Các quyền lợi và chế độ mà nhà trường và giáo viên hợp đồng nên biết

09/12/2022 06:35
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu đơn vị giao kết hợp đồng lao động đối với giáo viên có thời hạn từ 1 tháng trở lên thì phải tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho giáo viên.

Do tình trạng thiếu nhiều giáo viên nên hiện nay vẫn còn tình trạng giáo viên hợp đồng không chính thức (không phải viên chức), có giáo viên hợp đồng lâu năm nhưng được hưởng chế độ rất thấp.

Nhiều giáo viên hợp đồng mong sớm được thành viên chức - Ảnh minh họa L.C

Nhiều giáo viên hợp đồng mong sớm được thành viên chức - Ảnh minh họa L.C

Trong bài viết hôm nay, xin được nêu những quyền lợi và chế độ của những giáo viên hợp đồng chưa là viên chức.

Khái niệm về giáo viên hợp đồng không chính thức

Người viết tạm gọi là giáo viên hợp đồng không chính thức, vì từ 01/7/2020 đến nay không còn khái niệm giáo viên biên chế, giáo viên vẫn phải hợp đồng xác định thời hạn từ 12-60 tháng, trừ một số trường hợp đặc biệt như: viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Có thể hiểu, giáo viên hợp đồng là giáo viên chưa được tuyển dụng chính thức, các trường học khi thiếu giáo viên chưa tuyển được giáo viên chính thức sẽ tiến hành tuyển dụng nhân viên hợp đồng.

Đây cũng chính là yếu tố tạm thời nên giáo viên hợp đồng sẽ không được hưởng phúc lợi, chế độ hay mức lương giống như giáo viên biên chế hay chính thức.

Như vậy, giáo viên hợp đồng không phải là viên chức. Do đó, việc tính lương hay phụ cấp cho giáo viên hợp đồng có sự khác biệt nhất định.

Các trường hợp được ký hợp đồng với giáo viên dưới 12 tháng

Tại điểm a khoản 3 điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định không được ký hợp đồng lao động với các đối tượng sau:

Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với các đối tượng sau:

a) Những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên….

Đối với nhà trường là đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên hoặc đảm bảo một phần chi thường xuyên. Theo Công văn 5075/BNV-TCBC năm 2020 về thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP do Bộ Nội vụ ban hành đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục vẫn có thể ký hợp đồng lao động đối với giáo viên.

Việc ký kết hợp đồng lao động chỉ được xảy ra khi trường thiếu hụt giáo viên do nghỉ thai sản, thôi việc, nghỉ hưu,... dẫn đến không đáp ứng đủ số lượng giáo viên giảng dạy thì đơn vị được ký hợp đồng lao động đối với giáo viên và thời hạn của hợp đồng dưới 12 tháng.

Có thể thấy, với những trường hợp nêu trên thì các trường công lập được ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng với giáo viên.

Quy định về lương của giáo viên hợp đồng

Giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng có chức năng giống nhau đều thực hiện công tác giảng dạy; sinh hoạt chuyên môn, chịu trách nhiệm giảng dạy đảm bảo chất lượng…nhưng chế độ lương khác nhau.

Do chỉ là giáo viên, không phải viên chức nên lương giáo viên được tính theo hợp đồng, thỏa thuận theo quy định của Bộ Luật Lao động và các văn bản hiện hành.

Theo cách tính ở đây ta có thể thấy lương của giáo viên hợp đồng hiện nay là áp dụng mức lương cơ bản theo quy định của Bộ Luật lao động, không áp dụng mức lương theo quy định của cán bộ, công chức, viên chức.

Căn cứ khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019mục 5 Công văn 5075/BNV-TCBC năm 2020 của Bộ Nội vụ mức lương được trả cho người lao động không được thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Mức lương tối thiểu vùng sẽ do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Giáo viên hợp đồng nâng lương theo hợp đồng, thỏa thuận

Hiện nay, nếu giáo viên được tuyển dụng chính thức được hưởng lương theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định, cụ thể là được xếp lương theo chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT và các văn bản của Chính phủ.

Theo khoản 1, Điều 1 của Thông tư số 08/2013/TT-BNV hướng dẫn chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thì giáo viên hợp đồng không chính thức không thuộc đối tượng phạm vi điều chỉnh được nâng bậc lương thường xuyên ngoài cán bộ, công chức, viên chức.

Giáo viên hợp đồng không chính thức sẽ không được áp dụng quy định về thang bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, mức lương, thời hạn nâng lương được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên trên cơ sở tuân thủ pháp luật về lao động.

Giáo viên hợp đồng có được hưởng phụ cấp ưu đãi, thâm niên?

Vì giáo viên hợp đồng không chính thức, không phải viên chức, không thuộc biên chế trả lương của đơn vị nên không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC và cũng không được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định 77/2021/NĐ-CP.

Giáo viên hợp đồng có được đóng bảo hiểm xã hội?

Căn cứ Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

"Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; ..."

Theo quy định trên, nếu đơn vị giao kết hợp đồng lao động đối với giáo viên có thời hạn từ 1 tháng trở lên thì phải tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho giáo viên.

Giáo viên và nhà trường sẽ cùng đóng bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ được quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Tóm lại, giáo viên hợp đồng không là viên chức chỉ được hưởng lương, nâng lương theo hợp đồng, thỏa thuận, không được hưởng các chế độ của viên chức như các khoản phụ cấp, trợ cấp.

Rất mong sắp tới những giáo viên hợp đồng này sớm được trở thành viên chức để yên tâm công tác, cống hiến.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam