Tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật, chuyên ngành Kỹ thuật Nữ công, cô giáo nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thúy về Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Bà Rịa- Vũng Tàu) công tác từ năm học 1992-1993.
Vóc dáng nhỏ bé, đầy yêu thương của cô giáo Công nghệ Nguyễn Thị Thúy đã đi vào trái tim của bao thế hệ học trò Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du.
Nghe tôi ngỏ lời muốn viết về hành trình dạy học của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thúy cười e thẹn “Xấu hổ thầy ơi, em chỉ biết làm hết sức mình, cố gắng hết lòng vì công việc thôi, có gì lớn lao đâu”.
Vừa dạy học, vừa tự học, cô giáo Nguyễn Thị Thúy “rành sáu câu” tin học có bằng Thạc sĩ Quản lý Giáo dục.
Sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, cô tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năm 2014 cô Thúy viết Sáng kiến kinh nghiệm “Sử dụng QuizMaker ISpring Presenter thiết kế bộ trắc nghiệm phần vẽ kĩ thuật công nghệ 11 nâng cao kết quả học tập cho học sinh”.
Năm 2015, cô viết Sáng kiến “Sử dụng Adobe Captivate thiết kế học liệu điện tử phần động cơ đốt trong - Công nghệ 11”; “Ứng dụng Visual Basic trên nền PowerPoint để thiết kế bài giảng về động cơ đốt trong, môn Công nghệ lớp 11”.
Sáu năm công tác, cô giáo trẻ luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ |
Cả ba sáng kiến đều đạt giải A cấp tỉnh và được áp dụng rộng rãi trong các trường trung học phổ thông ở Bà Rịa- Vũng Tàu; được đánh giá có phạm vi ảnh hưởng cả nước.
Từ năm 1994 đến 2014, cô giáo Thúy luôn đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Những đóng góp của cô Nguyễn Thị Thúy cho nghề giáo đã được ghi nhận, năm 2014 cô được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Nói về hành trình dạy học của mình, cô giáo Thúy tâm sự “Thật ra, môn công nghệ là môn học có tính thực tiễn cao, nhiều kiến thức, kĩ năng cần thiết cho cuộc sống độc lập của học trò sau này.
Vì vậy em muốn học trò nắm được bài học, kỹ năng bộ môn để sau này áp dụng vào cuộc sống; muốn đạt được điều đó, chính mình phải yêu bộ môn công nghệ, tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Muốn vậy, phải đổi mới phương pháp dạy học; đơn giản nhất là tiếp cận công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Vì vậy em tự học tin học, cũng là làm gương cho học trò.
Từ thực tế, qua thực tế em tìm ra phương pháp mới, hay, chia sẻ với đồng nghiệp nên viết Sáng kiến kinh nghiệm.
Để lan tỏa Sáng kiến kinh nghiệm, em nghĩ nên giới thiệu công khai các sáng kiến để giáo viên tham khảo, áp dụng, tăng giá trị sáng kiến và … chống sao chép”.
Năm 2014 Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu lần đầu tổ chức hội thi Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, cô giáo Nguyễn Thị Thúy là giáo viên tiên phong tham gia hướng dẫn học trò nghiên cứu.
Chính sự trải nghiệm hướng dẫn học trò nghiên cứu, cô đã tích lũy kinh nghiệm, viết sáng kiến “Sử dụng kĩ thuật Brainstorming kết hợp Kipling để phát hiện ý tưởng sáng tạo và định hướng dự án nghiên cứu khoa học trong dạy và học Công nghệ”.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thúy chụp ảnh lưu niệm với học trò trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông cấp Quốc gia năm 2015. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Từ năm 2014 đến năm 2020, cô giáo Nguyễn Thị Thúy và cộng sự đã hướng dẫn thành công 2 dự án đạt giải Tư quốc gia, 1 giải dự án Ba quốc gia, 1 dự án giải Nhì quốc gia, 1 dự án giải Nhất quốc gia; 2 dự án giải Nhất cấp tỉnh trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thúy đang hướng dẫn cho học trò nghiên cứu khoa học kỹ thuật (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du là lá cờ đầu về thành tích học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Thủ lĩnh của phong trào Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật trong trường chính là cô giáo Thúy.
Chia sẻ kinh nghiệm, cô Thúy tâm sự “Đam mê, hứng thú là điều giáo viên hướng dẫn cần truyền được cho các em.
Phải để các em là “chủ thể” nghiên cứu, mình chỉ là “khách thể”, đóng vai trò cố vấn. Công trình phải là của các em, do các em làm.
Sông Thương - Cô hiệu trưởng như người bạn của giáo viên |
Động viên các em khi thí nghiệm thất bại, hướng dẫn các em ghi chép cụ thể quá trình nghiên cứu, từ đó rút ra được nguyên nhân thất bại, có giải pháp khắc phục.
Quan trọng hơn, giúp các em có tâm lý vững vàng chấp nhận thất bại, biến thất bại thành bài học, động lực phấn đấu cho mình”.
Đã có 7 học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du do cô Nguyễn Thị Thúy hướng dẫn được tuyển thẳng vào các trường đại học.
Ngoài hướng dẫn học trò nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cô giáo Nguyễn Thị Thúy còn tham gia các cuộc thi dành cho giáo viên do Bộ, Sở Giáo dục tổ chức.
Cô từng đạt giải Nhì cấp Quốc gia tại Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học; giải Nhất và giải Ba cuộc thi thiết kế hồ sơ bài giảng Elearning cấp Tỉnh.
Đã được công nhận Nhà giáo Ưu tú, cô Nguyễn Thị Thúy vẫn không ngừng cống hiến, phấn đấu, tận tâm với nghề nghiệp.
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Nguyễn Thị Thúy liên tục được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh.
Từ năm 2014 đến nay, liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh; 11 lần nhận Bằng khen của các cấp (Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thúy trong lễ vinh danh nhà giáo, học sinh tiêu biểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2016 - thứ 10 từ trái sang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Mùa xuân mới, chúc Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thúy gặt hái thành công mới trong sự nghiệp trồng người.
Đam mê, nhiệt huyết, dành tình yêu cho nghề nghiệp, dành tình thương cho học trò; truyền đam mê, cảm hứng cho học trò trong học tập, nghiên cứu.
Dù chưa được phong tặng danh hiệu, nhà giáo chúng ta sẽ là Nhà giáo Ưu tú, nhà giáo vì nhân dân trong ký ức hạnh phúc của học trò, của phụ huynh và đồng nghiệp.