Trong bối cảnh nhu cầu về nhân lực y tế ngày càng tăng cao, cần kịp thời có đội ngũ đáp ứng, vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo khối ngành sức khỏe càng trở nên quan trọng. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2025), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi, ghi nhận những ý kiến, chia sẻ từ lãnh đạo một số trường cao đẳng y tế ở khu vực Bắc, Trung, Nam.
Chất lượng giảng dạy được đồng bộ với thực tế khi có bệnh viện trực thuộc trường
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình bày tỏ, theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27 tháng 2 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân đạt 25 người, đến năm 2030 đạt 33 người/vạn dân, đến năm 2050 đạt 90 người/vạn dân.
Năm 2024, tỷ lệ này ước tính đạt khoảng 18 điều dưỡng/10.000 dân. Với tỷ lệ và mục tiêu như vậy, nhu cầu đào tạo bổ sung điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên và dược sĩ trong nước là rất lớn. Ngoài ra, nhu cầu điều dưỡng cho xuất khẩu lao động cũng ngày càng tăng.
Với nhu cầu như trên, có thể thấy, vai trò của các trường đào tạo khối ngành sức khỏe, trong đó có các trường cao đẳng y tế là rất quan trọng. Chính vì vậy, các trường cần mở rộng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu tăng cường nhân lực y tế trong nước, xây dựng chương trình giảng dạy đạt chuẩn quốc tế, đào tạo kỹ năng ngôn ngữ, và hỗ trợ thực tập lâm sàng để giúp sinh viên có cơ hội làm việc tại nước ngoài.
Tại tỉnh Thái Bình, tỷ lệ điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh hiện tại 19 người/vạn dân. Với mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030 đạt 36 người/vạn dân, có thể thấy, nhu cầu đào tạo nhân lực y tế là rất lớn.

Đáng chú ý, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình còn là một trong số ít cơ sở có bệnh viện thực hành ngay tại trong trường.
Thầy Sơn thông tin, việc có Bệnh viện đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình trực thuộc giúp nhà trường có nhiều lợi thế đào tạo vượt trội so với các cơ sở không có bệnh viện. Cụ thể, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình được tiếp cận thực tế sớm, quan sát và thực hành ngay từ năm đầu tiên. Điều này giúp các em thành thạo kỹ năng lâm sàng và sẵn sàng làm việc ngay sau tốt nghiệp.
Hơn nữa, sinh viên sẽ không phải phụ thuộc nhiều vào bệnh viện khác ngoài nhà trường mà ngược lại sẽ chủ động trong đào tạo thực hành, đảm bảo chất lượng giảng dạy đồng bộ với thực tế điều trị.
Đặc biệt, các giảng viên do vừa giảng dạy, vừa thực hành lâm sàng nên sinh viên không chỉ nắm vững chuyên môn mà còn nắm được cả quy trình khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý bệnh viện. Môi trường chuyên nghiệp, kỷ luật cao, giúp sinh viên rèn luyện tác phong y đức và kỹ năng thực tế ngay trong quá trình học tập.
Có thể thấy, sự kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và thực hành lâm sàng ngay tại trường khi có bệnh viện trực thuộc như vậy giúp sinh viên tốt nghiệp có năng lực thực tế vượt trội, sẵn sàng gia nhập lực lượng y tế mà không cần đào tạo lại.
Cùng chia sẻ về tầm quan trọng của việc đào tạo đội ngũ nhân lực y tế trình độ trung cấp, cao đẳng, Bác sỹ chuyên khoa II Tô Kỳ Nam – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm (tỉnh Quảng Ngãi) bày tỏ, hiện nay việc đào tạo đội ngũ nhân lực y tế diễn ra tại nhiều cấp học, từ trung cấp, cao đẳng đến đại học, sau đại học. Tuy nhiên, theo những thống kê và yêu cầu về mục tiêu nhân lực của nước ta hiện tại, số lượng đội ngũ nhân lực y tế còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Trên thực tế, không giống với nhiều ngành nghề đào tạo khác, các ngành Y tế từ đào tạo cho đến tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đều rất “đặc biệt”. Để phát triển những trường đào tạo từ bậc đại học trở lên trên toàn quốc hiện nay không có nhiều. Việc mở rộng đào tạo đội ngũ y tế tại cơ sở giáo dục đại học cũng không phải đơn giản bởi ngành Y không thể đào tạo một cách đại trà vì đòi hỏi chất lượng đầu vào tương đối cao.
Hơn nữa, để đảm bảo cho cơ cấu hoạt động của y tế theo mục tiêu của nước ta hiện nay, cứ 1 bác sỹ phải có 3-5 điều dưỡng, kỹ thuật viên y. Những đội ngũ này chỉ cần có trình độ trung cấp, cao đẳng để đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt, họ không chỉ là những người thực hiện việc hỗ trợ, làm theo những y lệnh của bác sỹ mà còn là những người độc lập trong một số dịch vụ chăm sóc y tế nên đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nước ta lại đang thiếu trầm trọng đội ngũ này.
Trong khi đó, các trường cao đẳng y tế là những cơ sở chủ yếu đào tạo những nguồn nhân lực điều dưỡng, dược, hộ sinh, phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh, … Nhằm đáp ứng bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng như hiện nay, hiện Bộ Y tế đã ban hành nhiều đề án phát triển nguồn nhân lực. Qua đó góp phần nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo y tế, gia tăng thêm số lượng những cơ sở đào cho các vùng khó khăn.
Trong khi đó, theo thầy Lê Tấn Cường – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu, nghề Y là nghề luôn song hành cùng với quá trình tồn tại và phát triển của con người. Cán bộ y tế là những người trực tiếp đem lại sức khỏe và hạnh phúc cho con người, chính vì vậy, họ luôn được tôn vinh là nghề cao quý và gọi là thầy thuốc.
Trong bối cảnh hiện nay, việc đào tạo đội ngũ nhân lực y tế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là rất quan trọng. Đơn cử, theo quy định hiện hành 1 bệnh viện nếu có 1 ngàn giường thì phải có tối thiểu 1000 nhân sự theo quy định, trong đó sẽ cần khoảng 150 người là bác sĩ còn lại chủ yếu là điều dưỡng.
Trên thực tế, bác sĩ thường chỉ gặp bệnh nhân lúc khám bệnh, kê đơn, còn lại chủ yếu trong thời gian chăm sóc, theo dõi là người làm công tác điều dưỡng thực hiện. Hơn nữa, chúng ta cần có lực lượng thay thế đội ngũ nghỉ hưu, chuyển nghề, đặc biệt là khi đội ngũ điều dưỡng viên vốn có tỷ lệ bỏ học, bỏ nghề giữa chừng cao do thời gian làm việc khắt khe, công việc vất vả, nguy hiểm, thu nhập chưa tương xứng, …
Chính vì vậy, vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo khối ngành sức khỏe càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Làm sao để tuyển sinh, đào tạo được những người “thầy thuốc” yêu nghề, có sự kiên trì, sức chịu đựng cao.
Cần có cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực y tế cho các trường cao đẳng y dược
Trước nhu cầu nhân lực y tế tăng cao, thầy Sơn cho biết, các trường cao đẳng y dược đã và đang đối diện với nhiều thách thức lớn trong công tác đào tạo và chuẩn bị cho sinh viên bước vào nghề.
Thứ nhất là, yêu cầu chất lượng đào tạo ngày càng cao. Ngành Y đòi hỏi sinh viên không chỉ cần có kiến thức chuyên môn mà còn phải thành thạo kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao. Trong khi đó, số lượng sinh viên ngày càng đông nhưng điều kiện thực hành tại bệnh viện có hạn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Thứ hai là, hạn chế về cơ sở vật chất và công nghệ. Ngành Y phát triển nhanh với công nghệ và kỹ thuật mới, thế nhưng không phải trường nào cũng có điều kiện cập nhật trang thiết bị hiện đại. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của sinh viên.

Thứ ba là, khó khăn trong thực hành lâm sàng. Các bệnh viện lớn thường quá tải, hạn chế tiếp nhận sinh viên thực tập, khiến thời gian thực hành thực tế bị rút ngắn, ảnh hưởng đến tay nghề sau tốt nghiệp.
Thứ tư là, sự cạnh tranh giữa cơ sở đào tạo y dược ngày càng gay gắt yêu cầu các trường phải liên tục đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.
Thứ năm là, khả năng thích ứng với kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề. Được biết, kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề y tế dự kiến sẽ siết chặt điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, đòi hỏi người học phải có kiến thức vững chắc, kỹ năng thực hành tốt và năng lực xử lý tình huống lâm sàng cao. Các trường cần cải tiến chương trình đào tạo để đảm bảo sinh viên học chắc lý thuyết, thực hành sâu, rèn luyện tư duy lâm sàng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, ứng dụng mô hình mô phỏng y khoa, bài tập tình huống lâm sàng, thi thử theo format kỳ thi đánh giá năng lực để giúp sinh viên quen với cách thức thi cử mới.
Mặc dù đối diện với nhiều thách thức, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình vẫn thuộc trường top trong hệ thống đào tạo công lập nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng giảng dạy, bệnh viện thực hành và công nghệ số. Việc đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật phương pháp giảng dạy theo kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề sẽ giúp sinh viên tốt nghiệp có đủ kiến thức, kỹ năng để làm việc ngay và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của ngành y tế.
Một số hoạt động cụ thể đã được nhà trường triển khai như kiểm định trường và chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đổi mới chương trình đào tạo tích hợp theo năng lực, giảng dạy theo hệ cơ quan theo hướng tăng cường thực hành, mô phỏng lâm sàng; đổi mới đánh giá sinh viên theo năng lực đa dạng từ câu hỏi MCQ theo ca bệnh, đánh giá Mini Cex, nhật ký lâm sàng, báo cáo làm việc nhóm…; tích hợp đào tạo kỹ năng lâm sàng ngay từ năm đầu tiên, giúp sinh viên sớm làm quen với thực tế.
Đồng thời, nhà trường cũng đẩy mạnh chuyển đổi số qua việc xây dựng hệ thống chuyển đổi số trường, hệ thống người bệnh ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo, hệ thống E learning, nhật ký lâm sàng … để nâng cao hiệu quả giảng dạy và năng lực cho sinh viên. Tiếp tục mở rộng hợp tác, trao đổi chuyên môn với các đối tác Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc trong xây dựng chương trình, giáo trình, liên kết giảng dạy chuyên môn; mở rộng hợp tác với các bệnh viện, cơ sở y tế lớn trong toàn quốc.
Từ năm học 2025, nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi theo các vấn đề thực tế của các ngành nghề theo định dạng kỳ thi năng lực hành nghề, giúp sinh viên tiếp cận sớm và đầy đủ trước khi tốt nghiệp.
Để công tác đào tạo khối ngành y dược ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển, thầy Sơn cho hay, cần thực hiện rà soát, phân cấp và đầu tư có trọng điểm cho các trường đào tạo y dược.
Cụ thể, Nhà nước nên có chính sách thực hiện quá trình kiểm tra, đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe để phân loại theo cấp độ (1, 2, 3). Việc này giúp học viên và đơn vị tuyển dụng có cơ sở lựa chọn phù hợp, đồng thời xác định rõ các trường cần được ưu tiên đầu tư. Những cơ sở đào tạo đạt chất lượng cao cần được hỗ trợ về trang thiết bị, nâng cao năng lực giảng dạy để đáp ứng yêu cầu quốc gia và quốc tế. Việc thành lập mạng lưới kết nối giữa các trường uy tín cũng tạo điều kiện cho việc trao đổi chuyên môn và chia sẻ tài nguyên.
Bên cạnh đó, cần cải thiện chính sách đãi ngộ cho giảng viên và nhân viên y tế để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao trong ngành y, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý.
Hiện, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ ban hành các chế độ hỗ trợ sinh viên ngành y, dược tương tự như ngành sư phạm, bao gồm hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập. Tuy nhiên, cần xem xét điều chỉnh mức lương, phụ cấp cho giảng viên và nhân viên y tế, đảm bảo công bằng và tạo động lực cho họ cống hiến lâu dài.
Ngoài ra, Nhà nước nên có cơ chế đặt hàng đào tạo nhân lực y tế cho các trường cao đẳng y dược, giúp đảm bảo tự chủ tài chính bền vững, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế cho các địa phương. Cơ chế này giúp các trường có nguồn thu ổn định để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, trong khi sinh viên theo học được hỗ trợ học phí và cam kết việc làm. Kết hợp đặt hàng đào tạo với tự chủ tài chính sẽ giúp các trường phát triển vững chắc mà không làm tăng áp lực chi phí lên người học.
Cần bổ sung thêm nhiều ngành Y vào Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Nói thêm về khó khăn tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo khối ngành sức khỏe, thầy Nam cho hay, nhà trường gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng đội ngũ bác sĩ về tham gia công tác tại trường. Bởi, sau khi tốt nghiệp, các bác sĩ thường muốn lựa chọn về công tác tại những thành phố phố lớn.
Bên cạnh đó, nguồn đầu tư của nhà nước cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo y dược nói chung chưa nhiều dẫn tới chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng nâng cao của cơ sở vật chất. Hơn nữa, hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đều đang có xu hướng tự chủ. Như Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm đang tự chủ 100% nên cũng có phần khó khăn trong công tác đầu tư, tuyển sinh.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19, nhiều trường trung cấp, cao đẳng y tế tuyển sinh không đủ chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, nhờ các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút đầu vào ngày càng gia tăng, năm 2024, tình hình tuyển sinh đã khởi sắc tích cực hơn. Đây cũng là năm nhà trường tuyển sinh đạt 100%.

Để công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao đẳng ngày càng phát triển trong thời gian tới, thầy Nam cho rằng, các cơ sở cần chủ động hơn trong hoạt động của mình như tự nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, thông tin quảng bá ngành học, … Đồng thời, dựa vào đề án phát triển, nhu cầu nhân lực của địa phương, quốc gia trong thời gian tới để mở những ngành học nhằm đảm bảo thuận lợi cho công tác tuyển sinh.
Còn theo thầy Cường, Đảng và Nhà nước đã xác định ngành Y là ngành đặc biệt thì cần nghiên cứu chế độ chính sách đặc biệt phù hợp cho những cán bộ y tế và hoạt động đào tạo lĩnh vực này. Từ đó, mới đảm bảo cho mục tiêu chăm sóc sức khỏe của con người.
Theo Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, chỉ một số ngành được miễn giảm học phí, trong đó có 05 ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe gồm Y sỹ đa khoa, Dược, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Đáng nói, theo thầy Cường, tất cả các ngành liên quan đến sức khỏe đều nặng nhọc, độc hại do đều tiếp xúc với người bệnh, nguy cơ truyền nhiễm, độc hại về tinh thần, … là rất cao nên việc chọn 5 ngành thuộc nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là chưa đầy đủ. Những ngành khác như Kỹ thuật viên phục hồi chức năng, Kỹ thuật viên chụp X-quang, … cũng rất vất vả, độc hại. Do vậy, nên có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn nhằm tạo động lực cho các em được học tập tốt hơn.