Các trường ở Huế sẽ có Ban chỉ đạo phòng chống bạo lực học đường

23/09/2022 06:57
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo Sở Giáo dục đã phải họp khẩn với các phòng, ban liên quan để chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường tái diễn ngày từ đầu năm học.

Ngày 22/9, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở vừa ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bạo lực học đường ngay từ đầu năm học 2022 - 2023.

Vụ việc nữ sinh đánh bạn chảy máu đầu vừa mới xảy ra tại Trường trung học cơ sở Lộc Thủy. Ảnh cắt từ clip.

Vụ việc nữ sinh đánh bạn chảy máu đầu vừa mới xảy ra tại Trường trung học cơ sở Lộc Thủy. Ảnh cắt từ clip.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đánh nhau sau đó quay clip tung lên mạng xã hội (3 vụ việc liên tiếp trong vòng một tháng qua) khiến dư luận bức xúc, phụ huynh lo lắng.

Mới đây nhất là vụ việc xảy ra ngày 14/9 tại Trường trung học cơ sở Lộc Thủy (huyện Phú Lộc). Theo đó, do mâu thuẫn trong việc nhờ mua nước uống, một nữ sinh lớp 8/4 của trường này đã dùng gậy đánh chảy máu đầu một bạn nữ học cùng lớp. Nạn nhân đã được đưa đến bệnh viện để thăm khám và chăm sóc sức khỏe.

Trước thực trạng trên, ngày 19/9, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã có cuộc họp khẩn với các phòng, ban liên quan thuộc Sở như: Giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp và Chính trị, tư tưởng - Công tác học sinh, Giáo dục Phổ thông, Thanh tra Sở… để có giải pháp chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường.

Theo đó, mặc dù trong thời gian qua Sở đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp như: ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề phòng chống bạo lực học đường, tổ chức tập huấn đội ngũ, tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, chính quyền địa phương…

Nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, nhất là các vụ việc xảy ra vào đầu năm học 2022 - 2023 với đối tượng chủ yếu là các học sinh nữ cấp trung học cơ sở.

Tại phiên họp này, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu phòng ngừa. Công tác nhận định tình hình chưa nhanh nhạy, việc nắm bắt thông tin, dư luận trong học sinh chưa kịp thời, vụ việc còn chậm được phát hiện, khiến những mâu thuẫn giữa học sinh với học sinh không được can thiệp, can ngăn giải quyết.

Đồng thời, do ý thức của người học, đạo đức, lối sống, tâm lí của các em bị nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng, các em thiếu kĩ năng kiểm soát cảm xúc. Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ công tác quản lí của nhà trường và gia đình, xã hội thiếu sự quan tâm thường xuyên…

Ông Đoàn Minh Thắng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh rằng, việc tăng cường giải pháp chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường là hết sức cần kíp.

Do đó, Sở đề nghị các phòng chức năng liên quan sớm tham mưu chỉ đạo, định hướng các giải pháp, theo dõi, nắm thông tin tình hình, cách xử lí các vụ việc để có hướng chỉ đạo xử lí dứt điểm, có biện pháp đủ mạnh để giáo dục học sinh vi phạm và răn đe, phòng ngừa các hành vi bạo lực tái diễn đối với học sinh.

Ông Tân cho hay, tại cuộc họp này, đã yêu cầu các cơ sở giáo dục thành lập ngay Ban phòng chống bạo lực học đường tại đơn vị do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm Trưởng ban và các thành viên là các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp. Ngoài ra, Ban này còn mời công an địa phương, đại diện cha mẹ học sinh làm thành viên.

Yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai phòng chống bạo lực học đường; phân công rõ trách nhiệm của các thành viên để việc thực hiện hiệu quả.

Nâng cao trách nhiệm giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh. Quan tâm các em học sinh yếu thế, học sinh chưa ngoan để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp.

Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường bảo đảm công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của cơ sở giáo dục/Trung tâm (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát, trang mạng xã hội...) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường.

Thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện để tư vấn và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong trường học.

AN NGUYÊN