Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và 27 Chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Trong quá trình hoàn thiện, các chương trình môn học đã được thực nghiệm những điểm mới về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Các môn học theo chương trình mới được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.
Cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật.
Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2). Bậc học này xuất hiện môn học mới là Tin học và Công nghệ.
Bậc Trung học cơ sở, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật.
Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Ở cấp học này, môn Tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.
Các môn học theo chương trình mới được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn. (Ảnh minh họa: VTV) |
Với Trung học phổ thông, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Các môn học được lựa chọn theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh trung học phổ thông phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới như sau:
Năm học 2020-2021 đối với lớp 1;
Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6;
Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;
Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;
Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Cùng đó tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa (bao gồm bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì biên soạn và sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân) kịp thời triển khai Chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021.
Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới, Bộ sẽ ban hành các văn bản phục vụ triển khai chương trình mới như:
Hướng dẫn các địa phương triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; Hướng dẫn xây dựng nội dung giáo dục địa phương; Hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa; Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Điều lệ trường phổ thông; Quy định về đánh giá học sinh.
Vấn đề viết sách giáo khoa được đặt ra tại cuộc họp báo, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay: “Thời gian qua có một số ý kiến phân tán nói "ngược" Nghị quyết Quốc hội là chỉ làm một bộ sách giáo khoa.
Tôi cho là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán ưu thế cũng như thách thức gặp phải, trên cơ sở đó có giải pháp thực hiện về "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Tôi cho là đảo ngược Nghị quyết là khó".
Liên quan đổi mới thi trung học phổ thông quốc gia, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thông tin Bộ trưởng giáo dục và Đào tạo đã giao một nhóm nghiên cứu, đang đến những bước cuối cùng để báo cáo, trên cơ sở đó sẽ ra quyết định.