Buồn thay, đến đề kiểm tra học kỳ cũng có giáo viên đi mua

28/12/2022 06:31
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi giáo viên hãy vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình soạn kế hoạch dạy học, kế hoạch kiểm tra đánh giá phù hợp thực tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Chuyện giáo viên mua, bán giáo án đã và đang làm méo mó hình ảnh người thầy trong mắt phụ huynh học sinh.

Tệ hại hơn thế, trên mạng xã hội thời gian này xuất hiện “chợ” mua bán, xin cho, đề kiểm tra học kì.

Đề kiểm tra học kì, từ đề tiểu học, trung học, từ đề chương trình mới cho đến chương trình cũ, môn nào, lớp nào cũng có mua bán xin cho.

Người viết trong vai người mua đề, được người bán đề săn đón ngay “Thầy chỉ cần chuyển cho em 100k (100.000 đồng) là có ngay đề chất lượng, kèm ma trận và bảng đặc tả đầy đủ, chuẩn không cần chỉnh ạ.

Còn không cần kèm ma trận và bảng đặc tả, chỉ cần thầy cho em xin 30k (30.000 đồng) uống café thôi ạ”.

Sau một hồi “kì kèo”, trình bày “hoàn cảnh” chỉ cần 50k (50.000) là người viết đã có đủ đề, ma trận và bảng đặc tả.

Mua bán, xin cho đề kiểm tra trên mạng xã hội.

Mua bán, xin cho đề kiểm tra trên mạng xã hội.

Tại sao giáo viên lại đi mua đề kiểm tra?

Thầy giáo Nguyễn Anh Hùng đang dạy ở địa phương phía nam chia sẻ “Để đánh giá chuyên môn của một giáo viên đơn giản nhất là xem nội dung đề kiểm tra họ ra.

Giáo viên nắm bắt chương trình, nắm được nội dung cốt lõi, nắm được các phẩm chất, kĩ năng cần đạt được của học sinh sẽ ra đề bám sát trọng tâm.

Ngược lại, nếu giáo viên chuyên môn yếu, thường ra đề không bám sát trọng tâm nội dung chương trình đã học đã dạy.

Vì thế, đối tượng mua đề kiểm tra đầu tiên thường có chuyên môn yếu, hay thiếu tự tin nên mua, xin về để … tham khảo.

Thế nhưng, điều đáng nói, đáng bàn là đề kiểm tra được biến thành hàng hóa trên mạng xã hội có đạt chất lượng không? Tôi cũng đã tham khảo một số đề “mẫu”, nhận thấy chất lượng không đảm bảo, một số đề chương trình cũ còn ra cả nội dung giảm tải.

Một số giáo viên mua sách “Bộ đề kiểm tra ….” về, đánh máy lại, bán kiếm lời, giáo viên mua về chỉ có cay với đắng.

Nếu được đưa ra lời khuyên, tôi khuyên thầy cô không nên mua đề trên mạng xã hội, mất tiền, mua phải “hàng dởm” thì càng cay đắng hơn”.

Cô giáo Nguyễn Thị Trang, giáo viên dạy Sinh học một trường trung học cơ sở chia sẻ “Khách quan mà nói, tôi làm đề kiểm tra học kì chỉ riêng bảng đặc tả kĩ thuật đã hết 14 trang giấy A4.

Có thể nói là cắt, dán, nhưng rất tốn công, vì vậy không ít giáo viên mua đề kiểm tra chủ yếu lấy bảng đặc tả kĩ thuật, nếu đề hợp thì dùng, hay sửa chữa cho hợp với mình, nếu không sửa được thì bỏ.

Một số môn ra đề chung, nhưng lại bắt giáo viên nộp đề để làm “ngân hàng”, giáo viên thừa hiểu đề mình không bao giờ sử dụng, nên mua đại, nộp cho có”.

Đôi điều kiến nghị

Thứ nhất, với giáo viên, nên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tự mình ra đề kiểm tra để bám sát thực tế, thực tiễn với trường mình, địa phương mình.

Thứ hai, nhà trường phân công chuyên môn, cố gắng có hai giáo viên cùng dạy một môn/khối, để giáo viên có bạn đồng hành, trao đổi chuyên môn.

Thứ ba, các địa phương hiện nay đều đã có đội ngũ giáo viên cốt cán cấp huyện, cấp tỉnh, nên giao cho đội ngũ giáo viên cốt cán làm ma trận, bảng đặc tả bộ môn, gửi về các trường, đỡ gánh nặng cho giáo viên.

Bên cạnh đó, nếu có ma trận, bảng đặc tả bộ môn chung, mặt bằng đánh giá có thể tương đồng, giúp nhà quản lý nhìn thấy được thực tế, có kế hoạch nâng cao chất lượng sát sao hơn.

Thứ tư, nếu được, các địa phương nên kiểm tra đề chung ở cấp huyện, cả huyện chung một đề sẽ giảm tải được việc ra đề học kì.

Cả huyện cùng chung một đề, sẽ tránh được “nạn” đề cương, đặc biệt, sẽ tránh được hiện tượng mớm đề kiểm tra trong lớp học thêm, tạo công bằng cho học sinh.

Thực tế hiện nay, không ít học sinh tham gia học thêm chỉ để “săn đề kiểm tra”, nên nếu sử dụng đề kiểm tra chung, sẽ góp phần giảm tệ nạn dạy thêm không trong sáng.

Đề kiểm tra là công cụ đánh giá, giúp học sinh tự đánh giá, giúp giáo viên biết năng lực học sinh, lỗ hổng kiến thức của học sinh để thay đổi nội dung, phương pháp phù hợp.

Vì vậy, mỗi giáo viên hãy cố gắng vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình soạn kế hoạch dạy học, kế hoạch kiểm tra đánh giá phù hợp thực tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai