơ sở đào tạo phù hợp mà không phụ thuộc vào địa phương. Nhờ vậy, công tác nâng chuẩn sẽ được thực hiện xuyên suốt, đồng bộ theo đúng lộ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đã đề ra.

Về phía các cơ sở đào tạo, việc thực hiện đặt hàng hoặc được giao nhiệm vụ sẽ là yếu tố để các cơ sở không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo để được lựa chọn (cạnh tranh chính về năng lực) trên cơ sở dự toán kinh phí phù hợp nhất cho cơ sở đào tạo cũng như địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh về giá trong đào tạo bồi dưỡng.

“Đây cũng là nguyên tắc và mục tiêu mà Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng hướng tới, nhằm đồng hành cùng ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đáp ứng chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 và yêu cầu chuyên môn của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”, Tiến sĩ Trần Đức Mạnh nhấn mạnh.

Giảm rào cản thủ tục, nâng cao chất lượng đào tạo

Tiến sĩ Phan Phiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa. Ảnh: UKH
Tiến sĩ Phan Phiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa. Ảnh: UKH

Tiến sĩ Phan Phiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cũng đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 71/2020/NĐ-CP, cho rằng đây là giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa, một trong những khó khăn lớn là số lượng giáo viên cần nâng chuẩn không nhiều, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu kém hiệu quả. Bên cạnh đó, các đơn vị muốn tham gia đấu thầu phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe, như chứng minh đã từng thực hiện thành công các gói thầu tương tự và cung cấp hồ sơ năng lực chi tiết. Điều này vô tình tạo ra rào cản đối với một số cơ sở đào tạo có năng lực nhưng chưa từng tham gia đấu thầu trước đó.

Thầy Phiến cũng nhấn mạnh, đào tạo giáo viên là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi cơ sở đào tạo có kinh nghiệm và đội ngũ giảng viên chuyên môn cao. Việc lựa chọn đơn vị thông qua đấu thầu có thể dẫn đến tình trạng đơn vị trúng thầu có mức giá thấp nhất nhưng chưa chắc đảm bảo chất lượng đào tạo tốt nhất. Hơn nữa, giáo viên bị phụ thuộc vào sự sắp xếp của địa phương, không thể chủ động lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu và điều kiện cá nhân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: TGU
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: TGU

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cũng nhận định, việc bỏ phương thức đấu thầu và cho phép giáo viên đăng ký trực tiếp tại các cơ sở đào tạo công lập khi địa phương không tổ chức lớp là giải pháp hợp lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong công tác nâng chuẩn giáo viên.

Phó Giáo sư Võ Ngọc Hà nhận định, điểm mới trong dự thảo giúp các cơ sở đào tạo tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy mà không bị ràng buộc bởi quy trình đấu thầu phức tạp, đảm bảo tiến độ đào tạo theo kế hoạch. Các địa phương cũng có thêm sự chủ động khi đặt hàng đào tạo theo nhu cầu thực tế, giảm áp lực tổ chức đấu thầu và rút ngắn thời gian triển khai. Đối với giáo viên, quy định này mở ra cơ hội lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với chuyên ngành mong muốn, không còn phụ thuộc vào địa phương, từ đó tiết kiệm thời gian và chủ động hơn trong việc nâng cao trình độ chuyên môn.

Doãn Nhàn