LTS: Đặt ra câu hỏi liệu "Thông tư 16 có thành “cái khiên của lạm thu”?, thầy giáo Sơn Quang Huyến đã có bài viết chia sẻ cùng quý vị độc giả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Thông tư 16 ra đời tuýt còi lạm thu, buộc các địa phương phải chờ hướng dẫn mới thực hiện thu “tài trợ giáo dục” đầu năm, không ít trường phải trả lại tiền đã “lỡ thu”.
Nhiều phụ huynh phấn khởi khi mình trở thành “nhà tài trợ” của nhà trường sau khi thông tư ra đời.
Tài trợ là việc hỗ trợ cho sự kiện, hoạt động, con người hoặc một tổ chức về tài chính hoặc qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ.
Nhà tài trợ là một cá nhân hoặc một nhóm cung cấp sự hỗ trợ giống như là việc làm từ thiện. Tuy nhiên “nhà tài trợ bất đắc dĩ” phụ huynh, học sinh không phải là làm từ thiện, mà đóng góp theo yêu cầu của nhà trường.
Vậy ta phải tìm rõ bản chất của lạm thu trong trường học?
Các khoản thu trong trường học không đúng quy định của nhà nước được gọi là lạm thu. Sau khi Thông tư 16 ra đời, hiệu trưởng muốn thu phải lập kế hoạch trình lên cấp trên để Phòng, Sở giáo dục xét duyệt, đồng ý bằng văn bản.
Việc làm kế hoạch để “được thu” là không khó với các hiệu trưởng, chưa nói có sự bật đèn xanh của cấp trên. Như vậy, các khoản thu trong nhà trường trở nên hợp pháp, không còn là lạm thu nữa.
Các khoản thu được theo dõi, quyết toán đúng quy định. Vậy là, “lạm thu” hoàn toàn biến mất. Thế nhưng, phụ huynh học sinh vẫn cứ phải đóng các khoản tiền mà mình không mong muốn, trở thành “nhà tài trợ bất đắc dĩ”.
Vậy hiệu trưởng “lạm thu” có lợi lộc gì mà vẫn lạm thu, đi tù cũng không sợ?
Bản chất của vấn đề, phải nói cả cụm từ “lạm thu - lạm chi”. Lạm thu để lạm chi, thực chi thì ít mà báo cáo chi thì nhiều, báo cáo chi lớn hơn thực chi nên gọi là “lạm chi”.
Nếu lạm thu không lạm chi, không có chênh lệch thu - chi chảy vào túi mình, chả hiệu trưởng nào lạm thu cả.
Như vậy, Thông tư 16 ra đời đã “hợp pháp hóa” toàn bộ các danh mục mà hiệu trưởng muốn thu. Kế hoạch thu đã được cấp trên duyệt, ai hỏi thì đưa ra, giấy trắng mực đen, mộc son chốt đỏ.
Quy trình tiếp theo của lạm thu lại “lối cũ ta về”, có đầy đủ “phiếu đỏ”, hợp đồng, những thứ dễ kiếm hơn cả mua rau ngoài chợ, chênh lệch thu - chi lại về túi “chín gang”.
Thông tư 16 có thành “cái khiên của lạm thu”? (Ảnh minh họa: vtc.vn). |
Nói cách khác, Thông tư 16 giờ đây vô tình trở thành “cái khiên của lạm thu”. Có lạm thu hay không phụ thuộc hoàn toàn vào chữ tâm của hiệu trưởng.
Để đảm bảo Thông tư 16 đúng nghĩa của tài trợ giáo dục, khi lập kế hoạch kêu gọi tài trợ, hiệu trưởng phải thông báo tài khoản tiếp nhận tài trợ, ai muốn làm từ thiện hay tài trợ thì đóng góp vào tài khoản này. Nếu tiếp nhận tiền mặt, cũng phải nộp kho bạc, ngân hàng, vào tài khoản đó.
Phụ huynh học sinh đóng góp cũng qua tài khoản này. Ai có điều kiện thì đóng góp, tuyệt đối không bắt buộc, cào bằng, không nhắc nhở phụ huynh học sinh chưa đóng góp.
Việc sử dụng, chi tiền tài trợ phải công khai minh bạch. Nếu mua sắm, xây dựng phải công khai đấu thầu, có giám sát của các cá nhân, tổ chức tài trợ.
Nghiệm thu công trình… từ nguồn tài trợ, không chỉ có hiệu trưởng đơn phương quyết định; hội đồng nghiệm thu phải bao gồm các nhà tài trợ Vàng, Bạc, Đồng cùng các cơ quan chức trách khác.
Muốn chống lạm thu, phải chống lạm chi, không có lạm chi xảy ra tự nhiên lạm thu biến mất.
Chống lạm thu và lạm chi không thể tách rời, có vậy mới đưa bình yên đến với phụ huynh học sinh đầu năm học mới; lấy lại niềm tin của phụ huynh, học sinh với nhà trường, với giáo dục, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.