Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ cho rằng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ lớn của ngành bởi lẽ đây là bậc học nền tảng.
“Muốn nâng cao được chất lượng giáo dục phổ thông thì cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành, các bên liên quan (nhà trường – gia đình – xã hội) để học sinh đi học được hạnh phúc”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nhạ chỉ đạo, trong khuôn khổ hội nghị hôm nay các đại biểu tập trung vào thảo luận 2 chuyên đề. Đó là chất lượng đội ngũ nhà giáo (giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ quản lý) và cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngày 9/1/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị. (Ảnh: Đình Tuệ) |
Được biết, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 10/2018, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông như sau: Toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 1.089.837, ngoài công lập 71.306).
Trong đó, mầm non: 309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); Trung học cơ sở: 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4.825); Trung học phổ thông: 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).
Tỷ lệ giáo viên/lớp toàn quốc như sau: nhóm trẻ: 1,77 giáo viên/nhóm trẻ (thấp hơn so với định mức quy định là 0,73 giáo viên/nhóm trẻ), mẫu giáo: 1,68 giáo viên/lớp (thấp hơn so với định mức quy định là 0,52 giáo viên/lớp);
Tiểu học: 1,43 giáo viên/lớp (so với định mức quy định giáo viên tiểu học còn thiếu chủ yếu ở các môn ngoại ngữ, tin học);
Trung học cơ sở: 1,99 giáo viên/lớp (so với định mức quy định, giáo viên trung học cơ sở về cơ bản đủ tuy nhiên vẫn thừa, thiếu cục bộ);
Trung học phổ thông: 2,25 giáo viên/lớp (so với định mức quy định giáo viên trung học phổ thông về cơ bản đủ).
Theo báo cáo của các sở Giáo dục và Đào tạo, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; Trung học cơ sở: 10.143 người; Trung học phổ thông: 3.161 người.
Riêng cấp Trung học cơ sở, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên Trung học cơ sở một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên Trung học cơ sở môn khác.
Tổng số cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông: 103.432 người (mầm non: 37.589, tiểu học: 34.635, Trung học cơ sở: 23.808, Trung học phổ thông: 7.400).
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giải quyết những khó khăn, bất cập của các địa phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.