Ngày 28/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị các trường sư phạm triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đối tượng cốt cán bao gồm: 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông và hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, khoảng 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 giáo viên phổ thông.
Đối với đội ngũ giáo viên, nội dung bồi dưỡng sẽ tập trung vào phát triển chuyên môn nghiệp vụ gồm: Xây dựng kế hoạch dạy học và giảng dạy, sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học;
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị (ảnh nguồn cổng thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo). |
Tư vấn hỗ trợ học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, giảng dạy.
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nội dung bồi dưỡng sẽ tập trung vào tăng cường năng lực quản trị nhà trường gồm: Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường;
Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học; quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Tại hội nghị, đại diện các trường sư phạm đã đề xuất các chuyên đề cần bồi dưỡng, việc đề xuất này theo đại diện các trường là dựa trên khảo sát thực tiễn tại các địa phương, mong muốn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và kinh nghiệm từ quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các nhà trường.
Trong đó, nhấn mạnh đến một số chuyên đề về phân cấp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới;
Xây dựng kế hoạch phát triển chương trình khung và chương trình môn học cho địa phương;
Đổi mới quản lý trong nhà trường; phát triển chương trình nhà trường trong chương trình giáo dục phổ thông mới…
Đợi chỉ đạo mới thay đổi thì sớm muộn gì cô thầy cũng bị đào thải |
Đại diện một số trường phổ thông tham dự hội nghị lại quan tâm tới nội dung chương trình, phương thức bồi dưỡng làm sao đáp ứng được nhu cầu của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Vì trên thực tế, giáo viên đi tham dự tập huấn, bồi dưỡng thường rất hào hứng nhưng khi về trường không được sẻ chia, thiếu bạn đồng hành nên lại theo nếp quen cũ.
Hoặc không ít những cuộc tập huấn, bồi dưỡng ít giá trị thông tin.
Từ đó, đại diện các trường phổ thông đề nghị, cách thức bồi dưỡng lần này nên chú trọng hướng dẫn cách làm và quan tâm đến quản lý, kiểm soát để có thể điều chỉnh nội dung, phương thức ngay cho những khóa bồi dưỡng sau.
Bồi dưỡng phải làm sao đánh bật được cái cũ, quan điểm cũ thì cái mới có thể phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại nhiều lần quan điểm về tính thiết thực, gợi mở và chia sẻ trong thiết kế chương trình, tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Có 4 nhóm đối tượng theo Bộ trưởng cần tập trung bồi dưỡng, gồm: Cán bộ quản lý sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo;
Giảng viên cốt cán các trường sư phạm; hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên phổ thông.
Nêu quan điểm về việc lựa chọn đội ngũ cốt cán để bồi dưỡng trở thành những người “dẫn đường”, Bộ trưởng cho rằng, phải dựa vào năng lực thực tế, khả năng và sự sẵn sàng của mỗi người để lựa chọn, không đặt nặng hồ sơ, bằng cấp thì cốt cán mới thực sự là cốt cán.
Cốt cán không chỉ thể hiện ở năng lực chuyên môn, kinh nghiệm mà còn thể hiện ở tinh thần đổi mới, sự nhiệt tình chia sẻ với đồng nghiệp.
Xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng để phù hợp với từng nhóm đối tượng, tránh được sự rườm rà, thiếu tính thực tế, cầm tay chỉ việc là vấn đề được Bộ trưởng hết sức quan tâm.
Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu, các trường sư phạm trên cơ sở nắm bắt từ các sở, phòng, cơ sở giáo dục, lắng nghe từ đội ngũ giáo viên đề xuất các chuyên đề bồi dưỡng.
Chuyên đề nào cấp bách ưu tiên trước, chuyên đề nào chưa cấp bách có lộ trình, tránh bồi dưỡng dồn dập, phân tán, thiếu hiệu quả.
Bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp liên môn hiện đang rất mơ hồ |
Bộ trưởng cũng lưu ý tới tính thống nhất trong nội dung chương trình để hướng tới một chương trình dùng chung cho cả hệ thống đào tạo sư phạm, vì chính sự thiếu thống nhất đã dẫn tới khoảng cách chất lượng giữa các trường trong hệ thống thời gian qua.
Vấn đề xây dựng chương trình để bồi dưỡng chuyển đổi giữa các cấp học cũng được Bộ trưởng đặt ra, bởi đây là bài toán thực tế, vừa là cơ hội để ngành giáo dục cân đối, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên đang diễn ra ở một số địa phương.
“Thiết kế chương trình thế nào phương pháp phải đi kèm như thế” - Bộ trưởng nêu rõ, từ đó nhấn mạnh, các tài liệu phải được biên tập ngắn gọn, được chuyển sang các dạng thức như bài giảng điện tử, video clip, hỏi - đáp và được chủ động đưa lên mạng để ai cũng có thể đọc, hiểu, khai thác và thực hiện, không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh.
Đề cập tới việc xây dựng chương trình bồi dưỡng chủ yếu theo hướng trực tuyến, Bộ trưởng khẳng định, chưa có trực tuyến sẽ chưa cho phép trực tiếp.
Đối với hình thức trực tiếp phải tổ chức theo hướng để người tham gia được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tránh rao giảng một chiều, cầm tay chỉ việc.
Mỗi người chia sẻ bí quyết của mình để thành bí quyết chung, từ đó quay về hoàn thiện chương trình bồi dưỡng.
“Không thể tách rời đánh giá với quá trình thiết kế chương trình, tổ chức bồi dưỡng.
Mỗi chương trình cần đặt ra các tiêu chí chuẩn để đánh giá nghiêm túc, đạt yêu cầu mới cấp chứng chỉ ở tiêu chí ấy, tránh tình trạng “điểm danh ghi tên”.
Trường nào làm tốt sẽ được khuyến khích, hỗ trợ, trường nào làm không nghiêm túc có thể bị thu giấy phép” - Bộ trưởng nhấn mạnh.