Buồn thay chuyện 'đồng phục' điểm số, 'đồng phục' nhận xét phẩm chất, năng lực

29/01/2024 06:40
Nguyễn Thế Trung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năng lực học tập của mỗi học sinh luôn khác nhau nhưng có những môn học được giáo viên cho ra kết quả học tập; nhận xét phẩm chất, năng lực như nhau.

Hiện nay, cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 6,7,8,10,11 nên việc kiểm tra, đánh giá học trò đều theo hướng phát triển phẩm chất năng lực của người học.

Học sinh lớp 9 và lớp 12 áp dụng chương trình 2006 nhưng cũng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Tuy nhiên, trong thực tế việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập vẫn được một số giáo viên, tổ bộ môn áp dụng theo cách làm cũ.

Đó là tình trạng giáo viên vẫn ra câu hỏi sẵn, có giáo viên còn làm sẵn đáp án cho học sinh học thuộc lòng. Chính vì thế, việc kiểm tra, đánh giá bài định kỳ (giữa kỳ; cuối kỳ) vẫn chưa có nhiều thay đổi đáng kể so với chương trình 2006 trước đây.

Điều đáng băn khoăn là khi nhìn vào bảng điểm và những lời nhận xét của một số giáo viên hiện nay có cả hiện tượng “đồng phục” về điểm 10, đồng phục về những lời nhận xét phẩm chất, năng lực nên nhìn bảng điểm của học trò, chúng ta thấy nó cứ na ná như nhau.

Trong khi đó, chúng ta đều biết năng lực học tập của mỗi học sinh luôn khác nhau nhưng cuối cùng có những môn học được giáo viên cho ra kết quả học tập gần như giống nhau và phẩm chất, năng lực như nhau. Vì sao có tình trạng này?

Loạn điểm 10, vì sao?

Trong mỗi lớp học, nhất là những lớp không phải lớp chọn, không phải trường chuyên thì luôn đan cài những em học sinh có học lực giỏi; khá; trung bình và thậm chí có cả những học sinh yếu-kém. Việc học sinh trong một lớp học, nhất là những lớp không chuyên có học lực khác nhau là điều rất bình thường và gần như thời nào cũng thế.

Việc đánh giá kết quả học lực của học sinh qua từng học kỳ, từng năm học sẽ được giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong Chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong Chương trình môn học.

Điều mà mỗi thầy cô giáo khi đánh giá kết quả học tập của học sinh cần phải trung thực, khách quan để có kết quả chính xác về học lực của từng học trò.

Tuy nhiên, bên cạnh những giáo viên đánh giá tương đối đúng kết quả học tập của học trò nhằm phân loại đối tượng trong từng lớp học thì cũng có những thầy cô chưa thực sự chú trọng và có tình trạng chạy theo thành tích. Kiểm tra chưa nghiêm, dễ dãi trong đánh giá và cho điểm học trò một cách rất hào phóng.

Chính vì vậy, ở đâu đó vẫn còn tình trạng trong 1 lớp học, có những môn học rất hiếm tìm được điểm dưới 10 vì đa số học sinh đều đạt điểm 10 tuyệt đối- kể cả điểm thường xuyên và điểm định kỳ nên điểm trung bình môn của học kỳ cũng là điểm 10 tuyệt đối.

Nếu điểm trung bình môn mỗi lớp có vài em đạt được điểm 10 tuyệt đối sẽ là điểm nhấn cần thiết cho lớp học và dĩ nhiên là những học sinh đạt được điểm số này sẽ cảm thấy vui và tự hào về thành quả của mình đạt được trong mỗi học kỳ cố gắng.

Thế nhưng, hiện tượng gần hết cả lớp đều đạt điểm 10 tuyệt đối ở tất cả các cột điểm thành ra… nhàm, kém đi ý nghĩa về điểm 10. Bởi học giỏi (thực sự) cũng 10 điểm; không giỏi cũng 10 điểm theo kiểu hòa cả làng thì đâu có gì mà vui, mà thích thú nữa.

Việc “bão hòa” điểm 10 ở một số môn học ở một số đơn vị trường học không chuyên hiện nay thực sự là điều đáng băn khoăn bởi giáo viên đã thất bại trong việc phân hóa đối tượng học tập và làm thui chột động lực phấn đấu của phần lớn học sinh trong lớp.

Tình trạng loạn điểm 10 ở một số lớp học (Ảnh: N.T.T)

Tình trạng loạn điểm 10 ở một số lớp học (Ảnh: N.T.T)

Đồng phục về nhận xét, phẩm chất, năng lực

Hiện nay, học sinh học chương trình 2006 hoặc chương trình 2018 ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đều có một số môn học đánh giá bằng nhận xét theo 2 mức: “Đạt”; “Chưa đạt” (Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); những môn học còn lại được kết hợp đánh giá cả bằng điểm số và nhận xét.

Vì thế, khi giáo viên nhập điểm vào phần mềm đều được nhà trường yêu cầu nhập cả điểm số và nhận xét phẩm chất, năng lực của học trò. Cuối năm, khi in học bạ điện tử (đối với những trường đã sử dụng học bạ điện tử) sẽ có cả điểm số và nhận xét của giáo viên bộ môn.

Đối với chương trình 2018 hiện nay có 5 phẩm chất và 10 năng lực. 5 phẩm chất của học sinh trong chương trình giáo dục tổng thể gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

10 năng lực cốt lõi của học sinh trong chương trình giáo dục tổng thể gồm các năng lực sau: 10 năng lực này được chia ra thành 2 nhóm năng lực chính là năng lực chung và năng lực chuyên môn.

3 năng lực chung là: Tự chủ và tự học; Kỹ năng giao tiếp và hợp tác nhóm với các thành viên khác; Giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau một cách sáng tạo và triệt để. 7 năng lực đặc thù hay còn gọi là năng lực chuyên môn: Ngôn ngữ; Tính toán; Tin học; Thể chất; Thẩm mỹ; Công nghệ; Tìm hiểu tự nhiên và xã hội.

Mấy chục học sinh có lời nhận xét như nhau (Ảnh: N.T.T)

Mấy chục học sinh có lời nhận xét như nhau (Ảnh: N.T.T)

Việc giáo viên nhận xét phẩm chất và năng lực của người học được hướng dẫn sẽ bám vào các phẩm chất và năng lực của chương trình để nhận xét trên phần mềm và trong sổ điểm cá nhân của giáo viên.

Tuy nhiên, việc nhận xét trên phần mềm điểm điện tử được các nhà mạng thiết kế sẵn một số câu nhận xét theo mẫu. Giáo viên muốn nhận xét theo ý mình thì tự suy nghĩ và đánh máy câu nhận xét vào các ô tương ứng của học trò.

Nếu không, chỉ cần nhấp chuột máy tính vào các câu nhận xét mẫu thì các câu này sẽ nhảy vào các ô tương ứng cần nhận xét.

Chính vì thế, có những giáo viên ngại đánh máy, ngại suy nghĩ các câu nhận xét thì chỉ ngồi nhấp chuột máy tính vào các câu nhận xét mẫu vài phút là xong 1 lớp. Vậy nên, có những lớp hàng chục học trò có học lực khác nhau, năng lực phẩm chất khác nhau nhưng được giáo viên nhận xét như nhau.

Vì thế, nhìn bảng điểm và những lời nhận xét ở một số lớp hiện nay, nhiều người sẽ khó hình dung ra em nào là học sinh giỏi thực sự, em nào có những phẩm chất, năng lực nổi trội bởi điểm số và nhận xét nhiều khi được giáo viên thực hiện na ná như nhau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Thế Trung