Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 244 cơ sở giáo dục đại học (gồm 172 cơ sở giáo dục đại học công lập, 67 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, 5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài).
Hiện nay, ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn có 15 bộ/ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và nhiều địa phương khác tham gia quản lý trực tiếp đối với cơ sở giáo dục đại học.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi có sự tham gia của nhiều bộ/ngành, địa phương cùng thực hiện quản lý trực tiếp đối với các cơ sở giáo dục đại học không chỉ dẫn đến việc thiếu thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý hệ thống giáo dục đại học, cạnh tranh không bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học, mà còn phát sinh những vấn đề về tổ chức bộ máy.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Quản lý cơ sở giáo dục đại học không nên phân tán, xé lẻ
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một cơ sở giáo dục đại học tại phía Nam (trực thuộc Bộ Công thương) cho biết: "Đến nay, nhà trường được tạo điều kiện tương đối để thực hiện tự chủ. Vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp đối với nhà trường hiện nay chỉ về mặt quản lý con người, tổ chức; còn tất cả các hoạt động chuyên môn, nhà trường đều tuân thủ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Chỉ ra một số ưu điểm khi là cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Công thương, vị này chia sẻ:
Thứ nhất, chủ trương của cơ quan quản lý trực tiếp đối với nhà trường là đề nghị các tập đoàn, hiệp hội về lĩnh vực công thương tham gia hỗ trợ, làm việc với nhà trường trong công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ, kết nối thị trường.
Thứ hai, nhà trường là một trong những đơn vị sự nghiệp nhỏ thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương nên những mảng nội dung về tổ chức được Bộ giải quyết khá nhanh.
Thứ ba, Bộ Công thương kiểm tra nhà trường ở tầm vĩ mô như kiểm tra về tổ chức nhưng cũng chỉ kiểm tra ở cấp ban giám hiệu, hội đồng trường, kiểm tra tài chính, dự án đầu tư của nhà trường có thực hiện đúng quy định không.
Tuy nhiên theo vị này, những năm gần đây, Bộ Công thương không đầu tư dự án nào cho nhà trường mà chỉ hỗ trợ nhà trường trong việc kết nối. Những dự án mà nhà trường có được là đều từ Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không phải từ cơ quan quản lý trực tiếp. Chưa kể, hàng năm, với các gói đầu tư của nhà trường dù sử dụng từ ngân sách của nhà trường nhưng vẫn phải xin ý kiến bộ chủ quản ở nhiều khâu khiến cho nhà trường mất đi phần nào tính chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến đầu tư, làm giảm hiệu quả quản lý.
Bên cạnh đó, vị này cũng cho rằng, những cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ/ngành đóng trên địa bàn thành phố lớn thường ít được quan tâm, đầu tư về quỹ đất.
Thêm nữa, đôi khi một số văn bản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Bộ Công thương sẽ lại làm văn bản yêu cầu nhà trường triển khai theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng trên thực tế bản thân nhà trường cũng đã chủ động thực hiện theo văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không phải chờ đến khi Bộ Công thương có văn bản chỉ đạo thì mới thực hiện. Điều này cho thấy sự chồng chéo trong công tác quản lý.
Những cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý cũng có nhiều ưu điểm, nhất là về mảng đào tạo, tuyển sinh. Các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo dễ tiếp cận và triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Trước đề xuất chuyển cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) chia sẻ, hiện nay, về mặt pháp lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, đặt hàng, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn.
Còn ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo phân cấp của Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Trên thực tế, việc có nhiều bộ/ngành, địa phương cùng tham gia làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học đã và đang gây ra một số hạn chế, quản lý giáo dục đại học không nên phân tán, xé lẻ ra nhiều bộ.
Cơ sở giáo dục đại học nên được Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý để tạo thống nhất
Để giải quyết những hạn chế, thầy Bảo cho rằng, trước hết cần thiết phải thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đại học về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Cơ sở giáo dục đại học phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý để thống nhất một đầu mối trong hệ thống giáo dục đại học. Khi chuyển các cơ sở giáo dục đại học đang trực thuộc bộ/ngành, địa phương (trừ các trường công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp thì cơ chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ/ngành, địa phương cũng sẽ tận dụng được tốt các nguồn lực phục vụ cho phát triển giáo dục.
Có thể kể đến một số cơ sở giáo dục đại học hiện nay như: Học viện Phụ nữ Việt Nam có cơ quan quản lý trực tiếp là Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có cơ quan quản lý trực tiếp là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,... nếu chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp thì công tác phối hợp giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần được phát huy để bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo cho mỗi cơ sở giáo dục”, thầy Bảo chia sẻ.
Cũng theo thầy Bảo, chuyển các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý có ưu điểm là tạo thống nhất trong việc định hướng về chủ trương chính sách phát triển đồng bộ giáo dục đại học thay vì có sự tham gia của nhiều bộ quản lý. Từ đó, giảm bớt sự chồng chéo trong thực hiện các văn bản, thủ tục hành chính, tăng hiệu quả quản lý, nâng cao trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong tự chủ.
Bên cạnh đó, việc cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giúp cho hoạt động khảo thí và bảo đảm chất lượng, quản lý nhà giáo được sâu sát; hoạt động kiểm định được áp dụng chung một khung tiêu chuẩn.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Mai Trọng Nhuận - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần phải nghiên cứu đầy đủ các căn cứ lý luận và thực tiễn trước khi đưa ra kết luận rằng có nên chuyển cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Theo thầy Nhuận, với các cơ sở giáo dục đại học, công tác quản lý trực tiếp nếu nặng về thủ tục hành chính thì không phát huy được năng lực, sở trường của các cơ sở giáo dục đại học; việc huy động, phát huy nguồn lực của các cơ sở giáo dục đại học cũng gặp khó vì khi đó phải “đi xin phép”.
“Bản chất của tự chủ, tự chịu trách nhiệm là nâng cao hoạt động của nhà trường trên cơ sở phát huy nội lực, năng lực của nhà trường trong việc ra các quyết định phù hợp với luật pháp và chính sách. Do đó, việc thực hiện công tác quản lý trực tiếp mà làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học là không được”, thầy Nhuận bày tỏ.
Về việc các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ/ngành, địa phương có ít nhiều những hạn chế trong thực hiện tự chủ, chuyên gia cho rằng, nếu không trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, các đơn vị sẽ khó phát huy được nội lực, khó thực hiện trách nhiệm trước nhà nước, pháp luật và nhân dân về hoạt động giáo dục và đào tạo.
“Bộ/ngành, địa phương nào quản lý cơ sở giáo dục đại học thì đều nên trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp năng lực với cơ sở giáo dục đại học để họ phát huy sáng tạo, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng ngày càng cao và nhanh các yêu cầu liên quan”, thầy Nhuận chia sẻ.