LTS: Phản ánh thực trạng loạn các cuộc thi trong trường học hiện nay, cô giáo Thuận Phương cho thấy những khoảng tối đằng sau các sân chơi mang danh tri thức.
Qua bài viết này, tác giả bày tỏ mong muốn các cuộc thi hình thức, gian dối cần nhanh chóng được loại bỏ để trả lại sự trong sạch cho môi trường giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Học sinh các trường học hiện nay đang bội thực với nhiều cuộc thi kiến thức trên mạng.
Những đứa trẻ non nớt, ngây thơ chưa kịp học được gì để nâng cao kiến thức cho mình lại trở thành nạn nhân trong vòng xoáy thành tích mà chính nhà trường, chính thầy cô là những thủ phạm dẫn dắt các em.
Sau áp lực của mỗi cuộc thi chưa vội mừng vì những tuyên bố chấm dứt, tạm ngưng lại bắt đầu đón chào một cuộc thi khác với tên gọi khác nhưng xét về tính chất, cách thức thi, cách tổ chức và mục đích đằng sau của mỗi cuộc thi ấy vẫn hoàn toàn giống nhau.
Học sinh phải tham gia nhiều cuộc thi trên mạng. (Ảnh minh họa trên ictnews/Báo điện tử Infonet) |
Cuộc thi ViOlympic Toán, Anh văn, Vật lý của hai cấp Tiểu học và Trung học cơ sở
Khi lần đầu tiên xuất hiện kì thi ViOlympic Toán, Anh văn, Vật lý trên mạng đã thu hút được sự tham gia của đông đảo học sinh các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo:
“Việc học trò có những sân chơi trí tuệ như ViOlympic là một trong rất nhiều thay đổi của giáo dục Việt Nam theo hướng tiếp cận năng lực người học, giảm áp lực bài vở cho học sinh.
Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, giờ đây học sinh không chỉ gói gọn việc học, làm bài trên sách vở.
Thông qua các thiết bị di động cả gia đình có thể cùng chia sẻ kiến thức và giúp mọi người gắn bó tình cảm”.[1]
Thế nhưng trong thực tế hoàn toàn không được lạc quan như thế.
Giáo viên trên trường đôi khi bỏ tiết, bỏ giờ ở lớp để chăm lo cho một số học sinh trong đội tuyển thì phụ huynh ở nhà cũng chẳng thể rảnh rang.
Một phụ huynh cho biết: “Đêm nào hai mẹ con “ôm” máy tính suốt buổi tối để luyện các vòng ViOlympic.
Mỗi vòng phải làm đi làm lại nhiều lần trên nhiều nick khác nhau để đi thi đạt được kết quả tốt nhất”. [2]
Có nhiều phụ huynh không thể kèm con nên đành đưa các em vào lò luyện.
Những đứa trẻ sau một ngày học miệt mài trên trường lại cắm cúi học ở lò luyện đến tận đêm khuya.
Có em đã luyện hàng chục cái nick nên nick đầu tiên có thể mất hàng tiếng mới xong thì sau vài chục lần làm đi làm lại có khi chỉ mất từ 5-10 phút là hoàn thành.
Dư luận bắt đầu phản ứng những khuất tất, những áp lực xung quanh cuộc thi.
Ông Thành cũng cho biết, trong năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạm dừng tổ chức các cuộc thi giải Toán, Tiếng Anh qua mạng để tiếp tục rà soát kỹ lưỡng.
“Các cuộc thi kiến thức như giải toán, tiếng Anh qua mạng những năm qua đã đáp ứng được yêu cầu tăng cường vận dụng kiến thức được học từ các môn trong nhà trường.
Tuy nhiên, do đã được tổ chức khá nhiều năm nên cũng cần rà soát lại cả về nội dung lẫn phương thức tổ chức để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới”.
Phải chăng giảm cuộc thi này thay thế bằng một cuộc thi khác?
Cuộc cạnh tranh danh tiếng |
Mới có thông tin tạm dừng các cuộc thi Toán, tiếng Anh trên mạng chưa kịp mừng lại đón nhận thông tin “Tiếp tục tổ chức cuộc thi Chinh phục vũ môn”.
Trao đổi với phóng viên Báo Tiền Phong, anh Nguyễn Phú Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương cho biết, Ban tổ chức cuộc thi cảm ơn các phụ huynh, học sinh đã có những góp ý, phản ánh kịp thời.
Đây cũng là dịp để Ban tổ chức nhìn nhận lại cách thức tổ chức đúng với tinh thần mà Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Ban Chỉ đạo đề ra từ khi triển khai năm thứ I.
“Sau khi tạm dừng cuộc thi, Ban tổ chức đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát nghiên cứu các ý kiến góp ý, nghiêm túc tiếp thu những đóng góp tích cực từ các em học sinh, phụ huynh, chuyên gia giáo dục và các thầy cô giáo.
Qua đó, có những điều chỉnh như sửa đổi giao diện, bổ sung nội dung, làm phong phú thêm hệ thống câu hỏi đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh”, anh Trường nói.[3]
Trước đó, ngày 8/12, một phụ huynh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã gửi "tâm thư" tới Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, bày tỏ lo ngại về cuộc thi trực tuyến Chinh phục vũ môn đang tổ chức cho học sinh tham gia.
Trong thư phụ huynh cho biết, con mình học lớp 5 đã chơi game dành cho học sinh cấp 2. Đặc biệt, game này còn yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào.
"Học sinh tiểu học với thể chất và trí tuệ còn rất non nớt mà sớm bị cài đặt game online vào trí não (có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) thì sẽ có nhiều tác hại về lâu về dài", phụ huynh này nói và bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục "kịp thời chấn chỉnh để tôi có thể yên tâm khi gửi con đến trường".[4]
Cuộc thi Chinh phục vũ môn với hình thức game trực tuyến được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá "gây ra sự lo ngại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của học sinh".
Cùng với đó là cuộc thi “Trạng Nguyên Tiếng Việt”.
Để học sinh tham gia thi và có đủ kiến thức “đem chuông đi đánh xứ người”, nhiều trường học đã thành lập đội tuyển luyện như luyện “gà nòi” từ việc luyện viết, ôn luyện các kiến thức tổng hợp ở các môn học gây không ít áp lực cho học sinh.
Học đã khổ khi đi thi càng vất vả, cực nhọc không kém.
Hình thức thi của Trạng Nguyên Tiếng Việt được tổ chức như kiểu thi Đình ngày xưa.
Học sinh nhiều trường còn trang bị cả áo mũ, cân đai gây không ít sự tốn kém.
Đằng sau những vầng hào quang lấp lánh
Nếu như những năm đầu tiên, các trường học đăng kí cho học sinh tham dự các cuộc thi cũng chỉ xem đây như một sân chơi tri thức để giúp những học sinh giỏi được tiếp cận với những dạng toán hay, những bài toán khó, những mẫu câu điển hình, những từ ngữ tiếng Việt phong phú…
Từ đó, sẽ góp phần nâng cao trình độ cho những học sinh có năng khiếu.
Thì những năm sau đó, nhiều trường học bắt đầu cạnh tranh nhau danh tiếng, trường nào cũng muốn học sinh tham dự đông để đạt kết quả nhiều nhằm báo cáo thành tích, phô trương danh hiệu.
Để đạt được điều này, ban giám hiệu các trường đã đưa vào tiêu chí thi đua phải có nhiều học sinh đạt giải trong các cuộc thi kiến thức.
Thế là các lớp ra sức vét học sinh đưa vào đội tuyển.
Cái gì đã đẩy giáo viên, học sinh lao như thiêu thân vào vòng xoáy Violympic? |
Do năng lực nhiều em có hạn nên cả thầy và trò đều phải nỗ lực hết mình không loại trừ cả việc phải dùng đến những “thủ thuật”, bí quyết…
Đáp ứng nhu cầu ôn luyện của học sinh, nhiều trung tâm ôn luyện toán ViOlympic ra đời.
Học sinh bắt đầu miệt mài với các buổi học thêm, các buổi ôn luyện mà quên đi việc học kiến thức ở trường.
Có lẽ cực nhất phải kể đến thời gian gần ngày thi, cả thầy và trò cùng tăng tốc.
Các em đến trường được miễn luôn việc học chỉ xuống phòng máy luyện thi.
Nhưng toán khó buộc phải có thầy cô bên cạnh nên thầy cô cũng được quyền bỏ lớp để đi.
Mục tiêu cần phải đạt là có giải mang về nên thầy và trò vô cùng áp lực.
Sân chơi tri thức đã bị biến tướng, tạo áp lực không cần thiết cho học sinh, bị lệch hướng thành một nơi tìm kiếm các giải cấp huyện, thị, tỉnh, và quốc gia để phục vụ việc xét tuyển vào trường chuyên, lớp chọn thực tế đang diễn ra.
Không ít thầy cô nôn nóng học sinh có giải nên lợi dụng sơ hở trong việc tổ chức thi của ban tổ chức cuộc thi ViOlympic.
Không ít trường tìm cách gian lận đề thi bằng cách tải đề thi xuống để ôn luyện trước cho các em.
Nhiều em trúng tủ vào làm một đề chỉ khoảng dăm phút. Giai đoạn này nhiều trường loạn ViOlympic.
Mục tiêu của cuộc thi trên mạng như công bố của Ban Tổ chức là nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường phổ thông, tạo sân chơi trực tuyến để các em có điều kiện giao lưu học hỏi đã không đạt được.
Cuộc thi đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực bởi sức ép quá nặng về thành tích.
Cần chấm dứt những cuộc thi kiểu này
Các cuộc thi đã đánh mất đi ý nghĩa thật sự mà thay vào đó là những ganh đua vì áp lực thành tích.
Trước thực trạng ấy, có phụ huynh đã thốt lên “Hãy để con cái chúng tôi toàn tâm toàn trí học kiến thức từ những giáo viên đào tạo bài bản, những nhà giáo dục uyên bác trong môi trường học đường lành mạnh.
Đừng vì việc kiếm được nguồn lợi khai thác qua cuộc thi trực tuyến mà làm biến những đứa trẻ lao vào guồng máy ganh đua”.
Qua thực tế cho thấy, học sinh chẳng học được nhiều kiến thức trong mỗi cuộc thi như thế này nếu không muốn nói các em lại lây nhiễm căn bệnh thành tích từ chính các thầy cô giáo.
Bởi thế, giải pháp tối ưu nhất lúc này là Bộ Giáo dục cần hủy bỏ các cuộc thi như thế trong trường học.
Nghiêm cấm các trường lấy kết quả của những cuộc thi này xét thi đua giáo viên và xét vào trường điểm cho học sinh.
Có như thế, phong trào đánh bóng tên tuổi của nhiều trường học mới mong chấm dứt.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/kien-thuc-day-hoc-sinh-sap-xep-chua-hop-ly-238945.html
[2] http://infonet.vn/thi-violympic-dang-bi-bien-tuong-nhu-the-nao-post217267.info
[3] https://www.tienphong.vn/gioi-tre/tiep-tuc-to-chuc-cuoc-thi-chinh-phuc-vu-mon-1134270.tpo