Các ngành khoa học sự sống khó tuyển sinh: Đây là nỗi lo cho tương lai

07/01/2022 06:42
Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều này không chỉ dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sự sống nói chung.

Từng nghiên cứu và đào tạo về khoa học sự sống hơn 20 năm qua, từng đi khảo sát ở nhiều nơi trong cả nước, từng quản lí đào tạo và tư vấn tuyển sinh, từng tham gia các đoàn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo ở một số trường đại học, cũng từng tiếp xúc, phỏng vấn nhiều bên liên quan, đặc biệt là các nhà tuyển dụng… tôi nhận thấy rằng:

Nhu cầu nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của các ngành về khoa học sự sống (như sinh học, công nghệ sinh học, nông lâm, thủy sản, bảo tồn thiên nhiên…) là rất lớn, lương hậu hĩnh, thu nhập cao. Nhưng tuyển sinh các ngành này rất khó trong nhiều năm qua. Khó không phải do uy tín hay chất lượng đào tạo, mà là do tâm lí người học và phụ huynh là chính. Câu trả lời hầu hết được cho là “không sang trọng” chứ không phải là do vất vả hay thu nhập.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Từng tiếp xúc, hợp tác với nhiều người, nhiều đối tác trong lĩnh vực khoa học sự sống, tôi có một nhận xét là: Đa phần những người thành đạt trong lĩnh vực này đều là những người thực sự đam mê và yêu nghề. Trong số đó, có nhiều người từng bỏ các nghề “sang trọng” để về làm việc cho ngành khoa học sự sống.

Đặc biệt, phần lớn những người đó đều cảm thấy hạnh phúc vì có được đóng góp, được cống hiến cho người, cho đời… vì những giá trị thiêng liêng của ngành khoa học sự sống.

Tiếc thay, rất nhiều em khi còn học phổ thông, tham gia các cuộc thi Khoa học kĩ thuật, với phần nhiều các đề tài liên quan đến khoa học sự sống, khi được phỏng vấn, hầu hết các em đều trả lời rất hay về ý nghĩa của đề tài, giá trị của nghiên cứu cũng như hướng triển vọng phát triển. Vậy mà khi quyết định chọn ngành dự tuyển vào đại học thì cũng ít khi lựa chọn…

Ngược lại, cũng qua các đợt khảo sát tại các trường đại học trong những năm qua, nhìn chung tỉ lệ bỏ học cũng không ít với lí do là “chọn nhầm” ngành học.

Ở một khía cạnh khác, có nhiều em học các ngành không liên quan gì đến khoa học sự sống tìm học và tham gia các hoạt động nghiên cứu về khoa học sự sống… Trải nghiệm và hợp tác đa ngành đã bắt đầu xuất hiện và đã có những dự án hợp tác tốt. Trong khi có rất nhiều anh chị học các ngành hấp dẫn nhưng ra trường không theo với nghề được đào tạo mà tìm về “sống chậm” với nghề nông truyền thống.

Trải qua mấy đợt dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua, có cơ hội tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, hầu hết mọi người có quan điểm rằng, nhu cầu thiết yếu của con người không phải là tài sản quý giá hoặc những chuyến du lịch sang trọng, hay những bữa tiệc xa xỉ, mà chỉ là những bữa ăn an toàn, đảm bảo khoẻ mạnh và cảm giác thư thái, an nhiên.

Trong những ngày giãn cách xã hội, có rất nhiều lĩnh vực điêu đứng, nhưng với lĩnh vực khoa học sự sống như nông lâm thuỷ sản, y sinh, công nghệ sinh học,.. vẫn tăng trưởng tốt.

Xu hướng của thế kỉ XXI, vẫn là những kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu phức tạp, khó lường với nhiều thách thức lớn cho loài người. Đó là các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, dịch bệnh… Do vậy, “sống chậm” có thể là xu thế của nhiều người; chỉ số hạnh phúc sẽ là tiêu chí lựa chọn?!

Điều đó cũng có nghĩa là hướng đến sự phát triển bền vững thay cho “sống vội” nhằm tăng trưởng nhanh bằng mọi giá. Tất nhiên là, để đạt được những điều trên, con người cần phải sống thuận thiên, tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng lịch sử, tôn trọng quyền con người cũng như tôn trọng thế hệ tương lai. Đó cũng chính là văn hoá ứng xử của con người.

Để đạt được trình độ văn hoá ấy, các ngành học liên quan đến khoa học sự sống, hội cần phải được quan tâm đúng nghĩa. Quan tâm phát triển khoa học sự sống phải xuất phát từ chính sách vĩ mô, đến tiếp cận giáo dục ở phổ thông, tới đổi mới mô hình đào tạo ở bậc đại học, để định hướng nghề nghiệp, định hướng việc làm, định hướng lựa chọn các giá trị xã hội…

Lựa chọn sai ngành nghề để học tập đã là một lãng phí cho cá nhân, gia đình và xã hội. Để giải quyết vấn đề này rất cần nhiều bên liên quan, nhưng trước mắt phải từ những người nghiên cứu và đào tạo. Để người học, xã hội quan tâm, thầy cô ở các ngành này cần đầu tư nghiên cứu, đóng góp thực sự cho xã hội. Từ đó lan toả các giá trị, tạo động lực thu hút người học cũng như hỗ trợ khởi nghiệp, tăng trưởng kinh tế xanh…

Đối với Việt Nam – một đất nước có nhiều tiềm năng cho sự phát triển các ngành nông – lâm – thuỷ sản; y – dược, bảo tồn thiên nhiên,… nếu đầu tư thích đáng và có sự quan tâm thực sự từ nhiều phía sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ sự sống nói chung…

Phát triển các ngành khoa học sự sống sẽ tạo động lực cho phát triển bền vững. Người học và nghiên cứu về khoa học sự sống sẽ góp phần phát triển bền vững nhưng cũng đồng thời có cơ hội chiêm nghiệm được những giá trị thiên nhiên, để sống và sống tốt hơn.

Ngược lại, nếu như cứ để lụi dần các ngành khoa học sự sống. Tuyển sinh khó, nhiều ngành đào tạo bỏ và nguồn nhân lực chất lượng cao khan hiếm; các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực này ngày một mất dần, thì đó chính là thách thức lớn cho tương lai. Không chỉ dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sự sống nói chung.

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)