Khi đã trưởng thành, có gia đình rồi thì nhiều người ít khi trông mong Tết đến bởi nó có rất nhiều thứ phải lo toan, nhất là khi chúng ta vừa trải qua một năm dịch bệnh cam go, phức tạp như năm 2021.
Tuy nhiên, trong những tuần vừa qua thì có lẽ nhiều thầy cô giáo trên cả nước vẫn thầm mong cho mau đến Tết.
Tết đến, không phải là để được nhận thưởng như những ngành khác, cũng không phải mong được chia thu nhập tăng thêm vì thực tế các khoản này năm có năm không mà có thì cũng chỉ mang tính tượng trưng là nhiều.
Vậy thì mong đến Tết để làm gì? Nói thật, một học kỳ dạy trực tuyến vừa qua thì nhiều giáo viên đã rất căng thẳng, mệt mỏi nên mong đến Tết vì đó là những ngày mà các thầy cô giáo được tạm nghỉ ngơi khoảng trên dưới chục ngày.
Hy vọng thầy và trò ở các địa phương đang phải dạy và học trực tuyến sẽ trở lại học trực tiếp sau Tết Nguyên đán (Ảnh minh họa: PL) |
Hơn nửa năm qua, giáo viên ở những địa phương đang dạy trực tuyến đã có quá nhiều những áp lực bởi từ khi bước vào năm học mới cho đến nay thì có nhiều giáo viên chưa có một ngày nào được dạy trực tiếp.
Suốt ngày cứ quanh quẩn với dạy học, soạn bài, họp hội, tập huấn, ôn thi, chấm bài… bên chiếc máy tính. Nhiều ngày cao điểm phải nói là mệt mỏi vô cùng.
Đi qua những tháng ngày căng thẳng
Có lẽ chưa bao giờ những áp lực về công việc lại nhiều với những nhà giáo đang dạy trực tuyến như học kỳ I vừa qua vì gần như giáo viên có thêm rất nhiều những đầu việc khác nhau chứ đâu chỉ đơn thuần như những năm trước đây.
Chỉ riêng việc soạn giáo án PowerPoint cũng khiến cho những thầy cô dạy các môn như Văn, Toán, Anh cảm thấy đuối sức vì có những thầy cô phải soạn hơn chục giáo án mỗi tuần cho việc dạy ở lớp, ôn thi học sinh giỏi.
Bên cạnh việc soạn giáo án dạy trực tuyến thì việc chấm bài kiểm tra trực tuyến đối với những môn kiểm tra tự luận cũng là điều khiến thầy cô giáo cảm thấy áp lực. Đặc biệt là khi chấm các bài kiểm tra định kỳ vì phần lớn bài kiểm tra tự luận được học sinh nộp qua các file ảnh nên khi giáo viên chấm bài nhiều lúc phải căng mắt để đọc bài viết của học trò bởi có những em viết quá xấu.
Ngoài giáo án, giáo viên vẫn phải thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ sổ sách như khi dạy học trực tiếp, thậm chí là nhiều hơn đối với những giáo viên dạy khối 6 và những thầy cô làm tổ trưởng khi phải thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512.
Hơn nữa, các kế hoạch giáo dục được đảo liên tục, thay đổi thường xuyên bởi dịch bệnh nên lúc đầu thì làm kế hoạch bình thường, sau thì giảm tải, rồi chuyển sang trực tuyến. Cũng vì thế mà phân phối chương trình phải làm đi, làm lại nhiều lần để phù hợp với chỉ đạo và phòng chống dịch bệnh.
Vậy nên, những thầy cô phụ trách chuyên môn của nhà trường và những tổ trưởng chuyên môn cũng liên tục phải thực hiện các loại kế hoạch theo hướng dẫn.
Những thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm cũng vất vả nhiều hơn khi liên tục phải cập nhật số liệu học sinh tham gia học, rồi gửi bài cho những em không tham gia học trực tuyến.
Nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp còn phải nhập số liệu để cho các em tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Riêng việc lấy ý kiến phụ huynh cho học sinh đi học trực tiếp thì giáo viên chủ nhiệm đã thực hiện không biết bao nhiêu lần.
Ngoài ra, tất cả cán bộ, giáo viên còn phải tham gia tập huấn module 4 và 5 cũng chiếm mất rất nhiều thời gian. Vì module nào cũng đi kèm với việc thực hiện các bài tập, bài khảo sát…
Chính vì thế, nhiều thầy cô giáo cảm thấy đuối sức, rất muốn có những ngày nghỉ để giảm bớt đi áp lực mà họ phải thực hiện căng thẳng trong suốt 1 học kỳ vừa qua.
Và, những ngày Tết đã đến như những liều thuốc hiệu nghiệm nhất để thầy cô có thêm thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị những kế hoạch cần thiết để bước vào học kỳ II một cách tốt nhất.
Trông ngóng ngày trở lại dạy trực tiếp tại trường
Những ngày Tết đến rồi cũng âm thầm đang đi qua và chỉ còn vài ngày nữa thôi là thầy và trò ở các nhà trường lại tiếp tục trở lại công việc thân quen của mình.
Ngày 16/1/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp an toàn trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể.
Ngày 24/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 283/BGDĐT-GDTC đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2/2022.
Từ những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 283/BGDĐT-GDTC của Bộ Giáo dục, chúng ta thấy đó là một điều khá yên tâm là học sinh từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua đối với những nơi đang phải học trực tuyến thì không chỉ cấp Sở, cấp Phòng và ngay từng nhà trường đều đã xây dựng những kịch bản khác nhau khi học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.
Chính vì thế, việc đón học sinh trở lại trường học tập trực tiếp đã được các nhà trường chủ động và cũng đã dự kiến nhiều tình huống phát sinh khác nhau để có thể vừa giảng dạy hiệu quả và cũng có thể phòng tránh, xử lý được dịch bệnh (nếu xảy ra lây nhiễm).
Những học sinh từ 12 tuổi trở lên là những học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 hiện nay đã cơ bản tiêm được 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 nên về cơ bản thì sau kỳ nghỉ Tết trở lại trường học trực tiếp là điều hợp lý, nhất là những tỉnh đang là “vùng xanh”.
Đặc biệt là những học sinh lớp 9 và lớp 12 thì các em sẽ phải trải qua những kỳ thi quan trọng như thi Tuyển sinh 10, thi Tốt nghiệp phổ thông và tham gia thi, xét tuyển đại học với rất nhiều phần việc quan trọng.
Bên cạnh học sinh lớp 9 và lớp 12 thì học sinh các khối lớp khác cũng rất mong mỏi được đến trường bởi các em đã ở nhà quá lâu rồi. Nhiều địa phương ở phía Nam đã dừng việc học trực tiếp tại trường từ đầu tháng 5/2021 khi mà dịch bệnh lần thứ tư bùng phát cho đến nay.
Vì thế, khi các địa phương có kế hoạch trở lại trường sau Tết Nguyên đán để học trực tiếp đang khiến cho thầy trò ở các nhà trường háo hức chờ đợi.
Hy vọng, mùa Xuân sẽ có nhiều điều an lành, tốt đẹp và những học sinh lại được tung tăng cắp sách đến trường chứ không phải ngồi mãi trước màn hình máy tính như mấy tháng vừa qua.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.