Cái mới của đề tham khảo môn Ngữ văn năm 2021, không chú ý sẽ mất điểm

11/04/2021 06:45
Bài, ảnh: Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề tham khảo môn Ngữ văn năm 2021 có một số điểm mới so với đề thi chính thức năm 2020, nếu không chú ý thí sinh sẽ bị mất điểm.

Ngày 31/3 và 1/4/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề tham khảo 9 môn của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, trong đó có môn Ngữ văn – môn thi tự luận duy nhất trong 5 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Tổ hợp Khoa học tự nhiên và Tổ hợp Khoa học xã hội).

Riêng môn Ngữ văn, đề tham khảo năm nay có một số điểm mới so với đề thi chính thức năm 2020, học sinh cần lưu ý để ôn tập cho tốt.

Đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020

Đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020

Đề thi tham khảo Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021

Đề thi tham khảo Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021

Điểm giống nhau

Cấu trúc của đề tham khảo năm 2021 giống với cấu trúc của đề thi chính thức năm 2020 - đó là đề thi gồm có 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn.

Phần Đọc hiểu, ngữ liệu cho một đoạn thơ hoặc văn xuôi có dung lượng vừa phải. Sau đó, thí sinh trả lời 4 câu hỏi nhỏ được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp (3 điểm).

Phần Làm văn có 2 câu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học (5 điểm). Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày một khía cạnh của vấn đề được tích hợp ở phần Đọc hiểu (2 điềm).

Câu nghị luận văn học cho sẵn ngữ liệu là một đoạn thơ hoặc một đoạn văn xuôi và yêu cầu thí sinh cảm nhận, phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn trích (5 điểm).

Điểm khác nhau

Thứ nhất, phần Đọc hiểu: Câu 4 (vận dụng thấp) của đề thi chính thức năm 2020 hỏi thí sinh có đồng tình với nhận định của tác giả về một nội dung nào đó hay không.

Với câu hỏi này, thí sinh có thể đồng tình, đồng tình một phần hoặc không đồng tình và lí giải sao cho hợp lí, thuyết phục là đạt yêu cầu.

Còn đề thi tham khảo năm 2021 yêu cầu thí sinh nhận xét về tình cảm của tác giả về nội dung của văn bản. Như thế, cách hỏi rộng hơn, khó hơn, cho nên thí sinh phải đọc kĩ văn bản, hiểu rõ nội dung thì mới có thể lấy trọn vẹn 01 điểm cho phần này.

Thứ hai, phần Làm văn: Câu nghị luận xã hội của đề thi chính thức năm 2020 thiên về một vấn đề tư tưởng, đạo lí (trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày).

Đề tham khảo năm 2021 cũng bàn về một vấn đề tư tưởng đạo lí (trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách), nhưng đề có yếu tố thời sự, là những vấn đề gần gũi, thiết thực, nhân văn có tính giáo dục.

Câu nghị luận văn học của đề thi chính thức chỉ đơn thuần yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn thơ cho sẵn. Còn đề tham khảo, ngoài việc yêu cầu thí sinh phân tích một đoạn văn xuôi cho sẵn còn có thêm ý phụ, mang tính phân hóa (phân tích hình tượng sông Hương trong một trích đoạn cho sẵn, từ đó nhận xét về tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Định hướng ôn tập

Thứ nhất, phần Đọc hiểu: Học sinh cần ôn lại các thể thơ đã học, như thể thơ tự do, lục bát, năm chữ, bảy chữ... Nắm kĩ các đơn vị kiến thức về phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận…

Ngoài ra, học sinh cần luyện năng lực đọc hiểu nội dung, nghệ thuật của một văn bản bất kì và rút ra được thông điệp mà tác giả gửi gắm.

Thứ hai, phần Làm văn (nghị luận xã hội): Học sinh cần chú ý đến các vấn đề thời sự xã hội gần gũi, thiết thực, có tính nhân văn như sức mạnh tình người trong hoạn nạn, sự đồng cam cộng khổ trong cuộc sống.

Học sinh cần theo dõi các vấn đề thời sự trên truyền hình, báo chí như tình người trong dịch bệnh Covid-19, sự chia ngọt sẻ bùi trong cơn bão lũ miền Trung…

Riêng phần nghị luận văn học, học sinh cần nắm vững tác giả, phong cách nghệ thuật tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.

Các tác phẩm cần lưu ý: Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh); Tây Tiến (Quang Dũng); Việt Bắc (Tố Hữu); Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm); Sóng (Xuân Quỳnh); Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân); Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường); Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Vợ nhặt (Kim Lân); Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).

Bên cạnh đó, học sinh phải nắm vững các ý của câu phụ liên quan đến các tác phẩm sau đây:

- Tuyên ngôn độc lập: nhận xét những nét đặc sắc về nghệ thuật lập luận trong tác phẩm của Hồ Chí Minh.

- Tây Tiến: sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn; chất nhạc, chất họa trong thơ Quang Dũng.

- Việt Bắc: chất trữ tình chính trị; tính dân tộc; chất sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu.

- Đất Nước: chất chính luận và chất trữ tình; sự sáng tạo của Nguyễn Khoa Điềm trong việc sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian trong bài thơ.

- Sóng: vẻ đẹp vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành đắm thắm; tình yêu truyền thống và hiện đại trong thơ Xuân Quỳnh.

- Người lái đò Sông Đà: phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác; “chất vàng của thiên nhiên” và “thứ vàng mười đã qua thứ lửa” ở con người Tây Bắc trong tùy bút của Nguyễn Tuân.

- Ai đã đặt tên cho dòng sông?: tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

- Vợ chồng A Phủ: nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật; sức sống tiềm tàng mãnh liệt và khát vọng tự do trong tâm hồn người lao động qua tác phẩm của nhà văn Tô Hoài.

- Vợ nhặt: Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm; vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong nạn đói qua tác phẩm của nhà văn Kim Lân.

- Rừng xà nu: chất sử thi trong tác phẩm của Nguyễn Trung Thành.

- Chiếc thuyền ngoài xa: phong cách “tự sự - triết lí”; cảm hứng thế sự của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau 1975.

- Hồn Trương Ba, da hàng thịt: giá trị tư tưởng và nhân văn sâu sắc đặt ra từ vở kịch của Lưu Quang Vũ.

Bài, ảnh: Phan Thế Hoài