Vào năm học mới, nhiều GV mầm non ở TP Thanh Hóa vẫn thấp thỏm chuyện hợp đồng

14/09/2022 06:35
TRẦN PHƯƠNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học mới đã bắt đầu nhưng các giáo viên mầm non trong diện hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ở thành phố Thanh Hóa vẫn chưa rõ tương lai.

Sau gần 2 tháng có phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về các giáo viên mầm non trong diện thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ tại thành phố Thanh Hóa vẫn chưa thể yên tâm công tác.

Trong đó nhiều giáo viên mới chỉ được thông báo bằng miệng và chưa được ký kết hợp đồng, một số trường gọi giáo viên đến ký hợp đồng từng tháng một và các cô tự đóng bảo hiểm.

Trước đó, các giáo viên này được hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP từ tháng 10/2021 đến 31/12/2021, giáo viên được nhận mức lương khoảng 3,7 triệu đồng (sau khi trừ bảo hiểm số tiền thực nhận khoảng 3,3 triệu đồng).

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2022 đến tháng 6/2022, các giáo viên này không thấy được ký hợp đồng mới cũng như không được nhận lương cho những tháng làm việc này.

Cực chẳng đã, các giáo viên đã gửi ý kiến phản ánh gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan. Sau khi rà soát, thành phố Thanh Hóa đã có phương án xử lý cụ thể.

Theo đó, trước mắt ngân sách thành phố sẽ tiến hành hỗ trợ mỗi cô giáo là 2,7 triệu đồng, mức còn lại do nhà trường chi trả từ nguồn thu chi thường xuyên.

Thế nhưng đã vào năm học mới được 1 tuần, một số giáo viên phản ánh, họ mới nhận được 2,7 triệu đồng tiền hỗ trợ còn số tiền nhà trường chi trả vẫn chưa biết khi nào được nhận.

Nhiều giáo viên cho biết họ phải tự đóng bảo hiểm theo mức lương 3,7 triệu đông, số tiền bảo hiểm này được trừ từ tiền hỗ trợ 2,7 triệu đồng đang nhận. Như vậy, thực nhận hàng tháng của mỗi giáo viên chỉ khoảng 1,6 triệu đồng.

Đến giờ, đã có nhiều giáo viên đã phải nghỉ việc vì thu nhập thấp và không tiếp tục hi vọng vào hợp đồng sẽ được ký.

Còn đối với những giáo viên đang đi làm, họ chưa biết chế độ của mình sẽ được giải quyết như thế nào:

“Bây giờ chúng tôi đi làm nhưng cũng chưa rõ chế độ của mình ra sao, hỏi thì vẫn bảo chờ”, một giáo viên chia sẻ.

Bên cạnh đó, có giáo viên được ký hợp đồng từng tháng một chia sẻ: “Chúng tôi đi làm từ tháng 1/2022 đến giờ phải ký 5 bản hợp đồng từng tháng một và phải tự đóng bảo hiểm. Những tháng nghỉ hè không dạy nên chúng tôi cũng không có thu nhập. Lương đã thấp nay phải tự đóng bảo hiểm khiến lương chúng tôi nhận chẳng còn được bao nhiêu”.

Ngày 9/9, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với bà Phạm Thị Việt Nga – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa để có thêm thông tin khách quan.

Bà Nga cho biết, sẽ cho phòng Nội vụ thành phố Thanh Hóa rà soát cụ thể và thông tin lại với tòa soạn sau.

Dù đã bước vào năm học mới nhưng nhiều cô giáo mầm non trong diện hợp đồng theo Nghị quyết số 102/NQ-CP vẫn chưa biết tương lai ra sao. Ảnh minh họa: LC

Dù đã bước vào năm học mới nhưng nhiều cô giáo mầm non trong diện hợp đồng theo Nghị quyết số 102/NQ-CP vẫn chưa biết tương lai ra sao. Ảnh minh họa: LC

Trước đó, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, tháng 7/2022, tòa soạn nhận được phản ánh của giáo viên mầm non hợp đồng tại thành phố Thanh Hóa cho biết, hàng chục người đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì nhiều tháng nay họ không nhận được bất cứ thông báo về việc có được tiếp tục tái kí hợp đồng làm tiếp hay không?

Sau phản ánh, ngày 19/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có văn bản số 1888/BC-SGDĐT gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung tòa soạn đã đưa trong bài viết : “Thanh Hóa: Giáo viên mầm non rơi cảnh "tiến thoái lưỡng nan", mòn mỏi chờ ký hợp đồng”.

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nhấn mạnh, phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là có cơ sở.

Cũng theo văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến:

1) Đồng ý để UBND thành phố Thanh Hóa tiếp tục được thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ đối với 65 hợp đồng lao động làm giáo viên mầm non còn lại, thời hạn hợp đồng lao động kể từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2022.

2) Đối với 22 Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, gồm: Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Hoằng Hóa, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống, Yên Định, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thành phố Sầm Sơn, Thành phố Thanh Hóa: Được chuyển 408 lao động hợp đồng làm giáo viên Tiếng Anh, giáo viên mầm non theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ sang thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ (dưới 12 tháng). Thời hạn hợp đồng lao động làm giáo viên kể từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022.

Theo văn bản trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, đến thời điểm gửi văn bản ra tòa soạn, số giáo viên mầm non có nguyện vọng tiếp tục công tác đã ký hợp đồng lao động và chi trả tiền lương theo quy định; đội ngũ giáo viên ổn định, yên tâm công tác trong các nhà trường.

Cũng theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, hiện nay với tỉnh Thanh Hóa, số lượng giáo viên trong biên chế còn thiếu nhiều (hơn 6.000) so với nhu cầu biên chế tính theo định mức quy định của tỉnh và thiếu rất nhiều (hơn 10.000) so với quy định của các bộ/ngành.

Nhu cầu hợp đồng lao động làm giáo viên tại các cơ sở giáo dục là lớn, trong khi ngân sách địa phương chi cho sự nghiệp giáo dục để thực hiện hợp đồng lao động còn hạn chế.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo các sở/ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố trong việc khắc phục khó khăn, dành mọi nguồn lực phục vụ sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.

TRẦN PHƯƠNG