Giáo viên khó có cửa thăng hạng theo Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT

11/01/2022 09:03
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT phải qua nhiều khâu, giáo viên tham gia thi hoặc xét thăng hạng cần cung cấp đầy đủ các minh chứng và đạt các tiêu chí theo quy định.

Ngày 30/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Theo tìm hiểu của cá nhân người viết, giáo viên có nhu cầu thi hoặc xét thăng hạng chức danh theo Thông tư 34 sẽ gặp 2 quy định khó hơn chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập.

Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Nhandan.vn

Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Nhandan.vn

Thứ nhất, Thông tư 34 quy định giáo viên tham gia thi hoặc xét thăng hạng phải cung cấp các minh chứng theo quy định để thực hiện việc chấm điểm, từ đó xác định hồ sơ đạt hay không đạt yêu cầu thăng hạng.

Theo đó, Điều 6 quy định cách tính điểm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau:

1. Hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, không làm tròn số khi cộng các điểm thành phần, cụ thể:

a) Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng: 20 điểm

b) Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: 80 điểm.

2. Hướng dẫn minh chứng và chấm điểm các nhóm tiêu chí được quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này.

Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ (80 điểm), bao gồm các minh chứng:

- Biên bản cuộc họp với sự tham gia của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, tổ chuyên môn, đại diện các tổ chức đoàn thể trong nhà trường ghi ý kiến nhận xét, đánh giá từng tiêu chí có xác nhận của hiệu trưởng;

Các minh chứng khác (nếu có) thể hiện việc đáp ứng tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để có thể đảm nhận nhiệm vụ của hạng dự xét như các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm được ứng dụng trong giáo dục, giảng dạy học sinh và tài liệu có liên quan: 45 điểm;

- Minh chứng về các danh hiệu thi đua, khen thưởng, các danh hiệu giáo viên giỏi theo yêu cầu của hạng đăng ký dự xét: 20 điểm;

- Minh chứng về thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp thấp hơn liền kề (bao gồm cả thời gian giữ hạng tương đương theo quy định) theo yêu cầu của hạng đăng ký dự xét: 15 điểm.

Có thể thấy rằng, các quy định về xét thăng hạng đề ra các yêu cầu, điều kiện rất chi tiết, có chấm điểm ở từng điều kiện để xác định số điểm tổng. Và cũng phải thừa nhận rằng, một số quy định về minh chứng còn dài dòng, rối rắm, chưa đi vào chiều sâu năng lực chuyên môn của giáo viên.

Chẳng hạn, Thông tư 34 gợi ý minh chứng về các nhiệm vụ của hạng II mà giáo viên đã thực hiện và đạt kết quả quy định như sau:

- Quyết định/văn bản phân công nhiệm vụ/văn bản triệu tập của cấp có thẩm quyền;

- Sản phẩm nghiên cứu/sách/tài liệu bồi dưỡng/giáo án/kế hoạch giảng dạy được duyệt;

- Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn/biên bản có xác nhận của cấp có thẩm quyền thể hiện kết quả thực hiện nhiệm vụ của giáo viên;

- Thông báo kết luận thanh tra, kiểm tra/nhật ký thanh tra, kiểm tra có xác nhận của cấp có thẩm quyền theo quy định;

- Quyết định khen thưởng/văn bản ghi nhận về những đóng góp của giáo viên;

- Ngoài ra, giáo viên có thể cung cấp các minh chứng phù hợp khác thể hiện việc giáo viên đã thực hiện nhiệm vụ của hạng đăng ký dự xét và đạt kết quả.

Đó cũng là lí do khiến tỉnh Bến Tre tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II vào ngày 8, 9/1/2022 trước khi Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực (kể từ ngày 15/01/2022).

“Nhìn chung, trình tự, thủ tục xét thăng hạng đối với các chức danh nghề nghiệp giáo viên được quy định tại Thông tư số 34 phải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, thí sinh tham gia xét phải cung cấp đầy đủ các minh chứng và đạt các tiêu chí xét thăng hạng theo quy định”, bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu - Giám đốc Sở Nội vụ Bến Tre khẳng định. [1]

Thứ hai, Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 34 quy định giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Vì vậy, một số địa phương đã ban hành chỉ tiêu ở các hạng, ví dụ hạng I là 5%, hạng II 15%, hạng III 80% . [2]

Giả sử một trường trung học phổ thông công lập có quy mô khoảng 100 giáo viên thì lãnh đạo cần vị trí việc làm của giáo viên hạng I là 5; giáo viên hạng II 15; còn lại là giáo viên hạng III.

Như thế, giáo viên giữ chức vụ hiệu phó, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, giáo viên cốt cán thì mới có cơ hội được hiệu trưởng cử tham gia thi hoặc xét thăng hạng.

Vì sao hiệu trưởng khó cử giáo viên không giữ chức vụ tham gia thi hoặc xét thăng hạng? Vì khi giáo viên được thăng hạng ở hạng cao hơn thì phải làm thêm một số nhiệm vụ như: chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn, tham gia xây dựng học liệu điện tử… (quy định nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng II theo Thông tư 04).

Trong khi đó, việc thực hiện nhiệm vụ như chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn là do tổ trưởng đảm nhiệm. Không lẽ, giáo viên được thăng hạng từ III lên II sẽ làm thay nhiệm vụ tổ trưởng?

Việc quy định nhiệm vụ của giáo viên sau khi được thăng hạng là một trong những bất cập của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04. Chính quy định này khiến nhiều giáo viên không giữ chức vụ mất đi cơ hội được thăng hạng một cách oan uổng.

Liên quan đến việc chuyển lương, xếp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu việc sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”. [3]

Thế nhưng, tôi cho rằng, việc chỉnh sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 không phải dễ dàng thực hiện một sớm một chiều vì có quá nhiều sự bất cập. Phải chăng, đây là lí do đã qua gần 1 năm ban hành chùm Thông tư này nhưng cho đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ra được dự thảo sửa đổi?

Tài liệu tham khảo:

[1] //baotintuc.vn/giao-duc/ben-tre-thong-tin-ve-viec-to-chuc-thi-thang-hang-giao-vien-truoc-khi-thong-tu-cua-bo-gddt-co-hieu-luc-20220106091818597.htm

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hy-vong-lan-sua-doi-toi-se-khong-con-tinh-trang-giao-vien-o-nham-hang-post223035.gd

[3] //baochinhphu.vn/Thoi-su/Xep-hang-xep-luong-theo-quy-dinh-moi-phai-bao-dam-quyen-loi-giao-vien/454373.vgp

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên