Cảm ơn Bộ Giáo dục đã lắng nghe nhà giáo chúng tôi!

26/02/2022 06:40
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công văn 336/BGDĐT-NGCBQLGD như luồng gió mát giải tỏa nhiều băn khoăn, thắc mắc và bức xúc của nhiều giáo viên trong thời gian qua.

Ngày 27/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 336/BGDĐT-NGCBQLGD về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Kể từ thời điểm 01/7/2020, Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực thì chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo được nâng lên, ở bậc mầm non từ trung cấp lên cao đẳng, bậc tiểu học từ trung cấp lên đại học, bậc trung học cơ sở từ cao đẳng lên đại học khiến cho hàng ngàn giáo viên đang trong biên chế và hợp đồng từ đạt chuẩn, trên chuẩn thành không đạt chuẩn có khả năng mất việc khiến nhiều giáo viên tâm tư, ấm ức.

Những giáo viên trên không chỉ vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm, xếp lương mới mà còn gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng, tuyển dụng đặc cách, hợp đồng, thỉnh giảng,…

Nguy cơ mất việc, chấm dứt hợp đồng là rất cao nếu không có văn bản tháo gỡ từ các cấp lãnh đạo, chính quyền.

Rất may, lắng nghe được nhiều ý kiến từ cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 336/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo nhà giáo, hợp đồng lao động, bổ nhiệm lại với cán bộ quản lý có trình độ cử nhân quản lý giáo dục và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Ảnh minh họa, nguồn: GDVN.

Ảnh minh họa, nguồn: GDVN.

Có thể nói, Công văn 336/BGDĐT-NGCBQLGD như luồng gió mát giải tỏa nhiều băn khoăn, thắc mắc và bức xúc của nhiều giáo viên trong thời gian qua.

Công văn 336 cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo biết lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư của nhà giáo đồng thời tháo gỡ những vướng mắc do lịch sử để lại bằng các hành động cụ thể được giáo viên đồng tình hoan nghênh và biết ơn.

Xin được trích lược một số nội dung trong công văn liên quan đến tuyển dụng, hợp đồng giáo viên được giáo viên đồng tình hoan nghênh rất cao.

Có thể tuyển dụng đặc cách giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2005

Đây có thể là tin rất vui đối với những giáo viên hợp đồng công tác nhiều năm có trình độ đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2005 mà chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 có ước mơ trở thành giáo viên chính thức tại các trường mầm non, phổ thông.

Theo nội dung công văn có hướng dẫn cụ thể: “Những địa phương chưa thực hiện xong việc tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn tại Công văn số 5378 của Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành để bảo đảm quyền lợi của giáo viên có nhiều năm công tác.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương lưu ý: Thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2005 nhưng chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Sau khi tuyển dụng, các giáo viên được bố trí đào tạo theo lộ trình nâng trình độ chuẩn theo quy định.

Thực hiện tuyển dụng giáo viên có bằng cử nhân chuyên ngành (phù hợp với môn dạy) không thuộc ngành đào tạo giáo viên.

Đối với trường hợp này, giáo viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (một số nội dung về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được hướng dẫn tại mục 4 Công văn này).

Sau khi tuyển dụng, các địa phương áp dụng các quy định tại các văn bản hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương.”

Như vậy, đây là thông tin rất vui đối với nhiều giáo viên hợp đồng tại các trường đã đạt chuẩn Luật Giáo dục 2005 (có trình độ trung cấp trở lên đối với giáo viên tiểu học, mầm non; trình độ cao đẳng trở lên đối với giáo viên trung học cơ sở).

Nếu không có Công văn 336 thì sẽ có nhiều giáo viên trên là giỏi, công tác nhiều năm nhưng do không đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 sẽ mất việc, không được hợp đồng mới, không được tuyển dụng đặc cách.

Hàng ngàn giáo viên rơi vào trường hợp trên sau khi nhận được Công văn 336 đã mừng rơi nước mắt và vô cùng biết ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn kịp thời tháo gỡ vướng mắc của họ, ước mơ được trở thành giáo viên chính thức có thể trở thành sự thật.

Có thể hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019

Cũng theo Công văn 336 trên về việc tiếp tục hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng giáo viên có hướng dẫn như sau:

“Hiện nay, nhiều địa phương đang hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục 2005.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và bảo đảm quyền lợi cho giáo viên hiện đang hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, các địa phương xem xét tiếp tục hợp đồng, thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục 2005 đã ký hợp đồng trước ngày 1/7/2020.

Những giáo viên này được tham gia lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.”

Đây cũng là thông tin rất vui đối với giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục mới 2019 nhưng đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục 2005 được xem xét tiếp tục hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục và sẽ được tham gia lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP (miễn phí) để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Trong công văn còn có hướng dẫn về việc bổ nhiệm lại và bổ nhiệm, xếp luơng đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (không phải bằng cử nhân chuyên ngành đào tạo giáo viên) như cho phép bổ nhiệm lại đối với với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục (hiện nay đang vướng mắc).

Sau khi bổ nhiệm lại, cán bộ quản lý trường học phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ để đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Sau khi hoàn thành nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì thực hiện bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong công văn cũng có hướng dẫn về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cấp phổ thông.

Bộ Giáo dục có đề nghị và yêu cầu không yêu cầu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên đã tham gia giảng dạy có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm.

Chấp nhận các loại chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã cấp cho các giáo viên trước ngày 22/5/2021.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Công văn này như luồng gió mát, làm ấm lòng hàng ngàn giáo viên đang trĩu nặng tâm tư về khả năng mất việc, cắt hợp đồng sau Tết Nguyên đán 2022, cũng như tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc tuyển dụng, bố trí nhân sự do tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Qua bài viết, cũng xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc cho phép tuyển dụng đối với các cử nhân sư phạm ra trường trước đây đã đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2005 nhưng chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 chưa có việc làm để các em có cơ hội được trở thành giáo viên, được cống hiến và tiếp tục nâng cao trình độ theo Luật Giáo dục mới vừa tạo điều kiện cho các em có việc làm vừa giải quyết bài toán thiếu hụt giáo viên ở các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, xem xét việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên đang công tác chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới nhưng thời gian công tác còn ngắn và có nhiều thành tích để xếp lương họ phù hợp, tránh thiệt thòi cho những giáo viên sắp về hưu lại mang tiếng “chưa chuẩn”.

Tài liệu tham khảo: Công văn 336/BGDĐT-NGCBQLGD

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam