Đề kiểm tra học kỳ của Phòng, Sở Giáo dục vẫn đang cần thiết

17/12/2019 06:00
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Thông qua kiểm tra, khảo sát chất lượng học sinh bằng hình thức các đề kiểm tra chung của Phòng, Sở Giáo dục lại thường cho ra những số liệu rất đáng tin cậy.

Bài viết: “Nhiều giáo viên, học sinh vẫn ngán đề kiểm tra học kỳ của Sở của tác giả Nguyễn Nguyên đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 15/12 cho rằng, đối với các khối lớp 6,7,8 thì Sở Giáo dục và Đào tạo không nhất thiết phải ra đề bởi độ chênh lệch về chất lượng dạy và học giữa các địa bàn thường rất lớn. 

Với góc độ là một thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở nhà trường phổ thông, tôi có mấy suy nghĩ về vấn đề mà tác giả Nguyễn Nguyên nêu lên như thế này. 

Không riêng gì giữa các địa bàn (thành phố, nông thôn, miền núi) mà ngay từng đơn vị trường học về chất lượng dạy và học cũng đã có sự chênh lệch, không đồng đều.

Học sinh có em này, em kia. Giáo viên cùng bằng cấp song mức độ tâm huyết, năng lực sư phạm lại khác nhau.    

Đề kiểm tra học kỳ của Phòng, Sở Giáo dục vẫn đang cần thiết. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Đề kiểm tra học kỳ của Phòng, Sở Giáo dục vẫn đang cần thiết. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Lâu nay, các cấp quản lý giáo dục có nhiều kênh để đánh giá chất lượng giáo dục của các nhà trường: thanh tra định kỳ, thanh tra đột xuất công tác quản lý các mặt của Hiệu trưởng, kiểm tra để công nhận trường chuẩn quốc gia, kết quả hội thi giáo viên dạy giỏi, kết quả thi chọn học sinh giỏi…

Nói thật, các khía cạnh ấy thường mang nặng tính báo cáo, sổ sách, thậm chí hình thức hoặc phiến diện thường không phản ánh đầy đủ, chính xác về chất lượng dạy của thầy, chất lượng học của trò. 

Nhưng thông qua tổ chức kiểm tra, khảo sát chất lượng học sinh bằng hình thức các đề kiểm tra chung của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo lại thường cho ra những số liệu rất đáng tin cậy.  

Coi kiểm tra, chấm bài học kỳ xin đừng tháo khoán và sính thành tích
Coi kiểm tra, chấm bài học kỳ xin đừng tháo khoán và sính thành tích

Nhìn vào kênh này, các cấp quản lý giáo dục có thể nhận biết, đánh giá được chất lượng dạy học của từng trường, từng khu vực đang ở mức độ nào, để từ đó có các giải pháp tác động trở lại đối với các trường đang thuộc “vùng trũng” của địa phương.

Nhiều địa phương vẫn giao quyền tự chủ cho các đơn vị về khâu kiểm tra học kỳ, giáo viên dạy khối lớp nào thì ra đề kiểm tra và chấm bài khối, lớp đó, cuối học kỳ, cuối năm học báo cáo số liệu lên Phòng, Sở Giáo dục là xong. 

Nếu nhà trường, giáo viên tổ chức kiểm tra nghiêm túc, trung thực thì quá tốt.

Nhưng thật đáng tiếc, có thực tế nhiều nhà trường, thầy cô giáo bây giờ, vì bệnh thành tích mà làm ngược lại, nội dung ôn tập chỉ giới hạn vài bài (gần như học sinh biết đề trước), ra đề kiểm tra không đúng với chuẩn kiến thức - kỹ năng của môn học, thậm chí có những sai sót, nhầm lẫn đến “chết người”. 

Kéo theo hệ quả là, kết quả điểm kiểm tra học kỳ báo cáo lên không phản ánh đúng chất lượng dạy học của thầy và trò. 

Chúng tôi chẳng lạ gì nghịch cảnh đã diễn ra, điểm kiểm tra học kỳ, điểm cuối năm của học sinh lớp 9, lớp 12 ở nhiều trường cao chót vót, học bạ đẹp như mơ nhưng điểm thi tuyển sinh vào lớp 10, điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia lại thấp lè tè, có môn toàn dưới điểm trung bình. 

Chính vì vậy, tôi luôn đồng tình và ủng hộ với cách làm ra đề kiểm tra học kỳ dùng chung của các Phòng, Sở Giáo dục để đánh giá được mặt bằng chung về chất lượng dạy học trên địa bàn, đồng thời sẽ hạn chế được các “bệnh”: chủ quan, tự tung tự tác, sính thành tích ở nhiều nhà trường, thầy cô giáo đang mắc phải. 

Vấn đề cần khắc phục, điều chỉnh là các Phòng, Sở Giáo dục phải chọn bằng được các giáo viên, chuyên viên ra đề kiểm tra, đề thi sao cho chuẩn, không sai sót, sát đối tượng, phân hóa được năng lực của học sinh.

SÔNG TRÀ