Cấm các trường chúc Tết cấp trên, chi bằng Bộ cấm lãnh đạo nhận quà

31/01/2021 06:34
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 20/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 209/BGDĐT-VP về việc tổ chức Tết năm 2021.

Điều 5 Công văn 209/BGDĐT-VP ghi rõ:

Thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết”.[1]

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo một số địa phương đã có văn bản quy định cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục trong địa phương “Không tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức”.

Cấm tặng quà Tết, sao không cấm lãnh đạo nhận quà Tết. (Tranh biếm họa của Satế trên Hoinhabaovietnam.vn)

Cấm tặng quà Tết, sao không cấm lãnh đạo nhận quà Tết. (Tranh biếm họa của Satế trên Hoinhabaovietnam.vn)

Ai tặng quà Tết cho lãnh đạo?

Lãnh đạo trong ngành giáo dục thường là: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; trưởng phòng, phó trưởng phòng; giám đốc sở, phó giám đốc sở...

Tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trường thường là giáo viên. Tặng quà Tết cho cấp phòng, thường là lãnh đạo trường.

Tặng quà Tết cho cấp sở, thường là lãnh đạo phòng, lãnh đạo trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên – dạy nghề trực thuộc sở.

Tặng quà Tết cho cấp Bộ thường là giám đốc đại học, học viện, viện; hiệu trưởng trường đại học; hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm trực thuộc; lãnh đạo các vụ - cục chức năng cũng như các sở giáo dục và đào tạo.

Tóm lại, cấp dưới "Tết" cấp trên là lãnh đạo những đơn vị trực thuộc.

Có thể thấy sơ đồ tặng quà giống như một sơ đồ bán hàng đa cấp, càng lên cao số lượng càng ít, càng ở vị trí lãnh đạo cao càng ít.

Nếu có văn bản “Cấm lãnh đạo nhận quà Tết dưới mọi hình thức” chắc chắn hiệu quả thực thi pháp luật sẽ dễ thực hiện hơn, vì số lượng lãnh đạo ít hơn người tặng quà, hiệu quả thực tế hơn, văn bản mới đi vào thực tế cuộc sống.

Người dân không thấy người vào phòng lãnh đạo, đến nhà lãnh đạo chúc Tết, tặng quà, là lãnh đạo đó thực thi pháp luật nghiêm túc. Lãnh đạo kiên quyết từ chối nhận quà tặng, thuộc cấp có nói khó cỡ nào cũng khó.

Mặt khác, lãnh đạo nhận quà Tết là vi phạm quy định của Đảng, nếu quà tặng là tiền/hiện vật có giá trị thì có thể xem đây là một hình thức hối lộ và nhận hối lộ, là vi phạm pháp luật, nên lãnh đạo sẽ coi người đến đến tặng quà cho mình là người đang đẩy họ vi phạm luật pháp, giá trị quà Tết chắc chắn không xứng đáng để họ vi phạm pháp luật. Ngoài ra, biết đâu kẻ tặng quà Tết đang quay clip làm bằng chứng, để đầu xuân tố cáo lãnh đạo?

Lãnh đạo cấp dưới không được nhận quà Tết, sẽ không phát sinh tâm lý phải tặng quà Tết cấp trên; lãnh đạo cấp trên không được nhận quà Tết sẽ giám sát, xử lý hành vi nhận quà Tết của cấp dưới nghiêm túc hơn.

Cơ chế giám sát đó sẽ làm cho lãnh đạo các cấp không muốn, không dám nhận quà, tặng quà Tết.

Không nhận quà Tết khi Đảng và Nhà nước đã có văn bản cấm tặng quà Tết, là thể hiện văn hóa, đẳng cấp, trình độ của người lãnh đạo so với cấp dưới của mình.

Lãnh đạo còn nhận quà Tết, biếu tặng quà Tết, là đang làm trái với chủ trương, quy định của Đảng, vi phạm pháp luật, nhưng tệ hại hơn đang chứng minh mình không xứng đáng là lãnh đạo trong ngành giáo dục, một ngành cần nêu gương trước tiên cho xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Van-hoa-Xa-hoi/Cong-van-209-BGDDT-VP-2021-to-chuc-Tet-463443.aspx

[2]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/so-gd-dt-tp-hcm-khong-tang-qua-tet-cho-lanh-dao-duoi-moi-hinh-thuc-20210111144418043.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai