Bóng đá Việt Nam: Càng ‘thơm’ thì càng tham

13/12/2011 16:11
Nam Kha (Thể thao 24h)
Chuyện ông Trần Quốc Tuấn từ chức hay trước kia là ông Phạm Ngọc Viễn cho thấy sự nhập nhèm về cơ chế đã tạo ra sức ì, trì trệ của bóng đá Việt Nam.
Càng thơm thì càng tham

Thể thao Việt Nam có hai môn thơm nhất là bóng đá và bóng chuyền. Cũng như nhiều môn thể thao khác, cán bộ lãnh đạo của VFF hay VVF đều là người do Tổng cục TDTT cử sang để thể hiện sự quản lý và định hướng của nhà nước đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Mấu chốt vấn đề nằm ở đây.

Những người như ông Nguyễn Trọng Hỷ hay Trần Quốc Tuấn xuất thân là cán bộ của Tổng cục TDTT (Ủy ban TDTT trước đây), đều là công chức, hưởng lương theo nghạch được chuyển sang lãnh đạo một tổ chức xã hội dồi dào tài chính là VFF. Nói cách khác là từ chỗ không nhiều ‘màu’ về chỗ ‘thơm’ hơn.
Từ chức là khái niệm xa xỉ ở VFF. Ảnh: VSI
Từ chức là khái niệm xa xỉ ở VFF. Ảnh: VSI

Theo quy luật tự nhiên, những người như ông Hỷ, ông Tuấn hay bất cứ cán bộ nào, kể cả chính chúng ta khi đặt mình vào trường hợp của họ đều dẫn đến nhiều thay đổi. Thay đổi đầu tiên và lớn nhất là người ta sẽ tìm cách để nắm giữ thật chặt quyền lợi đã có và dùng nhiều biện pháp để củng cố vị thế nhằm bảo vệ quyền lợi. Đó là hành động ưu tiên hàng đầu mà ví von bằng hình ảnh là “giữ nồi cơm cho chắc”. Công việc quản lý, phát triển và định hướng bóng đá mà tổ chức (Tổng cục) giao cho họ đương nhiên sẽ trở thành hành động thứ yếu.

Chính cơ chế đã tạo ra con người kéo theo sự trì trệ. Bóng đá và bóng chuyền là hai môn được Nhà nước, xã hội quan tâm, nhận được nhiều hỗ trợ về tài chính, thu hút quảng cáo, tài trợ rất lớn. Lẽ ra hai môn này phải phát triển tương xứng với sự kỳ vọng, ưu ái. Trên thực tế VFF và VVF lại là hai tổ chức bị dư luận chỉ trích dữ dội nhất bởi bóng đá, bóng chuyền dưới khả năng quản lý điều hành của đội ngũ lãnh đạo ở VFF, VVF đều gây thất vọng.

Cơ chế như thế nên bằng mọi cách người ta vin vào tổ chức để giữ ghế (giữ quyền lợi) dù xã hội, dư luận bất bình, chỉ trích nặng nề. Câu nói “công việc của tôi do Thường trực VFF phán xét” của ông TTK VFF khi được hỏi về việc Hội CĐV Việt Nam yêu cầu ông từ chức sau SEA Games 26 đã lột tả điều đó.

“Từ chức” là khái niệm gần không có trong suy nghĩ của những lãnh đạo VFF. Họ chỉ từ chức khi sức ép xã hội quá lớn buộc phải có sự can thiệp của cấp trên.

Thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn như thế nào?

Với cơ chế cài cắm người thời gian qua tiếp tục tồn tại thì dù ông Hỷ, ông Tuấn từ chức (hay nghỉ việc) thì VFF sẽ xuất hiện những “ông X, ông Y” khác và BĐVN sẽ “vũ như cẫn”.

Tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF phải cần được Nhà nước quản lý và định hướng để đi đúng hướng. Nhưng sự quản lý đó tối ưu nhất là dựa trên cơ sở luật cùng sự hoạch định chiến lược chứ không phải bằng công thức đưa người Tổng cục TDTT sang cài vào VFF. Tổ chức xã hội VFF hay VVF phải tự thân nó chọn ra được người có đầy đủ uy tín, trình độ, có tâm và đặc biệt phải… giàu để lãnh đạo tổ chức. Khi hội đủ những điều kiện như thế, người lãnh đạo được chọn sẽ chú tâm vào việc phát triển chứ không phải là để “giữ nồi cơm”.


Nhìn lại quá khứ, bóng chuyền Việt Nam những năm đầu thập kỷ 1990 từng có ông Phạm Phú Ngọc Trai (giám đốc PepsiCo Vietnam) làm chủ tịch LĐBC TP HCM trong 2 nhiệm kỳ đã lãnh đạo sự phát triển bùng nổ của BC TP.HCM và làm đầu tàu đưa BCVN đi lên, tạo ra một thời kỳ sôi nổi khó phai mờ. Khi ông Trai nghỉ, BC TP.HCM được lãnh đạo bởi người của sở TDTT đưa sang thì mọi thứ cứ tàn lụi dần. BCVN mất đi người có trình độ, tâm huyết cũng rơi vào vòng xoáy với đủ câu chuyện tương tự bóng đá.

Trong bóng đá, tại sao trong bộ máy VFF có hơn một thập kỷ nay, rất nhiều quan chức đã gánh búa rìu dư luận, bị mất chức, bị “từ chức” nhưng ông Lê Hoàng Dũng luôn là nhân vật an toàn nhất, nếu không nói là được NHM nhìn như tia hi vọng cuối cùng ở VFF? Hỏi tức là trả lời.

Cơ chế do con người tạo ra và con người có thể sửa đổi cơ chế. Vậy làm cách nào để VFF hay BĐVN thoát ra cảnh luẩn quẩn vừa qua?

Hỏi cho có chứ câu trả lời rõ như ban ngày.
Nam Kha (Thể thao 24h)