Ông Hỷ mất ghế và bóng đá Việt Nam bị 'cấm vận'?

09/12/2011 10:40
Đỗ Âu
(GDVN) - Nếu Tổng cục TDTT được FIFA coi là một cơ quan nhà nước can thiệp vào VFF, bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể bị 'cấm vận' ở các sân chơi quốc tế.
Nói thẳng, có khối người mong muốn cả ông Nguyễn Trọng Hỷ lẫn tổng thư ký Trần Quốc Tuấn “đứt”. Bởi vì Falko Goetz vẫn được giữ nguyên chức vụ ở VFF, nên sẽ phải có một ai đó phải rời ghế ở Liên đoàn nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người hâm mộ vì thất bại của U23 Việt Nam ở SEA Games 26.
Cơn giận của người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ phải bị dội xuống một trong hai người này
Cơn giận của người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ phải bị dội xuống một trong hai người này

Tuy nhiên, làm gì thì làm nhưng VFF và các ban ngành liên quan đều sẽ phải theo dõi phản ứng của FIFA. Cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới này đã và đang rất bận rộn trong thời gian gần đây khi liên tiếp thực hiện và cảnh cáo lệnh ‘cấm vận’ với các LĐBĐ.

Vấn đề nằm ở đây là, liệu Tổng cục TDTT thực sự gây sức ép buộc ông Hỷ hoặc ông Tuấn (hoặc cả hai) phải từ chức thì liệu hành động đó có được coi là can thiệp vào tổ chức xã hội nghề nghiệp?

Can thiệp chính trị là thế nào?
Trong mắt nhiều người, hai sếp to của VFF xứng đáng 'về vườn'.
Trong mắt nhiều người, hai sếp to của VFF xứng đáng 'về vườn'.

Trong một bài phỏng vấn gần nhất được thực hiện bởi trang web của FIFA, Giám đốc liên kết và phát triển thành viên FIFA Thierry Regenass đã cho biết chính xác khái niệm can thiệp trong bóng đá của FIFA là như thế nào. Giáo dục Việt Nam xin gửi tới bạn đọc bài dịch.

Phóng viên FIFA (PV): Can thiệp vào LĐBD như một tổ chức chính trị xã hội chính xác là gì thưa ông?

Regenass: FIFA có quyền ủy nhiệm và điều khiển các LĐBĐ trên thế giới về mọi mặt. Sự ủy nhiệm này sẽ được giao phó cho các LĐBĐ quốc gia để điều hành bóng đá ở cấp độ quốc gia. Nhiệm vụ của LĐBĐ là điều hành, kiểm soát và phát triển bóng đá cũng như tổ chức các trận đấu. LĐBĐ có quyền được điều hành một cách độc lập, không có sự can thiệp bên ngoài nào.

PV: Vậy theo ông, những hình thức can thiệp nào là phổ biến nhất?

Regenass: Trường hợp phổ biến nhất là khi chính phủ đánh giá rằng Ban chấp hành của LĐBĐ nước đó đang làm việc không tốt và quyết định thay đổi. Thường là sau khi ĐTQG nước đó thua quá nhiều trận đấu, chính phủ quyết định đặt một hay nhiều người khác vào BCH.

Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp khác. Ví dụ như chính phủ tự tổ chức giải đấu bóng đá của riêng mình mà không có sự điều khiển của Liên đoàn, hay họ quyết định thay đổi kết quả của giải VĐQG vì lý do thiên vị.

Tuy nhiên, chúng tôi không có quan điểm đi ngược với xu hướng phát triển bóng đá mà các chính phủ mong muốn, và FIFA cũng không khuyến khích các thành viên của mình có sự mâu thuẫn với chính phủ.

Ngược lại, chúng tôi luôn cố gắng tạo một không khí hợp tác thân thiện với các chính phủ. Một chính phủ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bóng đá nước mình, và một mối quan hệ tốt giữa chính phủ với LĐBĐ sẽ cho ra những kết quả khả quan.

PV: Có bao nhiêu trường hợp can thiệp mà FIFA phải đối phó trong một năm?


Regenass: Rất khó để đưa ra một con số. FIFA luôn có sự liên lạc thường xuyên với các thành viên và đôi khi có xảy ra mâu thuẫn giữa các bên. FIFA cố gắng nhanh chóng giải quyết căng thẳng bằng những lá thư giải trình, và đôi khi là cả lệnh cấm.

Khi có sự can thiệp ở mức độ thấp, chúng tôi yêu cầu các Liên đoàn giải thích bối cảnh và sau đó là khuyến khích họ khôi phục lại các mối quan hệ làm việc. FIFA sẽ cử người tới trực tiếp gặp đại diện của chính phủ và đề nghị họ không nên can thiệp hơn nữa.

Tuy nhiên nếu có sự can thiệp trực tiếp từ chính phủ, vấn đề này sẽ được nêu trước các thành viên BCH của FIFA và Hội đồng khẩn cấp, với hình phạt cao nhất là cấm LĐBĐ đó tham dự các hoạt động bóng đá quốc tế. Nếu LĐBĐ đó bị cấm cho tới khi diễn ra Đại hội thường niên, FIFA sẽ một lần nữa xem xét về trường hợp đó. Như vậy nếu nói về mặt con số, có khoảng 4 trường hợp/năm.
Ông Thierry Regenass, Giám đốc liên kết và phát triển thành viên của FIFA
Ông Thierry Regenass, Giám đốc liên kết và phát triển thành viên của FIFA

PV: Làm cách nào để FIFA phát hiện ra các can thiệp?

Regenass: Thường thì các LĐBĐ sẽ báo cho chúng tôi biết. Nhưng ở một số nơi họ không làm vậy vì lo ngại bị cấm hoặc sợ chính phủ. Với tư cách là tổ chức cao nhất của bóng đá thế giới, FIFA luôn giám sát tình hình bóng đá ở mọi nơi, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính trị.

Có rất nhiều hình thức, có thể là qua truyền thông của chính nước đó hay các hoạt động hợp pháp như cá cược chẳng hạn. Sau đó chúng tôi sẽ yêu cầu LĐBĐ báo cáo sự việc và cử đại diện tới làm việc.

PV: FIFA có những chế tài nào để ngăn chặn can thiệp?

Regenass: Dù FIFA có quy định cũng như các thủ tục nghiêm ngặt, các trường hợp can thiệp chính trị sẽ phải được giải quyết theo bối cảnh từng vụ việc. Nếu nói về những chế tài cụ thể, FIFA không có hình thức nào khác ngoài việc cấm các LĐBĐ tham gia hoạt động quốc tế. Nhưng khi FIFA ban lệnh cấm một liên đoàn cụ thể, và sau đó là rút nguồn tài chính khỏi tổ chức đó, FIFA đã trực tiếp trừng phạt LĐBĐ mà không gây ra mâu thuẫn với chính phủ.

Do đó, bước đầu tiên trong xử lý các trường hợp này là chúng tôi khuyến khích các liên đoàn bàn bạc và giải quyết vấn đề với chính phủ và các bên liên quan. Qua những nguồn liên lạc chính thức, FIFA sẽ từng bước cảnh báo nguy cơ đình chỉ tư cách thành viên của LĐBĐ với chính phủ.

Nhưng ngoài ra, qua việc giám sát, truyền đạt và phản ứng với các sự việc như trên, FIFA cũng cố gắng ngăn chặn nguy cơ của một cuộc khủng hoảng bóng đá. Chúng tôi là một tổ chức không chỉ mạnh trong lĩnh vực bóng đá mà còn trong lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội và chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa để giúp đỡ các liên đoàn thành viên.

PV: Thưa ông, vậy FIFA thường xuyên làm việc với tổ chức nào để ngăn chặn các hoạt động chính trị trong bóng đá?


Regenass: Đầu tiên, chúng tôi làm việc qua các Liên đoàn châu lục. Ở một số nước có hiện tượng can thiệp trực tiếp, ví dụ như chính phủ ban hành luật cho phép mình tự tước bỏ quyền quản lý của Liên đoàn của không chỉ bóng đá mà cả các môn thể thao khác. Với những trường hợp đó FIFA sẽ hợp tác với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).

PV: Ông có thể cho biết một số trường hợp can thiệp chính trị mà FIFA đã từng gặp?

Regenass: Tháng 7/2006, chúng tôi đã quyết định đình chỉ LĐBĐ Hy Lạp do thông qua một số đạo luật cho phép chính phủ can thiệp vào bóng đá. Một tháng sau, chính phủ Hy Lạp đã đồng ý thông qua luật thể thao mà trong đó khẳng định sự độc lập của các Liên đoàn thể thao, và chúng tôi quyết định hủy bỏ lệnh cấm.

Một trường hợp khác là LĐBĐ Brunei. Liên đoàn này bị chính phủ Brunei đòi thay thế bằng một tổ chức khác để điều hành bóng đá, và kết quả là chúng tôi đã đình chỉ hoạt động bóng đá quốc tế của nước này từ tháng 9/2009 cho tới tháng 5 năm nay, khi LĐBĐ Brunei hoạt động trở lại một cách độc lập và được FIFA hỗ trợ các dự án bóng đá.

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp các LĐBĐ dù bị cảnh báo nhưng vẫn để cho làn sóng can thiệp chính trị tràn vào. Châu Phi là một ví dụ khi các chính phủ luôn tìm cách đưa các chính trị gia vào vì những mục đích chính trị - xã hội. Họ xuất hiện trong các cuộc bầu cử vào BCH liên đoàn và thường xuyên chiến thắng vì được chính phủ đỡ đầu. Lý do chủ yếu là bởi họ muốn kiểm soát các hoạt động thể thao của người dân và làm tăng mức độ nổi bật của bóng đá trong nước. Đương nhiên, khi ĐTQG nước đó thi đấu thành công cũng là lúc chính phủ tự chứng thực cái sự đúng đắn trong chính sách thể thao của mình.

Cho đến thời điểm hiện tại, FIFA không có thành viên nào bị đình chỉ. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng sớm muộn gì trong thời gian tới những can thiệp chính trị cũng sẽ phải được đối phó.

Tổng cục TDTT có vai trò gì trong hoạt động thể thao nước nhà


Theo Quyết định số 66/2008/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành ngày 23/5/2008, khoản 1 điều 1 có ghi rõ: “Tổng cục Thể dục thể thao là cơ quan trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về thể dục, thể thao trong phạm vi cả nước”.
Có thật chuyện Tổng cục trưởng TDTT Vương Bích Thắng ép ông Hỷ và ông Tuấn cùng từ chức khỏi VFF?
Có thật chuyện Tổng cục trưởng TDTT Vương Bích Thắng ép ông Hỷ và ông Tuấn cùng từ chức khỏi VFF?

Như vậy theo đúng từng chữ một trong điều khoản này, Tổng cục TDTT là một cơ quan chịu sự giám sát và điều hành của Bộ VHTT&DL.

Trong Quyết định được ban hành 1 năm sau khi Bộ VHTT&DL được thành lập này, Tổng cục trưởng TDTT chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ VHTT&DL và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục TDTT. Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng không có ảnh hưởng gì với các Liên đoàn thể thao hết.

Nếu đúng là có chuyện phía Tổng cục TDTT gây sức ép để buộc cả chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lẫn Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn phải từ chức, thì theo đúng quy chế của FIFA, VFF có thể bị đình chỉ hoạt động bóng đá quốc tế.

Hiện tại, ông Vương Bích Thắng đã đăng đàn để bác bỏ thông tin ông 'gợi ý' hai sếp to của VFF từ chức.
Đỗ Âu