Tiếp tục câu chuyện về “thần đồng” 15 tháng tuổi đi chưa vững đã biết đọc chữ, sau kỳ trước với phương pháp giáo dục con của mẹ “thần đồng”, các chuyên gia giáo dục và chuyên gia tâm lý nói gì về hiện tượng này? Mời độc giả cùng theo dõi tiếp trong kỳ này.
Gia đình là trường học đầu tiên, cha mẹ là người thầy đầu tiên
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam về trường hợp của bé Tuệ Nhi, PGS.TS Mai Văn Hưng – Giám đốc Trung tâm Nhân học và Phát triển trí tuệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết:
“Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ và cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của trẻ. Với trường hợp của bé Tuệ Nhi, thứ nhất, bé đã được học rất sớm từ khi mới 2 tháng tuổi trong giai đoạn này não con người đang phát triển rất nhanh vì thế việc thu nhận thông tin khá dễ dàng. Thứ 2, Tuệ Nhi có thể thuộc nhóm người có trị tuệ thông minh ngôn ngữ (theo phân loại của Howard Gardner) phát triển hơn những trẻ cùng trang lứa.
Trường hợp bé Tuệ Nhi 15 tháng tuổi biết đọc chữ cần phải được nghiên cứu kĩ hơn trước khi có kết luận là "thần đồng" . Ảnh Hồng Nhung |
Kết hợp cả 2 yếu tố này Tuệ Nhi trở nên đứa trẻ có khả năng nhận biết và ghi nhớ các kí tự ngôn ngữ được học đồng thời có khả năng logic hóa các kí tự ngôn ngữ trong nhận thức nên bé có khả năng “tự nhiên bé đọc được” các chữ chưa được dạy. Vì thế trường hợp Tuệ Nhi cần phải được nghiên cứu kĩ hơn trước khi có kết luận là “thần đồng”, tuy nhiên chỉ riêng việc bé có những khả năng đặc biệt kể trên cũng là một vấn đề rất đáng để nghiên cứu về trí tuệ ngôn ngữ và logic”.
Nói thêm về
mà chị Thảo đã chia sẻ trong kỳ trước, PGS.TS Mai Văn Hưng cho biết: “Đây là Phương án 0 tuổi của giáo sư người Trung Quốc Phùng Đức Toàn, một phương pháp giáo dục trẻ từ sớm, trong đó 1 trong các nguyên tắc giáo dục cơ bản là giáo dục sớm ở gia đình.
Tuy nhiên những nghiên cứu của Phùng Đức Toàn về “thai giáo” mới chỉ là những mô tả và khái quát các trường hợp cụ thể chứ chưa bàn đến cơ chế vận hành của “bộ máy học” một cách chuyên sâu nên còn đang gây nhiều tranh cãi và chưa được chứng minh về mặt khoa học, do đó nguyên nhân Tuệ Nhi “biết đọc” không hẳn là do “thai giáo” của mẹ bé giải thích.
Trong thực tế, ngoài những đứa trẻ “thần đồng” thực sự cũng có nhiều trẻ có khả năng tự nhận thức, tự họ rất cao cùng với trí tuệ ngôn ngữ phát triển sớm nên cũng có những khả năng đặc biệt như Tuệ Nhi mà không cần đến phương pháp “thai giáo” nào của cha mẹ, điều này đã được tổ chức Mensa của thế giới ghi nhận”.
Không tạo áp lực cho trẻ "đặc biệt"
Với những trẻ có khả năng đặc biệt như Tuệ Nhi, liệu có cần định hướng giáo dục hoặc có những trường học chuyên biệt cho trẻ này được học tập và phát triển khả năng sau này, PGS.TS Mai Văn Hưng cho rằng:
“Việc để cho trẻ phát triển bình thường là rất quan trọng bởi con người sống theo đời sống xã hội, trong đó mối quan hệ tương tác giữa các cá thể với nhau là rất cần thiết, nếu cá nhân có những biểu hiện vượt trội trong một lĩnh vực nào đó mà bị tách khỏi cộng đồng sẽ có thể phát triển theo thiên hướng cá nhân mà giảm đi khả năng thích ứng với cộng đồng.
Mục tiêu thiên niên kỉ của UNESCO đã khẳng định “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để trở thành chính mình”, học để chung sống là không thể thiếu đối với bất cứ con người nào sống trong đời sống xã hội.
Bởi thế với trẻ được giáo dục sớm hoặc có khả năng đặc biệt biết đọc, biết viết sớm, chúng ta không nên có định hướng giáo dục hoặc mở trường học riêng biệt để trẻ học tập và phát triển hết khả năng cho đến khi trẻ tương đối hoàn thiện về cấu trúc và chức năng của não bộ (ít nhất là hết lứa tuổi mầm non). Nên cho trẻ “đặc biệt” học chung với trẻ bình thường giúp các bé hòa nhập và đặc biệt không tạo áp lực trở thành “sao” quá sớm có thể gây thui chột tài năng bẩm sinh”.
Chuyên gia tâm lý PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cũng chung quan điểm khi cho rằng: “Với những trẻ có biểu hiện hiện vượt hơn các bạn cùng tuổi thì vẫn là một đứa trẻ còn trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Bất kỳ một sự tác động quá mức hay bất thường về mong đợi của người lớn lên trẻ sẽ là sự kỳ vọng quá đáng và nguy cơ trẻ bị áp lực, căng thẳng là hoàn toàn có thể xảy ra. Trẻ có thể cảm nhận cuộc sống với những suy nghĩ tiêu cực…"
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết thêm, trẻ vẫn cần được sống trong một môi trường an toàn, sống trong vòng tay nhân ái của che mẹ, vẫn cần được chia sẻ, an ủi, vỗ về… Cha mẹ cần đồng hành cùng trẻ có khả năng vượt trội để con phát triển đúng hướng, giữ mãi sự ngây thơ, phù hợp với lứa tuổi, không nên cuồng vọng về con.
Cha mẹ cần bình tĩnh để con phát triển toàn diện thay vì tập trung khai thác quá mức khả năng của con, chú ý đặc điểm lứa tuổi của con, nên cho trẻ trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh thay vì cứ hướng trẻ theo thế mạnh của trẻ. Điều này sẽ làm cho trẻ không huyễn hoặc về mình, không bị áp lực hay không quá chủ quan nhưng cũng không quá ỷ lại bản thân mình.
Khi cha mẹ phát hiện con phát triển sớm hay có dấu hiệu “khôn sớm” cần quan tâm nhiều đến sự bình thường về tính cách, ứng xử của trẻ, cũng cần nhanh chóng liên lạc với cơ quan có chuyên môn hay một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khả năng để có những đánh giá sơ bộ.