Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có một số thay đổi đáng chú ý, trong đó có việc miễn học phí tới cấp trung học cơ sở được dư luận đặc biệt quan tâm.
Vẫn biết việc giảm học phí cho học sinh trung học cơ sở sẽ áp được áp lực chi phí cho phụ huynh, tuy nhiên theo chúng tôi, việc giảm học phí cấp trung học cơ sở trong toàn bộ hệ thống giáo dục chỉ nên áp dụng cho những vùng khó khăn, vùng nông thôn.
Bởi suy cho cùng, học phí hiện nay chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong các khoản đóng góp của phụ huynh. Nhưng khi ta bỏ học phí ở hệ công lập, vô hình trung đang tạo nên sự cạnh tranh không công bằng cho hệ thống trường tư ở các nơi đô thị.
Hình minh họa, nguồn: technologytimes.pk. |
Vì thế, thay vì miễn học phí, ngành giáo dục nên siết chặt quản lý hoạt động thu chi trong nhà trường để ngăn chặn vấn nạn lạm thu sẽ hay và thiết thực hơn rất nhiều.
Phải nói rằng chuyện học phí cấp trung học cơ sở của các địa phương hiện nay thu được chẳng đáng là bao.
Nếu chúng ta tiết kiệm được, tránh được lãng phí thì mỗi trường từ vài chục triệu đến 100 triệu học phí không phải là vấn đề quá lớn.
Chẳng hạn năm học 2017-2018 các địa phương có mức thu học phí cấp trung học cơ sở như sau: Gia Lai từ 11 ngàn đồng - 37 ngàn đồng;
Đăk Nông từ 10 ngàn đồng - 35 ngàn đồng; Sơn La từ 11 ngàn đồng - 48 ngàn đồng; Thừa Thiên-Huế từ 8 ngàn đồng - 75 ngàn đồng. An Giang có mức thu từ 20 ngàn đồng đến 60 ngàn đồng…
Ngay đến thành phố lớn như Hà Nội cũng chỉ có mức thu từ 14 ngàn đồng - 110 ngàn đồng / học sinh / tháng.
Như vậy, nhìn vào mức thu học phí hiện nay của các địa phương ở cấp trung học cơ sở hiện nay không phải cao.
Chúng tôi đã tham khảo mức thu học phí ở nhiều tỉnh thành thì mức dao động chủ yếu ở khu vực nội đô khoảng 450 ngàn đồng - 540 ngàn đồng / năm / học sinh.
Chỉ có thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh dao động khoảng 1 triệu đồng / năm / học sinh.
Nhưng đây mới là chuyện tính trên đầu học sinh, còn trong quá trình thực hiện việc thu học phí ở các nhà trường hiện nay chúng ta đang thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ/CP và có những chính sách miễn, giảm, hỗ trợ cho học sinh rất nhiều.
Những học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn phần nhiều đều được miễn, giảm và còn được hỗ trợ chi phí học tập.
Tại Điều 7, Nghi định 86/2015/NĐ/CP đã qui định đối tượng được miễn học phí rất rõ và chúng tôi xin lược một số mục liên quan đến cấp trung học cơ sở như sau:
- Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại Khoản - Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.
Miễn học phí cấp 1 còn làm chưa xong, bàn chuyện cấp 2 để làm gì? |
- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
-Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân.
- Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên).
-Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học.
- Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Cũng trong Nghị định này đã hướng dẫn rõ đối tượng được giảm học phí tại Điều 8 như sau:
Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (không phải là dân tộc thiểu số rất ít người) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên;
Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Điều 9 của Nghị định cũng qui định những trường hợp không thu học phí có thời hạn như sau:
- Khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiên tai.
- Nhà nước thực hiện cấp bù học phí trực tiếp cho các cơ sở giáo dục công lập và cấp bù học phí cho các đối tượng được hưởng chính sách không thu học phí học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập khi xảy ra thiên tai theo quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức học phí của chương trình đại trà tại các trường công lập trên cùng địa bàn.
Và học sinh được hỗ trợ chi phí học tập:
- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông bị tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Xin Bộ Giáo dục đừng "tăng lương đãi bôi" nhà giáo |
Những hướng dẫn từ Nghị định 86 của Chính phủ cho ta thấy rằng học phí cấp trung học cơ sở hiện nay chủ yếu là thu của học sinh ở các thành phố.
Học phí cấp 2 các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa hay nông thôn khá thấp, cũng như các chính sách miễn giảm của nhà nước hiện nay khiến thực tế tổng thu từ học phí cấp trung học cơ sở chẳng còn đáng bao nhiêu.
Các trường loại II-III thì mỗi năm thu được vài ba chục triệu đồng. Bởi mỗi em đóng mỗi năm chỉ dao động từ 180 -270 ngàn đồng.
Trong khi, các trường nông thôn và cả thành thị thì đối tượng được miễn giảm là tương đối lớn. Vì thế, phần nhiều các em phải đóng học phí là những học sinh ở các gia đình có điều kiện về kinh tế.
Chính từ việc học phí của các trường công nói chung và cấp trung học cơ sở nói riêng của chúng ta còn thấp. Vì thế, cho dù ở các thành phố lớn có nhiều trường tư thục được thành lập nhưng phần lớn các trường rất khó phát triển.
Chỉ trừ một số trường ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là có thể phát triển được còn phần lớn các thành phố còn lại hoạt động rất èo uột.
Bởi dù sao thì các trường tư mức học phí đóng vẫn cao hơn rất nhiều so với hệ thống trường công lập, vì họ phải tự cân đối thu chi trong khi hỗ trợ nhận được không bao nhiêu.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này, ngành giáo dục định hướng tới việc miễn hoàn toàn họ phí cho cấp trung học cơ sở.
Cho dù đây là một tín hiệu vui cho các bậc phụ huynh nhưng chúng tôi thiết nghĩ rằng chúng ta chỉ nên miễn cho học sinh vùng nông thôn và các vùng khó khăn bởi thực tế các khu vực này thu cũng chỉ chừng vài chục triệu đồng/trường.
Chỉ cần lãnh đạo nhà trường tiết kiệm trong chi tiêu hàng năm cũng đủ bù lại khoản này.
Đối với các khu vực thành thị chúng ta vẫn cần duy trì mức thu học phí như hiện nay.
Một phần sẽ bù được khoản kinh phí cho nhà trường, một phần chúng ta thấy với mức học phí hiện nay cũng không phải là quá tải đối với phụ huynh.
Làm được như vậy, ngành giáo dục sẽ tạo được sự cạnh tranh công bằng cho các trường tư và giúp hệ thống trường ngoài công lập phát triển.
Một khi hệ thống trường ngoài công lập phát triển sẽ san sẻ được gánh nặng với đất nước với ngành giáo dục. Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng vừa mới ban hành.
Bởi thực tế các trường tư chỉ phát triển được ở nơi đô thị, nay bỏ học phí hệ công lập thì rõ ràng chúng ta đang đẩy các trường ngoài công lập đến nhiều khó khăn hơn.
Suy cho cùng, những gì ngành giáo dục chúng ta đang thực hiện thì sự tốn kém là các loại phí mà các trường tự nghĩ ra nhiều gấp bội phần học phí học tập của các em.
Nếu siết chặt quản lý và ngăn chặn được tình trạng lạm thu sẽ hay hơn rất nhiều bỏ học phí cấp trung học cơ sở ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển.