Cả một đời cống hiến, có giáo viên khi về hưu lương chỉ hơn 3 triệu đồng

12/11/2022 06:40
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiệu trưởng lo lắng, khi có “làn sóng” giáo viên nghỉ việc thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của những giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục.

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị trước Quốc hội, nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, đặc biệt, đối với giáo viên mầm non, tăng từ 35% lên tối thiểu 70%.

Kiến nghị của Bộ trưởng nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của các chuyên gia, cũng như các thầy cô giáo.

Lo lắng giáo viên bỏ nghề vì thu nhập quá thấp

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Cao Thị Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng – Hà Nội) cho biết, đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên của Bộ trưởng chính là nguyện vọng tha thiết của các thầy cô hiện nay. Đặc biệt với các giáo viên mầm non, đề xuất này càng mang đến nhiều kỳ vọng, để các cô giáo yên tâm tiếp tục gắn bó với nghề dẫu công việc nhiều vất vả, áp lực.

Thời gian vừa qua, hiện tượng giáo viên bỏ việc cũng gây ra nhiều lo lắng. Trước đây, Trường Mầm non Hạ Mỗ không có tình trạng giáo viên nghỉ việc nhưng trong tháng 5/2022, đã có một giáo viên xin dừng công tác và chuyển sang việc khác.

“Làn sóng” giáo viên nghỉ việc thì có thể ảnh hưởng đến tâm lý của những giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

“Làn sóng” giáo viên nghỉ việc thì có thể ảnh hưởng đến tâm lý của những giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Nếu tình hình mức lương và phụ cấp vẫn thấp, không có sự cải thiện, trong khi áp lực công việc nhiều, thì điều khiến chúng ta lo lắng là sẽ có nhiều giáo viên có chiều hướng đi tìm những công việc có thu nhập cao hơn.

“Trong bối cảnh giá cả leo thang, đồng lương chưa đảm bảo đời sống cho giáo viên, nhà trường cũng luôn động viên các cô, để các giáo viên cố gắng ở lại, vì tình yêu nghề và gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục.

Hiện nhà trường có 44 giáo viên, bao gồm cả giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, trong tháng tới và cuối năm đều có giáo viên nghỉ hưu. Trong khi công tác tuyển dụng hiện nay cũng rất khó khăn nên thật sự lo ngại chuyện giáo viên xin nghỉ việc, bỏ nghề.

Trên cương vị quản lý, tôi cũng mong chính sách về lương, phụ cấp cho giáo viên mầm non có sự thay đổi tốt lên để níu giữ các cô ở lại với nghề và và tiếp tục đóng góp cho giáo dục”, cô Minh bày tỏ tâm tư.

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Hạ Mỗ, với mức phụ cấp như hiện tại, việc giữ chân giáo viên mầm non sẽ còn khó khăn, khi có “làn sóng” giáo viên nghỉ việc thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của những giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục.

Nhà trường cũng ghi nhận nhiều tâm tư chia sẻ của các thầy cô, trong môi trường giáo dục mầm non, các cô phải đối mặt với nhiều áp lực, về thời gian làm việc, tính chất công việc, đôi khi còn áp lực từ phía phụ huynh, và nhiều áp lực khác nữa.

“Các cô giáo phải đi làm sớm, về nhà muộn, công việc trông trẻ nhỏ cũng vất vả và không hề đơn giản. Nếu không may các cháu chơi với nhau có va chạm, xây xước cũng rất áp lực với cha mẹ các con.

Nhà nước cần quan tâm đến chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên. Vì với công việc này, các cô làm từ sáng đến tối, cũng không có thời gian để làm thêm gia tăng thu nhập, phải đảm bảo mức lương, đảm bảo đời sống cho giáo viên để họ vững tâm gắn bó với nghề.

Có những giáo viên giờ chưa tìm được công việc mới nên vẫn hằng ngày đi dạy nhưng họ vẫn đang tìm những việc khác, cũng có giáo viên rất yêu nghề, muốn gắn bó, dù lương thấp thì họ vẫn muốn theo nghề, nhưng dù sao, họ vẫn kỳ vọng về mức lương xứng đáng”, cô Cao Thị Minh chia sẻ.

Cần duy trì chính sách đãi ngộ với giáo viên vùng cao

Trò chuyện cùng phóng viên, cô giáo Đỗ Thùy Quyên – giáo viên Trường Mầm non Suối Giàng (Yến Bái) chia sẻ, đề xuất của Bộ trưởng là rất hợp lý và cần thiết vì những năm gần đây, giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng gặp rất nhiều áp lực.

Cô giáo Đỗ Thùy Quyên trong tiết dạy học trải nghiệm cho các học sinh mầm non. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Đỗ Thùy Quyên trong tiết dạy học trải nghiệm cho các học sinh mầm non. (Ảnh: NVCC)

Giáo viên mầm non ở trường cả ngày, thời gian làm việc là liên tục từ 7h sáng đến 17h chiều, thậm chí có những ngày về rất muộn. Hơn nữa ngoài giờ làm việc tối lại soạn bài, chuẩn bị tiết dạy… mà tiết dạy của cấp mầm non phải chuẩn bị rất nhiều đồ dùng, rất công phu.

Vì lý do đó, việc tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non là xứng đáng và cần thiết.

Theo cô Quyên, giáo viên mầm non khối lượng công việc nhiều, rủi ro lớn nhưng đãi ngộ vẫn thấp hơn giáo viên các cấp học khác. Giáo viên mầm non là một nghề phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, nguy hiểm từ rất nhiều yếu tố.

“Bản thân mình là giáo viên vùng cao, những khó khăn mình gặp phải đó là đường đi lại khó khăn, hiểm trở. Lớp học thiếu thốn về đồ dùng, thiết bị dạy học, phụ huynh là người dân tộc trình độ và hiểu biết còn nhiều hạn chế, thỉnh thoảng còn gặp phải phụ huynh nóng tính nên rất áp lực.

Trong chuyến đi tập huấn cho giáo viên ở một huyện miền núi, tôi được nghe câu chuyện các cô giáo chia sẻ và thật sự thấy xót xa.

Có những cô giáo hợp đồng lâu năm, mức lương hợp đồng chỉ trên 2 triệu đồng, nhưng vẫn kiên trì bám nghề. Có những cô giáo là cán bộ quản lý hiện giờ lương được hơn 6 triệu đồng và đến khi nghỉ hưu thì chỉ được trên 3 triệu đồng. Thực sự xót xa cho một đời cống hiến”, cô Quyên tâm sự.

Nữ giáo viên cũng cho biết, mức lương hiện tại của cô tính cả phần trăm đứng lớp, phần trăm khu vực, thâm niên vùng cao đến hiện tại cũng chỉ 8,2 triệu đồng/tháng, mức lương như vậy, để trang trải cuộc sống thật sự là một khó khăn.

Cô Quyên cho rằng, ngoài phụ cấp thì nên duy trì chính sách thu hút đối với giáo viên công tác tại vùng cao, còn hiện nay, giáo viên công tác vùng cao chỉ được nhận đãi ngộ trong 5 năm đầu, sau đó không còn nữa. Trong khi những khó khăn của vùng cao thì vẫn như vậy.

Chính vì vậy, các chính sách đối với giáo viên mầm non, đặc biệt là các giáo viên vùng cao phải được quan tâm nhiều hơn nữa, để các thầy cô kiên tâm gắn bó với nghề, toàn tâm cống hiến cho ngành giáo dục.

Nguyên Phương