LTS: Là một người nghiên cứu về giáo dục, tác giả Đất Việt bày tỏ quan điểm của mình về việc tranh luận trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, các giả đặt vấn đề tìm cách giải quyết cách làm sao để việc tranh luận mang lại hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự đổi mới của ngành giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong hơn năm qua, những chính sách giáo dục về nhiều mảng, từ cải cách giáo dục phổ thông, thi trắc nghiệm, bỏ điểm sàn đại học, tự chủ đại học, đến quy định về đào tạo tiến sĩ, quy trình công nhận giáo sư, chiến lược cách mạng công nghệ 4.0 trong giáo dục, đã được bàn luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam.
Đây là một tiến bộ rất đáng ghi nhận trong giáo dục và trong hệ thống xã hội dân chủ.
Mặc dù hiệu quả của những thông tin và tranh luận mở trên báo chí còn nhiều hạn chế khi chưa có những tác động tích cực để thay đổi quan điểm của cơ quan quản lý.
Tranh luận. (Ảnh: ClipartFest) |
Trong bài này, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ sau khi có thời gian quan sát về quá trình tranh luận và đóng góp ý kiến công khai trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Từ đó, nhằm đưa ra một số đề xuất về khả năng tăng cường hiệu quả cho những tranh luận và đóng góp ý kiến với cơ quan nhà nước, về những quy định và chính sách giáo dục.
Nếu xét dưới góc nhìn về lịch sử và văn hóa dân tộc, tôi nghĩ dân Việt chúng ta không phải là những người thích lý luận, tranh luận hay đưa ra ý kiến riêng nhằm phản biện hay góp ý trực tiếp vào các vấn đề nổi cộm về chính sách, chiến lược hay kể cả là văn bản pháp quy của nhà nước.
Cứ nhìn qua các câu dân gian hay nói, ví dụ như:
Một sự nhịn, chín sự lành
Im lặng là vàng
Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư
Miệng nhà quan có gang có thép
Bảy mươi nghe lời bảy mốt…
Hầu hết, văn hóa nhấn mạnh đến sự nhẫn nhịn, hòa hợp, tránh chỉ trích, tránh đối đầu với cơ quan hay lãnh đạo, và văn hóa này được xây dựng bền vững từ trong gia đình ra đến xã hội.
Theo đó, trong nhà con cái phải lắng nghe và tôn trọng, tuân thủ ý kiến của cha mẹ, ra đường, nhân viên phải tuân thủ và thực thi các ý kiến chỉ đạo của cấp trên… và như thế, việc góp ý kiến, hay tranh luận có tính xây dựng, dựa trên những luận điểm và cơ sở khoa học không có nhiều.
Chúng ta đều dễ bị cảm xúc cuốn đi theo những dòng suy nghĩ, những ý kiến đâu đó tung ra qua các phương tiện truyền thông, mà cuối cùng, hệ quả là không có gì thu hoạch được gì sau một thời gian tranh cãi, bình luận ỏm tỏi ở các kênh truyền thông.
Điều này khá thú vị, vì nhìn dưới góc độ cộng đồng, chúng ta dường như chưa khác với thế hệ cụ kỵ xa xa của Việt Nam, vì rất nhiều ý kiến hay quy định trong xã hội hiện nay vẫn đang là một chiều, từ cấp quản lý và lãnh đạo, chứ chưa tạo dựng được một thể chế cho phép nhiều đối tượng, đặc biệt là đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm hay chính sách đó, đưa ra quan điểm và tác động tích cực vào những quy định đang điều chỉnh chính mình.
Xin được lấy một ví dụ gần đây nhất trong lĩnh vực giáo dục là Thông tư về đào tạo tiến sĩ vừa được ban hành.
Đào tạo tiến sĩ sau năm 2017 còn nhiều bất cập. (Ảnh: Vietnamnet.vn) |
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vừa đăng tải bài viết của một nhà nghiên cứu ở một đại học lớn của Việt Nam, về 4 nghịch lý trong đào tạo tiến sĩ mà theo Bộ Giáo dục và Đào tạo lại là 4 điểm đột phá chính [1].
Một văn bản pháp quy mới được ban hành, sau hơn nửa năm tranh luận, khi ra đời, đã được nhận định là “nghịch lý” có lẽ khá thú vị để nghiên cứu. Theo tác giả bài viết, 4 nghịch lý trong đào tạo tiến sĩ này là:
- Trình độ Anh văn đầu vào dự tuyển của nghiên cứu sinh
- Điều kiện trước khi bảo vệ luận án Tiến sĩ
- Tiêu chuẩn hướng dẫn nghiên cứu sinh
- Thành viên Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ
Tất cả những vấn đề này đều đã được bàn đến từ nhiều năm nay. Mặc dù hầu hết các bài viết, của những giáo sư, nhà quản lý hay từ các nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài, góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng không rõ lý do tại sao, Bộ vẫn ra văn bản phản ánh chính xác những gì “bị” phản đối nhất.
Từ nay, người phản biện luận án tiến sĩ phải có ít nhất 1 bài báo quốc tế |
Với kinh nghiệm cá nhân, tôi tin là Bộ Giáo dục và Đào tạo có những lý do của mình khi quyết định không điều chỉnh những quy định mà đã được các nhà khoa học và quản lý, những ý kiến, đóng góp từ xã hội cho văn bản của mình. Đấy là dưới góc độ của cơ quan nhà nước.
Vậy, với những người là nhà khoa học, nhà quản lý trực tiếp tham gia vào đào tạo và cấp bằng tiến sĩ, các học viên tiến sĩ tương lai, họ nghĩ sao, khi những ý kiến đóng góp của mình hầu như không được ghi nhận và điều chỉnh, dù đấy là những đóng góp khá thiết thực và từ kinh nghiệm trực tiếp với hoạt động đào tạo?
Chúng ta có cần phải xem xét lại cách thức đóng góp ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo hay với bất kỳ cơ quan nhà nước nào, trong quá trình xây dựng chính sách, văn bản điều chỉnh ngay chính cuộc sống của chúng ta, nhằm đảm bảo tiếng nói của chúng ta phải được ghi nhận, phải có hiệu quả hơn không?
Cá nhân tôi tin là có.
Đào tạo tiến sĩ là một hoạt động giáo dục bậc cao, nhằm tạo ra những con người tri thức có khả năng tạo ra những “giá trị” mới trong kho tàng tri thức của Việt Nam và nhân loại.
Đào tạo tiến sĩ đóng góp năng lực trực tiếp giúp thúc đẩy khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội Việt Nam hội nhập với thế giới, tạo ra nền tảng những con người khoa học để có thể giảng dạy mang tính cập nhật với tri thức toàn cầu, mà nay khi đưa ra quy định về đào tạo, lại được chính những nhà khoa học Việt Nam đánh giá là “nghịch lý” và không có tác dụng giúp cho chất lượng tiến sĩ “made in Vietnam” khá hơn lên.
Có lẽ nào do những ý kiến đóng góp từ giới khoa học và xã hội đã rơi vào “vùng trũng”, đến nỗi không hề có tiếng vọng lại là “được ghi nhận”? Hay chúng ta đã góp ý mà chưa đúng phương pháp nên không có ai nghe?
Theo lối tư duy “tự trách mình, trước khi trách người”, tôi ngẫm nghĩ mãi về việc, có cách nào, chúng ta, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, cộng đồng nghiên cứu và học thuật Việt Nam, các học viên tiến sĩ, có thể đóng góp ý kiến cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, sao cho Bộ có thể lắng nghe?
Từ kinh nghiệm của các nước, nhất là từ Mỹ, tôi thấy có một quy trình chúng ta có thể cân nhắc:
1. Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý tưởng về một đề án, hay văn bản mới, hãy tham gia, hãy chủ động và tích cực tham gia với Bộ về việc đề án này, văn bản này nhằm đạt mục tiêu gì.
Thậm chí, chính chúng ta có thể là người đề xuất các chính sách hay văn bản mới, nhằm giải quyết những vấn nạn trong giáo dục hoặc để giúp cho giáo dục đi theo hướng tốt hơn lên, tích cực với môi trường dạy và học, hay hội nhập với nước ngoài trong nền tảng và nguồn lực của Việt Nam, và dựa trên những nghiên cứu và cơ sở khoa học mà chính chúng ta đang phải thực hiện.
2. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn xây dựng đề án, hay văn bản, hãy là người tham gia vào viết đề án.
Một trong những vấn nạn về chính sách giáo dục Việt Nam không đi cùng với thực tiễn, theo nhiều người bình, là do “chính sách trong phòng lạnh” [2].
Từ 2013, Văn phòng Chính phủ đã phải “kêu” lên về chất lượng các văn bản pháp quy hay chính sách do các cơ quan nhà nước trình lên không có hoặc có rất ít khả năng thực thi, dẫn đến việc phải rút lại, thay thế hoặc hủy bỏ hiệu lực, đặc biệt nổi bật là các văn bản từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà nguyên nhân là do “không sát với thực tế, chưa nói có những quy định không đúng với pháp luật”.
Trong bối cảnh thực tế này, việc các nhà khoa học và cộng đồng học thuật trực tiếp tham gia vào viết đề án hay văn bản pháp quy có lẽ sẽ hạn chế được đôi phần những “lỗi” không đáng có, và hạn chế thiệt hại cho toàn xã hội, đặc biệt cho nhà trường và các đối tượng như giáo viên, học viên.
3. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo và lấy ý kiến xã hội như một phần của công đoạn làm văn bản, các nhà khoa học và cộng đồng học thuật hãy dũng cảm chỉ rõ những nghịch lý, bất cập, đặc biệt từ tư duy làm văn bản cho đến những “ảo tưởng” thành tích, nhằm giúp chặn những đề án, mà rõ ràng là vẽ ra để lấy tiền dự án, không hề có bất kỳ lợi ích nào cho học thuật cả.
Những bài viết về sách giáo khoa hàng chục nghìn tỷ, mới qua vài năm, lại thay đổi và lại có đề án hàng chục nghìn tỷ khác thay thế…
Rõ ràng là tất cả chúng ta, mọi người trong xã hội Việt Nam đang được dùng như một “công cụ”, vừa đóng thuế để có ngân sách làm cải cách giáo dục, vừa phải có trách nhiệm trả nợ vay nước ngoài khi tiền dành cho cải cách giáo dục là nguồn vay ODA hay Ngân hàng thế giới, rồi chính con em chúng ta lại phải gánh chịu hệ quả của những cải cách “nửa dơi nửa chuột”… để rồi, học xong ra là thất nghiệp, là không đủ kiến thức cơ bản, là không có kỹ năng lao động…
Vậy, chúng ta là người phải có trách nhiệm lên tiếng, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng “chuột bạch” thí điểm, cải cách, đổi mới mà kéo dài hết năm này qua năm khác, chỉ để cho một vài người lấy thành tích và ngân sách ra tiêu.
4. Khi đóng góp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về bất kỳ đề án hay văn bản nào, hãy nỗ lực đưa ra đề xuất từ những hiểu biết và kinh nghiệm, nhưng hãy cố gắng dựa trên nền tảng của khoa học đã được kiểm chứng.
Không ai dám nói áp dụng một mô hình A vào giáo dục sẽ là tốt, là hoàn hảo toàn bộ, nhưng ít nhất, mô hình A ấy đã được nghiên cứu, đánh giá và được triển khai thành công ở đâu đó rồi, để Việt Nam có thể nghiên cứu ứng dụng vào giáo dục Việt Nam.
Lấy ví dụ, gần đây, khi nói đến cải cách hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam, một số ý kiến nêu ra việc cần nhập khẩu sách giáo khoa của nước ngoài, nhằm đảm bảo sách giáo khoa có nội dung chuẩn quốc tế và học sinh có thể học được ngay tiếng Anh từ sách giáo khoa.
Đây được coi là một đề xuất, nhưng nó dựa trên cơ sở nào? Cơ sở đó đã có thực tiễn ở Việt Nam chưa? Có thành công không, ở thực tiễn Việt Nam?
Nói đến nhập khẩu sách giáo khoa, hay ứng dụng mô hình giáo dục Singapore vào Việt Nam làm ví dụ, tôi xin thưa ngay 2 thực tế mà ai cũng có thể kiểm chứng:
(i) Sách tiếng Anh đã được nhập vào Việt Nam từ những năm 1990, vậy tại sao tiếng Anh trong giáo dục Việt Nam, cho các thế hệ từ những năm 90 đến nay, đa phần học sinh vẫn không hề học tiếng Anh tốt lên?
(ii) Giáo dục của Singapore rất hay và đạt được tiêu chuẩn cao trong hệ thống giáo dục quốc tế. Nhưng có ai đã thử đến phỏng vấn cha mẹ và học sinh đang học trường quốc tế Singapore ở Việt Nam chưa?
Có ai thử google các vấn đề mang tên trường Singapore, nhưng nội dung chương trình có bao nhiêu phần trăm Singapore, có giáo viên nào được công nhận đạt chất lượng giáo viên của Bộ Giáo dục Singapore?
Nghiên cứu sinh chỉ ra 7 điều trong dự thảo đào tạo tiến sĩ chưa hợp lý |
Học ra, bằng tốt nghiệp cấp 1, cấp 2 hay cấp 3 có được công nhận ở Singapore hay không?
Trường Singapore ở Việt Nam có được bất kỳ tổ chức kiểm định trường hay chương trình chứng nhận không?
Hãy cứ điểm qua một lượt tất cả các trường quốc tế ở Việt Nam, từ quốc tế Mỹ, Úc, Anh, Singapore, Nhật hay gì đi nữa, hãy hỏi có bao nhiêu trường quốc tế ở Việt Nam hiện nay, học sinh khi tốt nghiệp, bằng được công nhận và xét thẳng vào đại học ở chính các nước đấy?
Vậy, đề xuất nhập khẩu sách giáo khoa, hay nhập khẩu chương trình học về Việt Nam là đề xuất hay, nhưng thiếu vắng các nghiên cứu và đánh giá từ góc độ khoa học, từ thực tiễn, mà phần nhiều, đáng ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi đề xuất ra đề án cải cách giáo dục.
Theo quan điểm cá nhân, việc buộc các cơ quan nhà nước (với giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo) phải có các nghiên cứu và có phản biện khoa học độc lập bởi các bên thứ 3, trong các đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước, có lẽ là một biện pháp hữu hiệu nhất để giảm bớt tình trạng “vẽ” dự án lấy tiền ngân sách ra làm thí điểm hay cải cách.
Không một ai có lợi từ những dự án “vẽ” kiểu này, trừ một số rất ít, mà có lẽ, với trách nhiệm của giới khoa học và học thuật, chúng ta nên loại trừ những hoạt động “nghịch lý” trong giáo dục kiểu này.
Cuối cùng, tôi mong là tất cả chúng ta, những ai còn quan tâm, còn thấy mình cần có trách nhiệm với giáo dục và các đề án giáo dục Việt Nam, xin hãy chủ động, tập trung chia sẻ tri thức và đóng góp ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hãy lưu ý một thực tế là mọi ý kiến đóng góp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phải được gửi đến Bộ qua địa chỉ mà Bộ chỉ định.
Việc chúng ta nêu các ý kiến này khác trên báo chí, có lẽ không ai nghe thấu, nên mới dẫn đến thực tế của “nghịch lý đào tạo tiến sĩ, văn bằng càng cao, yêu cầu và chất lượng càng thấp” như văn bản vừa ban hành.
Tôi cũng mong là có ai đó lãnh đạo ngành giáo dục có thể dựa vào những đề xuất trên, mà tự tìm ra quy trình lắng nghe tiếng nói từ cộng động khoa học và học thuật, lấy những cá nhân xuất sắc trong các mảng nghiên cứu tham gia vào các đề án cải cách của mình, và hãy tự xác định một tầm nhìn mới cho giáo dục Việt, “Giáo dục cho một tương lai mới của Việt Nam”.
Tài liệu tham khảo:
[2] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/nhung-chinh-sach-trong-phong-may-lanh-113084.html