Xác định tầm quan trọng của tư duy, đổi mới tư duy là yếu tố then chốt. Chứng kiến 6 ý kiến hỏi thẳng về vấn đề thi cử, đề án cơ sở vật chất, dạy ngoại ngữ…, PGS. Văn Như Cương đã cho rằng, ông chưa tâm đắc nhiều với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
PGS. Cương nhận định, phiên chất vấn lần này Quốc hội đã đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, có liên quan tới từng gia đình có con em đi học.
“Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận suôn sẻ, lưu loát, vì đang nói chuyện tương lai làm gì, tương lai sẽ dễ nói hơn là quá khứ. Tương lai là vạch ra những điều cần làm sắp tới, và kỳ sau thì Quốc hội sẽ hỏi xem anh làm được những cái gì.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận giải đáp nhiều câu hỏi liên quan tới đổi mới giáo dục toàn diện chiều nay. Ảnh minh họa Tuổi trẻ. |
Tôi chỉ nghĩ một điều, Bộ trưởng nói rằng chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình – sách giáo khoa đã lên kế hoạch. Nếu như trước kia chứng ta có 2-3 lần thay sách giáo khoa không có sự chuẩn bị về đội ngũ, khi áp dụng thì nhiều thầy cô bỡ ngỡ. Nhưng lần này đã chuẩn bị trước nên cũng cần phải làm cẩn thận, nếu không sẽ thấy bại” PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh.
Một bài học mà cho tới nay sau khi 1 năm áp dụng việc đánh giá học sinh tiểu học theo cách mới (Thông tư 30), PGS. Văn Như Cương cho rằng, nói theo cách nói của Bộ GD&ĐT thì đây là phương pháp tiên tiến, không cho điểm, chỉ nhận xét. Thế nhưng, phương pháp mới lại không có quá trình chuẩn bị cho giáo viên, do đó có tới 80% giáo viên không biết làm như thế nào cho đúng và nhận được phản ứng là điều đương nhiên.
Trao đổi thêm về đổi mới thi cử, gộp hai kỳ thi làm một (thi Quốc gia), PGS. Văn Như Cương cho rằng, đây là điều đặc biệt vì chưa có nước nào trên thế giới đã làm như thế. Vẫn nói là chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng chắc chắn sẽ có những khó khăn lớn.
Nhận xét về phần trả lời chất vấn nửa đầu buổi chiều nay, Tiến sĩ toán học Chu Cẩm Thơ cho biết, những vấn đề được Quốc hội đặt ra để chất vấn là những vấn đề được quan tâm. Trong phần trả lời 6 câu hỏi đầu giờ chiều của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có những ý mới, đó là việc Bộ trưởng quan tâm tới việc làm sách giáo khoa, tác giả làm sách phải chủ động trong quá trình thực hiện.
“Tôi thích phương án này, trước đây coi một bộ sách thì trách nhiệm tác giả chưa cao. Do đó, để có chất lượng thì phải tạo ra trách nhiệm, động lực cho tác giả khi làm sách, phải tự chịu trách nhiệm cá nhân” TS. Thơ cho hay.
Đối với cơ sở giáo dục miền núi, khi đón nhận thông tin về phiên chất vấn này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cán bộ, giáo viên.
Ông Nguyễn Kim Anh – hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (Đắc Lắk) cho biết, phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận rõ ràng, gắn gọn, phần nào đáp ứng được yêu cầu của đồng bào và cử tri cả nước.
Vấn đề mà ông Kim Anh tâm đắc nhất là Bộ trưởng đã xác định đúng đắn vai trò, tầm quan trọng và tính quyết định của con người trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
“Giáo dục trong vùng dân tộc thiểu số hiện nay gặp không ít khó khăn, khó khăn nhất là cách tiếp cận kiến thức của học sinh đối với sách giáo khoa phổ thông hiện nay. Chương trình- sách giáo khoa hiện nay đang quá tải và nặng nề, nặng nhất đối với các em vùng dân tộc nói riêng”. Ông Kim Anh cho biết.
Qua đây, vị hiệu trưởng này cũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần có những chỉ đạo quyết liệt đối với những nhà làm sách sắp tới, để bộ sách được sử dụng lâu dài. Phải làm rõ được cái tinh, gọn nhẹ, soạn ra được nhiều bộ sách đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của học sinh, đặc biệt là học sinh vùng dân tộc.