Trên đây là tâm sự của học sinh Lê Thị Thùy Dương, học sinh lớp 12D4, Trường phổ thông Nguyễn Tất Thành – Tp. Hà Nội, trước thông tin tỉ lệ lựa chọn môn Lịch sử trong kì thi tốt nghiệp THPT rất ít, thậm chí có trường tỉ lệ này còn là 0%.
LTS: Sau khi đăng tải thông tin về ngôi trường đầu tiên không có học sinh chọn Lịch sử là môn thi tự chọn trong kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, cả đồng cảm và những phản ứng về thông tin trên.
Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài những lời tâm sự rất mộc mạc và chân thật này:
Với tất cả những thay đổi của cơ chế thi tốt nghiệp THPT gần đây thì chắc hẳn các bạn hiểu "Lịch sử" mà tôi nhắc đến ở đây là gì rồi chứ? Vâng, đó chính là môn học mà các bạn vốn cho là khô khan, khó nhằn và học vô ích đấy. Sự công bằng dành cho nó cũng là sự công bằng cho rất nhiều điều mà tôi muốn nói tới sau đây...
Lê Thị Thùy Dương chụp cùng cô giáo của mình. Ảnh tác giả cung cấp. |
Tôi - một học sinh lớp 12 chọn khối thi đại học chính của mình là khối C (Văn, Sử, Địa). Hơn ai hết, tôi hiểu cái khối ấy nó "dễ" đến mức nào. Người ngoài nhìn vào, họ bảo tôi rằng "học dốt, học ngu mới thi khối C. Vì chỉ cần học thuộc sách giáo khoa là đỗ hết...".
Vâng, vậy cho tôi hỏi: Vì sao cả nước này các thí sinh không chọn hết khối C để người người nhà nhà cùng đỗ đại học? hay vì sợ bị người khác nói là ngu là dốt? Xin lỗi, suy nghĩ của các bạn thật là âm u quá trời.
Với môn Văn, Địa thì tôi tạm gác nó lại 1 bên, vì ít ra người ta còn quan tâm đến nó. Riêng với bộ môn Lịch sử thì khác, họ đối xử với nó chẳng đáng một chút nào...
Còn nhớ, từ năm 2013 trở về trước, khi kì thi tốt nghiệp THPT với 6 môn thi do Bộ Giáo dục – Đào tạo chọn, mỗi khi có môn Lịch sử, đúng là có quá nhiều học sinh đã gặp vấn đề với nó.
Và đương nhiên sau đó, các bạn sẽ đổ hết lỗi lầm lên đầu nó rồi, sẽ là nó khó, nó làm hại các bạn. Âu cũng chỉ là do cách bạn tiếp xúc với nó mà thôi. Hai năm theo học đội tuyển học sinh giỏi môn Sử của trường, tôi thấy Lịch sử không hề đáng sợ khi bạn biết cách học và vứt đi cái lười bên mình.
Học sinh khắp nơi cầu trời khấn phật cho thi tốt nghiệp không vào cái môn "trời đáng thánh vật" ấy như trong suy nghĩ của các bạn. Năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo quyết định chuyển sang thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc (Văn, Toán) và hai môn tự chọn từ các môn khác, thì kết quả thật đáng ngạc nhiên và quá thất vọng khi số lượng học sinh chọn thi Lịch sử.
Đúng như nhiều người dự đoán, khi nhiều trường THPT công bố tỉ lệ học sinh đăng kí thi tốt nghiệp thì môn Lịch sử đếm trên đầu nón tay, thậm chí Trường THPT Lương Thế Vinh là 0%. May ra con số này chỉ lên được 20 – 30% khi ta đến với các trường THPT có lớp chuyên Sử.
Nói là thất vọng, ngạc nhiên nhưng khi nhìn lại tất cả thì thấy đây là điều sớm muộn cũng phải xảy ra thôi mà. Ngay tại chính ngôi trường Nguyễn Tất Thành tôi đang theo học cũng vậy.
Tôi là 1 trong số 3 người duy nhất của lớp học có sĩ số 48 học sinh chọn môn Sử làm môn thi tốt nghiệp. Biết tôi lựa chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp, mọi người đều nói tôi chọn cho đỡ mất công ôn thi đại học, nếu không thì chỉ có “đồ điên”.
Muốn lên tiếng, đòi hai chữ “công bằng” cho môn Lịch sử mà không biết phải nói sao cho họ hiểu, nói sao cho đẹp lòng tất cả.
Tôi không thể hiểu nổi khi mà học sinh ở nhiều trường THPT không lựa chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử (tức là tỉ lệ môn Lịch sử ở nhiều trường THPT xuống còn 0%) thì nó sẽ là sự thất bại của nền giáo dục hay sẽ là sự hồi sinh mới của Lịch sử như thầy Nguyễn Quốc Vương mong đợi đây? Khi tôi viết những dòng chữ này, có nghĩa tôi đang đòi công bằng cho chính tôi và những thí sinh bị coi là "đồ điên" đó.
Mới hôm qua thôi, trong chuyến đi thăm Đền Hùng cùng tập thể lớp. Khi anh hướng dẫn viên du lịch hỏi về lịch sử của nhà nước Văn Lang và Âu Lạc đã không có một ai trong lớp tô trả lời đúng.
Với tôi, cảm giác ấy thật là bứt rứt và chạnh lòng, chỉ mong sao lúc ấy kiến thức lịch sử của mình có thể rộng hơn một chút. Nhưng sự quan trọng của lịch sử còn được thấy rõ hơn khi mà anh hướng dẫn viên ấy nói sai và mình có thể phản kháng, giải thích lại (nhờ kiến thức lịch sử của mình học được từ thầy, cô giáo).
Hình ảnh mô phỏng chiến thắng vang dội Bạch Đằng năm 938 trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam. (Hình minh họa). |
Đã có lần tôi tự hỏi, nếu như sau này, giặc ngoại xâm có đánh Việt Nam, chúng nó dụ dỗ lôi kéo, nói rằng Việt Nam không có lịch sử của mình, thì tôi sẽ mang 4.000 năm lịch sử ra mà đập vào mắt chúng, chứ không đến nỗi biến mình thành kẻ hèn hạ... Còn các bạn khi không có kiến thức lịch sử sẽ làm gì trong trường hợp ấy? Tôi đang muốn đòi sự công bằng cho chính 4.000 lịch sử của dân tộc này đấy!
Và trong khi các bạn ngồi đó, chê bai ngán ngẩm môn Lịch sử thì có biết bao nhiêu giáo viên, nhà nghiên cứu sử học đang tận tâm nghiên cứu và giảng dạy cho các thế hệ học trò biết bao điều hay vê dân tộc mình, với mục đích cho các thế hệ sau hiểu hơn về cội nguồn của chính mình.
Các thầy, cô dạy môn Lịch sử cần phải được đáp trả xứng đáng hơn là bị nhiều người trong xã hội chà đạp lên công sức lao động của mình... Tôi cũng muốn họ được đền đáp thực sự...
Mới chiều ngày hôm qua (3/3/2014), một buổi chiều trong giờ ra chơi chỉ có 30 phút ngắn ngủi nhưng tôi cũng học thêm được bao điều từ thầy giáo – Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng (thầy dạy môn Lịch sử ở lớp tôi).
Khi Thầy phân tích cho tôi nghe những lí do mà học sinh ở nhiều trường phổ thông từ chối chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử. Thầy cũng dạy tôi cách tiếp cận nó sao cho thật an toàn.
Thầy bảo "nói không sợ môn Lịch sử là sai lầm lớn, nhưng sợ không có nghĩa là tránh xa, mà sợ là để chinh phục nó cho hết sợ mới thôi”. Và còn biết bao nhiêu điều thú vị, càng nghe càng thấy sợ và đúng là càng sợ lại càng muốn dấn thân hơn.
Thầy truyền cho tôi biết bao cảm hứng mà bỗng dưng trong những giây phút thoáng qua, tôi lại có suy nghĩ "hay là thi sư phạm Lịch sử nhỉ ? "....
Bản thân tôi không phải là người giỏi môn Lịch sử , mà ban đầu chỉ là niềm yêu thích nho nhỏ thôi. Nhưng cái nho nhỏ ấy cũng đủ khiến tôi muốn lấy lại cho nó hai chữ CÔNG BẰNG... Tôi chưa đủ trưởng thành để nhìn nhận toàn bộ mọi khía cạnh của vấn đề, cũng không biết rõ đúng sai, không chỉ ra được điều cần nói sao cho hợp lí.
Chỉ là những suy nghĩ chợt đến của bản thân khi ngày ngày chứng kiến sự bất công cứ liên tiếp đập vào mắt. Mong muốn của tôi dẫu biết sẽ khó mà thành sự thật, nhưng mong muốn nó “free” mà, vậy nên là cứ muốn và mong thôi.