Bốn học sinh tiểu học sáng tạo mô hình “Trường học thông minh”

12/02/2020 06:42
LÃ TIẾN
(GDVN) - Với mô hình “Trường học thông minh”, 4 học sinh tiểu học ở Quảng Ninh đã đưa công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm tiết kiệm thời gian, công sức cho nhà trường.

Mô hình này của 4 học sinh Trường Tiểu học Mông Dương (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh), gồm: Nguyễn Quang Dũng, Đinh Xuân Anh, Phạm Đức Anh, Phạm Tuấn Hùng.

Mô hình này đã được Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ 5, năm 2019, trao giải Ba.

Theo em Nguyễn Quang Dũng, hiện ở thành phố Cẩm Phả cũng như nhiều địa phương khác có rất nhiều các thiết bị hiện đại, tự động được áp dụng, như đèn đường tự sáng khi trời tối, tự ngắt khi trời sáng, các cánh cửa tự động, các thiết bị điện được điều khiển từ xa.

Nhóm tác giả và giáo viên hướng dẫn đang hoàn thiện mô hình "Trường học thông minh" (Ảnh: NN)
Nhóm tác giả và giáo viên hướng dẫn đang hoàn thiện mô hình "Trường học thông minh" (Ảnh: NN)

Tuy nhiên, ở Trường Tiểu học Mông Dương thì chưa có được các thiết bị hiện đại như vậy.

Các bác bảo vệ mất rất nhiều công sức và thời gian để có thể bật tắt các thiết bị điện, mở đóng cửa…

Bên cạnh đó, trường đang tiêu thụ một lượng điện năng lớn, gây tốn kém chi phí.

“Chúng em muốn đưa những thiết bị tự động vào trường học của mình, kết hợp với việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để giúp thầy cô giáo, các bạn học sinh và nhà trường sử dụng, vận hành, quản lý các thiết bị điện thuận tiện, an toàn, tiết kiệm hơn”, em Quang Dũng chia sẻ.

Quang Dũng cho biết thêm: Với mô hình này, tiết kiệm điện năng được đặt lên hàng đầu thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để làm nguồn điện cho các thiết bị.

Trước kia, nếu chỉ 1-2 lớp quên tắt đèn cũng đủ gây ra sự lãng phí điện năng rất lớn.

Nhưng với mô hình này, không cần phải vào phòng học mà vẫn có thể vừa kiểm tra trạng thái hoạt động của các thiết bị điện trong phòng, vừa chủ động bật/tắt thiết bị điện một cách dễ dàng từ xa, bằng cách sử dụng điện thoại thông minh, được kết nối với hệ thống đèn.

Hoặc hệ thống đèn tự động ngoài sân trường có thể bật/tắt khi trời tối hoặc sáng. Nhóm tác giả cũng lắp đặt các bảng điện tử thể hiện nhiệt độ, độ ẩm thông báo cho học sinh, giáo viên biết, theo dõi.

Nhà giáo Ưu tú chắp cánh đam mê nghiên cứu khoa học cho học trò
Nhà giáo Ưu tú chắp cánh đam mê nghiên cứu khoa học cho học trò

Mô hình “Trường học thông minh” cũng tích hợp nhiều thiết bị để cho trường học trở nên hiện đại hơn.

Thay vì phải sử dụng lực để có thể mở cổng trường, nay chỉ cần chạm nhẹ là cổng trường có thể mở ra, thậm chí là tự động đóng/mở theo cài đặt.

“Theo chúng em được biết ở hầu hết các trường học hiện nay, công nghệ chủ yếu tập trung vào các thiết bị dạy học thông minh, chứ chưa chú trọng vào cơ sở vật chất.

Sản phẩm của chúng em tập trung vào cải tiến những thiết bị: Cổng trường, thiết bị điện điều khiển từ xa, các thiết bị điện tự động đóng, ngắt hiện đại.

Với các công cụ có sẵn và dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, chúng em đã được học lập trình kéo thả Arduino trong bộ môn robot.

Qua đó, ứng dụng những thiết bị hiện đại vào thực hiện mô hình trường học thông minh”, Quang Dũng nói.

Mô hình này giúp cho các bạn học sinh trong trường có ý thức hơn về việc tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường, an toàn khi sử dụng điện.

Đồng thời giúp tiết kiệm sức lao động của con người, tăng tính sáng tạo trong việc học lập trình, thiết kế và cải tiến sản phẩm phục vụ đời sống của mỗi chúng ta hàng ngày, giải phóng sức lao động và tiến tới tự động hóa.

Nhóm 4 học sinh Trường Tiểu học Mông Dương rất mong muốn sản phẩm sẽ là những mảnh ghép hòa nhập với thành phố thông minh - Thành phố 4.0.

LÃ TIẾN