Giá bản quyền truyền hình bóng đá tăng chóng mặt, Kỳ 3:

Việt Nam bị ép giá bản quyền Ngoại hạng Anh: Bài học từ bên ngoài

28/09/2012 07:58
Theo Tuổi trẻ
Nhiều quốc gia đã có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng chạy đua vô tội vạ của các đài truyền hình, đẩy giá bản quyền bóng đá Anh lên cao một cách phi lý... (Xem kỳ 1) (Xem kỳ 2)
Những câu chuyện tại Trung Quốc, Singapore và cả Anh đáng để các nhà quản lý, các nhà đài VN học tập.

Bóng đá Anh “nhỏ bé” tại Trung Quốc

Tại thị trường Trung Quốc với 1,3 tỉ dân, Giải ngoại hạng Anh (Premier League) không đạt được mong muốn của mình. Trong cuộc bán bản quyền ba năm trước cho thị trường Trung Quốc, Premier League chỉ thu được không tới 60 triệu USD - một con số quá nhỏ nhoi nếu so sánh về số dân.

Vấn để bản quyền Premier League luôn nóng bỏng.
Vấn để bản quyền Premier League luôn nóng bỏng.

Ở Trung Quốc không có sự cạnh tranh để giành quyền phát sóng bóng đá Anh, các đài truyền hình nhà nước lớn mà dẫn đầu là CCTV đã công khai nêu quan điểm: nếu họ (Premier League) muốn tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc, hãy trả chúng tôi tiền!

Thay vì phát sóng bóng đá Anh, CCTV phát sóng bóng đá Tây Ban Nha, Đức, các giải quần vợt với ngôi sao Trung Quốc Li Na và các trận bóng rổ của giải nhà nghề Mỹ, nơi có thần tượng của giới trẻ Trung Quốc Yao Ming thi đấu. Những người sở hữu Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) cũng thật thức thời khi cho phép CCTV phát miễn phí các trận đấu của NBA và như vậy các trận đấu của họ được phát sóng trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.

Sáu năm trước, Đài truyền hình tỉnh Quảng Đông khai trương kênh truyền hình trả tiền chuyên về thể thao mang tên WinTV và họ đã chi xấp xỉ 60 triệu USD để có bản quyền bóng đá Anh. Tuy nhiên, sau ba năm từ 2007-2010, số lượng thuê bao tăng không nhiều, chỉ khoảng 30.000 - một con số thất vọng với WinTV.

Đến đợt bán bản quyền bóng đá Anh cho ba năm từ 2010-2013, WinTV tiếp tục mua bản quyền từ Premier League với mức giá như cũ nhưng họ đã thay đổi chiến thuật và bán lại cho Công ty truyền thông Super Sports; công ty này đã bán lẻ bản quyền bóng đá Anh cho gần 20 kênh truyền hình quảng bá địa phương và các hãng cung cấp dịch vụ Internet tại Trung Quốc theo phương thức chia sẻ doanh thu quảng cáo.

Và như vậy, bóng đá Anh lại được phát sóng miễn phí tại Trung Quốc với độ bao phủ khoảng 1/3 dân số 1,3 tỉ người của Trung Quốc. Đợt bán bản quyền cho ba mùa từ năm 2013-2016 sắp diễn ra, Công ty Super Sports cho biết họ chưa quyết định có tham gia nữa hay không.

Người xem truyền hình Trung Quốc - những người rất hâm mộ thể thao đã chia sẻ quan điểm với đài truyền hình nhà nước CCTV, đó là không chấp nhận chi một số tiền quá lớn để xem bóng đá Anh.

Singapore: nhà nước phải ra tay

Singapore chỉ có hai nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là Star Hub (cáp) và Singtel (IPTV). Một thời gian dài hai hãng này cạnh tranh nhau khốc liệt để giành quyền phát sóng độc quyền các giải thể thao: bóng đá Anh, Euro, World Cup... Quyền phát sóng độc quyền các giải thể thao lớn liên tục thay đổi giữa Star Hub và Singtel. Cứ mỗi lần thay đổi hãng phát sóng, giá bản quyền lại tăng với cấp số nhân. Để thu lại chi phí đầu tư, Star Hub và Singtel buộc phải tăng giá thuê bao và người hâm mộ thể thao chỉ còn cách: bỏ đi đầu thu đã mua để mua đầu thu của hãng khác và trả tiền phí hằng tháng nhiều hơn.

"Không chấp nhận chi một số tiền quá lớn để xem bóng đá Anh "

Ý kiến người hâm mộ ở Trung Quốc gửi đến đài truyền hình nhà nước CCTV

Để ngăn chặn xu hướng này, Singapore đã ban hành luật Cross Carriage Meassure (phương pháp phát chéo nội dung của nhau, đã được áp dụng từ Euro 2012) áp dụng đối với các hãng truyền hình trả tiền. Mục đích của luật này là để hạn chế các hãng truyền hình trả tiền không được sử dụng việc độc quyền nội dung (đặc biệt là độc quyền nội dung thể thao) để phát triển thuê bao. Thuê bao của hãng truyền hình trả tiền A có thể đăng ký 1 gói/kênh/nội dung nào đó của hãng B và hãng B phải cho phép. Tất nhiên thuê bao này vẫn phải trả tiền cho hãng B.

Với luật này, các thuê bao không buộc phải rời bỏ nhà cung cấp mà mình đang đăng ký để chuyển sang nhà cung cấp khác chỉ vì một nội dung nào đó. Như vậy, các hãng truyền hình trả tiền sẽ không bị cuốn vào cuộc đua nâng giá bản quyền để độc quyền phát sóng nội dung nào đó, giá thuê bao sẽ không bị tăng, người tiêu dùng không phải thay đổi nhà cung cấp dịch vụ, thị trường sẽ có sự ổn định. Các hãng truyền hình trả tiền sẽ phải chú trọng đến chất lượng dịch vụ, chất lượng kỹ thuật, nội địa hóa nội dung, sản xuất nội dung phù hợp thị hiếu, thuần phong mỹ tục để phát triển bền vững...

Kể từ khi có luật Cross Carriage Meassure, giá bản quyền bóng đá trên truyền hình ở Singapore không còn sốt do “tranh mua” nữa.

Người Anh cũng không chấp nhận độc quyền

Thật bất ngờ là trong khi các nhà đài VN đua nhau mua độc quyền Premier League thì tại nơi sinh ra nó, Chính phủ Anh quy định: không một hãng truyền hình hay đài truyền hình nào được phép độc quyền phát sóng tất cả các trận bóng đá Anh. Chính vì quy định này mà Premier League buộc phải chia bản quyền bóng đá Anh thành bảy gói để đấu giá trong nước, và không một hãng truyền hình hay đài truyền hình nào được phép mua độc quyền quá sáu gói.

Tại nước Anh, Premier League phải phân chia bản quyền bóng đá Anh thành bảy gói để tổ chức đấu giá: năm gói 26 trận và hai gói 12 trận. Kết quả đấu giá ba mùa giải từ năm 2013-2016 tại Anh như sau: BskyB giành quyền phát sóng năm gói với tổng số 116 trận, Hãng viễn thông BT giành quyền phát sóng hai gói tổng số 38 trận. Như vậy, chỉ có tổng cộng 154 trận trên tổng số 380 trận/mùa Giải bóng đá Anh được phát sóng trực tiếp trên các hệ thống truyền hình của Anh. Ở khía cạnh xem bóng đá Anh trên truyền hình thì khán giả Anh còn không bằng khán giả VN.

Vậy mà ở VN, các nhà đài cứ làm như không được xem giải ngoại hạng là một cái gì đó gần với ngày tận thế (!?).
Hãy đến sân

Trong quá trình tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến truyền hình bóng đá Anh, chúng tôi phát hiện một quy định hết sức lý thú của Chính phủ Anh: không trận đấu nào của Premier League đá trong khoảng thời gian từ 15g-17g ngày thứ bảy được THTT trên sóng truyền hình Anh, điều này để khuyến khích khán giả đến sân xem trực tiếp và khuyến khích người yêu thể thao ra sân tập luyện/chơi một môn thể thao nào đó thay vì dán mắt vào màn hình tivi. Chính vì quy định này nên một mùa Premier League chỉ có 154 trận trong tổng số 380 trận được THTT!
Theo Tuổi trẻ