Ngày 27/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 789/BGDĐT-CBQLGD về việc tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về chế độ làm việc.
Theo đó, lấy ý kiến bằng văn bản giấy và thực hiện khảo sát trực tuyến tại địa chỉ https://temis.csdl.edu.vn và trả lời phần khảo sát, đối với cơ sở giáo dục trung học cơ sở từ 11/7/2024 đến hết ngày 20/7/2024.
Tại mục khảo sát trên phần mềm Temis, ở phần B Nội dung khảo sát, Bộ Giáo dục và Đào tạo hệ thống và tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư chế độ việc làm với 20 câu hỏi. Cán bộ quản lý, giáo viên có tài khoản sẽ trả lời và góp ý theo nội dung các câu hỏi trên, đồng thời được bổ sung các ý kiến khác.
Là một giáo viên bậc trung học cơ sở, người viết xin có một số ý kiến đóng góp về dự thảo về dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ở một số câu như sau:
Đối với Câu 2
a. Theo quy định hiện hành, định mức tiết dạy của giáo viên được quy định cố định theo từng tuần, cụ thể như sau: giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần; giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường, lớp dành cho người khuyết tật được giảm 02 tiết/tuần so với định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp.
b. Dự thảo Thông tư dự kiến quy định định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần (bằng định mức tiết dạy/tuần như hiện hành) và quy định định mức tiết dạy trong 01 năm học (bằng “định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần” x “số tuần dành cho việc giảng dạy”). Trường hợp phải phân công giáo viên dạy nhiều hơn định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần (bao gồm cả các tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần để đảm bảo hiệu suất lao động của giáo viên và đảm bảo quy định về thời gian làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động. (chi tiết tại khoản 5, khoản 6 Điều 3; khoản 2 Điều 4; Điều 6 dự thảo Thông tư). Lí do: Để đảm bảo linh hoạt trong việc phân công, bố trí giáo viên thực hiện CTGDPT 2018 và thuận lợi trong việc thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ.
Đối với câu này, người viết có một số góp ý như sau:
a) Giáo viên trường tiểu học là 23 tiết, giáo viên trường trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trường trung học phổ thông là 19 tiết hoặc giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông là 17 tiết/ tuần. Lý do, công việc của giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hiện nay tương đồng.
b) Bỏ quy định “Trường hợp phải phân công giáo viên dạy nhiều hơn định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần (bao gồm cả các tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì số tiết dạy nhiều hơn không vượt quá 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần.”. Lý do vì Luật Lao động quy định giờ làm thêm trong điều kiện bình thường không quá 200 giờ mỗi năm và phù hợp với quy định Chương trình giáo dục phổ thông không quy định số tiết định mức hàng tuần mà chỉ quy định tiết/ năm học.
Đối với Câu 3
a. Theo quy định hiện hành, số tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục cấp THCS và THPT là 37 tuần. Tuy nhiên, theo quy định tại CTGDPT 2018 và hướng dẫn của Bộ GDĐT về khung thời gian năm học, số tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục cấp THCS và THPT hiện là 35 tuần.
b. Dự thảo Thông tư dự kiến quy định số tuần thực dạy cho tất cả các cấp học là 35 tuần (không bao gồm 02 tuần dự phòng). Đồng thời, trong trường hợp do thiên tai, dịch bệnh hay các trường hợp bất khả kháng khác phải thay đổi khung kế hoạch thời gian năm học, thì số tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục thực hiện theo quy định điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo chế độ, chính sách cho giáo viên (khoản 1 Điều 5 và điểm c khoản 1 Điều 6 dự thảo Thông tư).
Đối với câu này, người viết đồng ý điểm a, còn điểm b người viết cho rằng thời gian làm việc chỉ quy định 2 tuần dự phòng cho những địa phương có tình hình thiên tai, bão lũ phức tạp, các vùng bình thường nên bỏ 2 tuần dự phòng.
Đối với Câu 5
a. Theo quy định hiện hành, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất; đồng thời, không giới hạn số nhiệm vụ chuyên môn và vị trí việc làm được kiêm nhiệm nên có giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc.
b. Dự thảo Thông tư dự kiến quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ (bao gồm cả kiêm nhiệm công việc chuyên môn; kiêm nhiệm chức vụ đảng, đoàn thể và tổ chức khác; kiêm nhiệm vị trí việc làm khác) để đảm bảo giáo viên tập trung cho các nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục. Đồng thời, nếu giáo viên kiêm nhiệm 02 nhiệm vụ thì số tiết dạy được giảm là tổng số tiết được giảm của cả 02 nhiệm vụ kiêm nhiệm (khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư).
Người viết cho rằng quy định này là phù hợp để tránh việc giao quá nhiều nhiệm vụ cho cùng một người và là căn cứ quan trọng để xử lý trách nhiệm hiệu trưởng khi phân công quá nhiều kiêm nhiệm và nó cũng là căn cứ quan trọng để tính số tiết kiêm nhiệm nhằm tính tăng giờ cho giáo viên.
Việc giáo viên kiêm nhiệm 2 nhiệm vụ được giảm định mức cả 2 nhiệm vụ kiêm nhiệm là hợp lý.
Đối với Câu 6
Để tránh việc chi trả trùng chế độ, chính sách cho cùng 01 nhiệm vụ, dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung nguyên tắc: Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III dự thảo Thông tư (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được giảm định mức tiết dạy và không được quy đổi nhiệm vụ đó ra tiết dạy (khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư).
Đối với câu này người viết góp ý bỏ nội dung “Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ kiêm nhiệm theo Khoản 3, 4 Điều 8; Khoản 2, 3 Điều 9) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy.”
Hiện nay tại trường trung học cơ sở có tổ trưởng chuyên môn (giảm 3 tiết/tuần) đồng thời hưởng phụ cấp chức vụ 0,2, tổ phó chuyên môn (giảm 1 tiết/tuần) hưởng phụ cấp chức vụ 0,15.
Nếu theo dự thảo quy định tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đã nhận phụ cấp chức vụ thì họ sẽ không được giảm định mức tiết dạy, điều này là không phù hợp vì công việc của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn khi thực hiện chương trình mới vô cùng vất vả, nếu chỉ được hưởng phụ cấp chức vụ 0,2, 0,15 sẽ không có người nhận trách nhiệm nặng nề này. Nên người viết đề xuất bỏ quy định trên.
Đối với Câu 8
a. Hiện nay chưa có quy định về việc tính tiết dạy cho giáo viên nam trong thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
b. Dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung quy định mới liên quan đến trường hợp này như sau: Trường hợp giáo viên nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian nghỉ chế độ giáo viên nam được tính dạy đủ định mức tiết dạy theo quy định và không phải dạy bù. Trường hợp thời gian nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con của giáo viên nam trùng với thời gian nghỉ hè thì không được nghỉ bù (khoản 3 Điều 5).
Đối với câu này, người viết góp ý, thời gian nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con của giáo viên nam trùng với thời gian nghỉ hè thì được nghỉ bù trong thời gian làm việc.
Đối với Câu 10
a. Theo quy định hiện hành, giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, trong khi giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp THCS và THPT được giảm 4 tiết/tuần.
b. Dự thảo Thông tư dự kiến điều chỉnh chế độ giảm định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm lớp cấp tiểu học từ 03 tiết/tuần thành 04 tiết/tuần (khoản 1 Điều 8). Lí do: Để đảm bảo thống nhất giữa các cấp học và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp.
Đối với câu này, người viết góp ý, giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được giảm 5 tiết/tuần vì công việc giáo viên chủ nhiệm khá vất vả, áp lực và thiệt thòi khi xét thi đua, đánh giá viên chức.
Đối với Câu 13
a. Theo quy định hiện hành, giáo viên kiêm nhiệm phụ trách phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2 - 3 tiết/tuần; giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/tuần.
b. Dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung quy định: giáo viên kiêm nhiệm công tác văn thư hoặc công tác quản trị công sở (phụ trách cả phòng tin học) hoặc công tác thư viện (phụ trách cả phòng thư viện) được giảm 03 tiết/tuần/công việc (khoản 3 Điều 10). Lí do: Thực tế còn có trường hợp giáo viên phải kiêm nhiệm công tác văn thư hoặc quản trị công sở hoặc thư viện mà chưa có quy định chế độ.
Đối với câu này, người viết góp ý bổ sung giáo viên kiêm công tác thiết bị, phổ cập được giảm 4 tiết/tuần.
Đối với Câu 18
a. Hiện nay, việc quy đổi đối với trường hợp giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi chưa rõ ràng, đồng thời chưa có quy định việc quy đổi đối với trường hợp giáo viên bồi dưỡng học sinh tham gia hội khỏe phù đổng, hướng dẫn học sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật, hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
b. Dự thảo Thông tư dự kiến quy định việc quy đổi các hoạt động này như sau: Giáo viên tham gia các hoạt động trên thì 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 02 tiết định mức. Căn cứ vào từng hình thức bồi dưỡng, cấp tham gia, mà hiệu trưởng nhà trường quyết định việc quy đổi này (khoản 3 Điều 12).
Đối với câu hỏi này, người viết góp ý “Giáo viên tham gia các hoạt động trên thì 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi 02 tiết định mức. Căn cứ vào từng hình thức bồi dưỡng, cấp tham gia, mà hiệu trưởng nhà trường quyết định việc quy đổi này (khoản 3 Điều 12).
Lý do, để đồng bộ, không còn kiểu mỗi địa phương hiểu và thực hiện khác nhau.
Đối với Câu 19
a. Hiện nay chưa có quy định về việc giáo viên được phân công làm ban giám khảo trong các cuộc thi hoặc hội thi của giáo viên cấp trường (các cuộc thi hoặc hội thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
b. Dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung quy định về việc quy đổi tiết dạy cho giáo viên được phân công làm ban giám khảo trong các cuộc thi hoặc hội thi của giáo viên cấp trường như sau: 01 tiết tham gia chấm trực tiếp được tính bằng 01 tiết định mức (khoản 5 Điều 12).
Đối với câu này, người viết góp ý quy định 01 tiết chấm thi trực tiếp được tính bằng 02 tiết định mức (khoản 5 Điều 12).
Lý do, giáo viên được làm giám khảo chấm thi là những người có uy tín, trách nhiệm cao và phải thực hiện các loại hồ sơ khác trong cuộc thi, nên mỗi tiết chấm thi nên được tính bằng 02 tiết định mức.
Đối với Câu 20
a. Theo quy định hiện hành, để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thì Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết (hiệu trưởng dạy 02 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 04 tiết/tuần).
b. Dự thảo Thông tư dự kiến tăng định mức tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mỗi vị trí 02 tiết (hiệu trưởng 04 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 06 tiết/tuần). Lí do: Với quy định dạy này đảm bảo cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy đủ số tiết của môn học cho 01 lớp.
Đối với câu này, người viết góp ý giữ nguyên quy định hiện hành, hiệu trưởng 2 tiết, phó hiệu trưởng 4 tiết vì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiện nay rất vất vả, áp lực, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thời gian làm việc 40 giờ/tuần, không có nghỉ hè,…
Các câu hỏi khác, người viết thống nhất cao và cho rằng nhiều điểm mới của dự thảo là phù hợp quy định hiện hành.
Ngoài ra, còn một số góp ý khác như sau:
Quy định về thời gian làm việc của giáo viên thỉnh giảng, dạy thêm trong và ngoài nhà trường.
Tổ trưởng chuyên môn, tổ phó chuyên môn được hưởng phụ cấp và giảm định mức tiết dạy.
Quy định thời gian nghỉ hàng năm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, nhân viên trường học là 08 tuần (bằng với thời gian nghỉ hè của giáo viên).
Quy định cụ thể giáo viên ngoài công việc giảng dạy, thời gian hành chính khác phải thực hiện các công việc chuyên môn: họp, soạn giáo án, họp, chấm trả bài, tham gia các hoạt động hướng dẫn học sinh trải nghiệm, ôn tập, phụ đạo học sinh,…không dùng giờ hành chính để dạy thêm thu tiền.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.